Vào mùa xuân, với không khí lạnh ẩm, thời tiết thay đổi thất thường cộng thêm tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao khiến cho các bệnh về đường hô hấp trở nên phổ biến hơn trong đó có viêm mũi dị ứng. Đối với những người có cơ địa dị ứng thì đây là thời gian cần phải cảnh giác. Khi bị viêm mũi dị ứng người bệnh sẽ có các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, tắc ngạt mũi…
Để làm giảm tình trạng hắt hơi, sổ mũi… có thể dùng thuốc chống dị ứng clorpheniramin. Đây là một trong những thuốc kháng histamin được dùng điều trị viêm mũi dị ứng mùa và quanh năm. Thuốc có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh như hắt hơi, sổ mũi… Hiện, trên thị trường thuốc này còn được phối hợp trong một số chế phẩm để điều trị triệu chứng ho và cảm lạnh. Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng trong điều trị triệu chứng nhiễm virut. Khi dùng clorpheniramin cần lưu ý, thuốc có thể gây ngủ gà (do tác dụng an thần của thuốc), chóng mặt, hoa mắt, nhìn mờ và khô miệng (nên có nguy cơ bị sâu răng nếu điều trị trong thời gian dài). Vì vậy người bệnh cần lưu ý, khi dùng thuốc cần tránh làm những công việc đòi hỏi sự tỉnh táo như vận hành máy móc, lái xe, làm việc trên cao và không dùng thuốc trong thời gian dài.
Trường hợp bị ngạt tắc mũi có thể dùng thuốc nhỏ hoặc xịt mũi như naphazolin. Thuốc có tác dụng làm co mạch tại chỗ nhanh và kéo dài, giảm sưng và sung huyết mũi, nhanh chóng giúp cho mũi hết ngạt và dễ thở… Sau khi nhỏ (xịt) dung dịch naphazolin, tác dụng co mạch đạt trong vòng 10 phút và kéo dài trong khoảng 2 - 6 giờ, tuy nhiên mũi vẫn có thể bị sung huyết trở lại, gây ngạt tắc trở lại. Không nên dùng naphazolin cho trẻ em dưới 6 tuổi. Nếu cần thiết, dùng dung dịch 0,025% và phải hết sức thận trọng theo chỉ dẫn, theo dõi của thầy thuốc. Chỉ được dùng dung dịch 0,05% cho trẻ em dưới 12 tuổi khi có chỉ dẫn và giám sát của thầy thuốc. Không nên dùng nhiều lần và liên tục để tránh bị sung huyết nặng trở lại. Khi dùng thuốc nhỏ mũi liên tục 3 ngày không đỡ người bệnh cần ngừng thuốc và đi khám bệnh. Thận trọng khi dùng cho những người bị cường giáp, bệnh tim, tăng huyết áp hoặc đái tháo đường…
Cần lưu ý, đây chỉ là những thuốc chữa triệu chứng. Bên cạnh việc dùng thuốc người bệnh cần tránh các tác nhân gây dị ứng như bụi, phấn hoa… ; Giữ ấm có thể khi nhiệt độ thay đổi hoặc khi chuyển mùa, nhất là về sáng hoặc mùa lạnh. Cần nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ, và tăng cường hệ miễn dịch (ăn nhiều rau quả…) để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Dược sĩ Hoàng Thủy