Thuốc dùng trong bệnh basedow

27-03-2016 14:06 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Bệnh bướu cổ đơn thuần (suy tuyến giáp vì thiếu iod), bệnh basedow (cường tuyến giáp) đều có bướu ở cổ (do tích lũy nhiều chất keo). Hai loại bướu này rất khác nhau, cần biết để tránh nhầm lẫn bệnh dẫn đến dùng nhầm thuốc.

Thuốc chữa bệnh basedow gồm 3 nhóm chính:

Nhóm Anion: iod là nguyên liệu để tổng hợp hoóc-môn tuyến giáp. Nhóm anion ngăn chặn việc vận chuyển iod vào tuyến giáp. Thí dụ: perclorat, thiocyanat, nitrat.

Nhóm iod vô cơ có hàm lượng cao: nhóm này ức chế toàn bộ việc tổng hợp hoóc-môn tuyến giáp. Thí dụ: dung dịch kaliiodid bão hòa, dung dịch lugol mạnh.

Nhóm thioamid: cơ chế chung: nhóm này kháng trực tiếp quá trình tổng hợp hoóc-môn tuyến giáp bằng các cách: ngăn chặn iod từ máu thâm nhập vào tế bào tuyến giáp. Ngăn chặn iod kết hợp với tyrosin tạo thành tiền chất T1 (monoiodotyrosin) và T2 (diiodotyrosin). Ngăn chăn sự trùng hợp của T1 và T2 để tạo thành hoóc-môn tuyến giáp dạng T3 (gồm 1 phân tử T1 1 phần tử T2) hay dạng T4 (gồm 2 phân tử T2). Mặt khác: ức chế menperoxydase, do đó làm cho iod và tyrosin không chuyển sang dạng hoạt động được.

Trong quá trình điều trị cần khám định kỳ để xác định lại tình trạng bệnh

Trong 3 nhóm này thì nhóm thioamid là nhóm được dùng phổ biến nhất hiện nay. Dưới đây điểm qua một số thuốc hay dùng và thuốc tương tự trong nhóm thioamid:

Propylthiouracyl (biệt dược: PTU, tiotil):

Về hoạt tính: quá trình oxy hóa iod để tổng hợp thyroxin cần có sự tác động của enzym thyroperoxydase và quá trình chuyển thyroxin (T3) thành triiodothyroxin (T4) cần sự tác động của enzym tetraiodothyronine -5-deiodinase. PTU ức chế cả hai enzym này nên giảm việc sản xuất và hoạt động của hoóc-môn tuyến giáp, do thế được xem là thuốc kháng giáp hàng đầu.

PTU không trực tiếp kháng lại hoóc-môn có sẵn trong tuyến giáp hay trong máu cũng không trực tiếp kháng lại hoóc-môn tuyến giáp từ bên ngoài đưa vào. PTU cũng không chống lại các nguyên nhân gây ra cường giáp. Do thế mà sau khi dùng PTU có khi 2 - 4 tháng mới thấy giảm triệu chứng suy giáp, và sau thời gian bình giáp (1 - 2 năm) rồi bệnh tự thoái lui hay khỏi (chứ không phải do PTU chữa khỏi).

Về dược động học: sau khi uống 1 giờ đạt nồng độ tối đa. Tỉ lệ gắn kết với protein là 70%. Trong khi tỉ lệ này ở methimazol thấp hơn. Chu kỳ bán thải ở máu là 1 giờ và không thay đổi đáng kể bởi tình trạng tuyến giáp. Tập trung nhanh vào tuyến giáp, tuy nhiên khoảng cách giữa các lần dùng thuốc có thể 8 giờ hay lâu hơn. Hầu hết chuyển hóa tại gan bởi quá trình glucoronat hóa chỉ còn lại 10% ở dạng không biến đổi. Có thể đi qua nhau thai, tiết vào sữa.

Về tác dụng phụ: PTU gây giảm bạch cầu, có thể gây mất bạch cầu hạt biểu hiện sốt nhiễm khuẩn cổ họng, đường tiêu hóa, da; gây giảm tiểu cầu, khó đông máu. Ngoài ra, còn gặp một số tác dụng phụ khác: viêm, buồn nôn, ợ nóng, mất cảm giác về hương vị, đau cơ, tê, nhức đầu, bạc tóc, dị ứng.

PTU không gây dị tật thai kể cả khi dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ. Vì thế PTU là chọn lựa hàng đầu cho mọi  đối tượng cường giáp (người lớn, trẻ em, người mang thai). Tuy nhiên, việc dùng liều cao tới giới hạn gây suy giáp thì có thể gây suy giáp cho trẻ  do tăng thyrotropin tuyến yên của thai nhi; khoảng 12% trẻ sơ sinh mà mẹ có dùng PTU  trong thai kỳ gặp điều này; tuy nhiên chỉ là tạm thời sẽ tự mất đi mà không cần điều trị. Gần đây, FDA cũng xác nhận lại  là PTU không gây dị tật thai và hại thai  như  methimazol (xem ở dưới).

Gần đây FDA cảnh báo thêm độc tính PTU trên gan. Theo đó, đã nhận diện được 34 trường hợp tổn thương gan liên quan đến dùng PTU, trong đó có 23 trường hợp người lớn (với 13 người  chết, 5 người  phải ghép gan), 11 trường hợp trẻ em (với 2 em chết 7 em phải ghép gan), trong khi đó với cùng điều kiện tương tự liên quan đến dùng methimazol chỉ có 5 trường hợp tổn thương gan (với 2 người chết). Tổn thương gan có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình dùng PTU, có tỉ lệ nặng, chết cao. Kết luận: tổn thương gan nghiêm trọng do PTU gây ra cao hơn hẳn methimazol.

Về tương tác: dùng chung với thuốc chống đông làm tăng tác dụng chống đông của các thuốc này, làm tăng tác dụng của sulfamid chữa đái tháo đường và thuốc động kinh hydratoin.

Về chỉ định: PTU điều trị tạm thời tăng năng tuyến giáp trong khi chuẩn bị phẫu thuật hay dùng iod phóng xạ, điều trị tăng năng tuyến giáp trong một thời gian ngắn (1 - 2 năm) cho đến khi bệnh cường giáp tự thoái lui, khỏi.Trước đây dùng điều trị tăng năng tuyến giáp trẻ em trong khi chờ lớn lên để xử lý bằng cách khác.

Về chống chỉ định: các bệnh về máu nặng (thiếu máu bất sản, mất bạch cầu hạt) - viêm gan - mẫn cảm với PTU hay bất cứ thành phần nào của thuốc. Về chống chỉ định không dùng điều trị lâu dài tăng năng tuyến giáp vì không tác dụng đến nguyên nhân tăng năng tuyến giáp.

Ngoài Propylthiouracyl còn có hai thuốc Methylthiouracil (MTU methiacin) và Benzylthiouracyl (biệt dược: BTU,basdene). Hai thuốc này có hoạt tính dược động học, tác dụng phụ, tương tác, chỉ định chống chỉ định tương tự tương tự PTU. Tuy nhiên, cần lưu ý: MTU có mức tác  dụng phụ cao hơn PTU; trước đây có nghiên cứu cho thấy gây viêm gan, có ghi nhận độc với thai  nhưng hiện nay vì tại Mỹ không dùng MTU nên không tháy nghiên cứu tiếp và nêu lại các vấn đề này như đã nêu với PTU. BTU mức độc cao hơn PTU như gây viêm mạch, viêm thận, tổn hại phổi, nay ít dùng.

Methimazol (biệt dược: metothyrin, tapazol):

Về hoạt tính: quá trình bổ sung iod để thyroglobulin tổng hợp ra triiodothyroxin (T3) và thyroxin (T4) cần sự tác động của enzym thyroproxydase. Methimazol ức chế việc bổ sung iod nên làm giảm việc sản xuất các hoóc-môn tuyến giáp.

Về tác dụng phụ và tương tác: methimazol gây giảm bạch cầu, gây mất bạch cầu hạt với biểu hiện sốt nhiễm khuẩn họng; giảm tiểu cầu; gây ra phát ban da, ngứa, rụng tóc, đau bụng, nôn mửa, mất cảm giác về hương vị, bất thường về cảm giác (có hiện tượng như kiến bò, nóng), viêm đau khớp và cơ bắp, chóng mặt, buồn ngủ, dị tật không tạo da bẩm sinh (đây là một dị tật không phát triển mô mạch liên kết, dẫn tới không có da với kích thươc 0,5 - 3cm ở giữa vùng đỉnh và xương chẩm. Methimazol gây dị tật thai (trong do có dị tật không tạo da bẩm sinh như nói trên).

Tương tác với thuốc chống đông máu (warfarin, coumarin) chẹn beta (propranolol), thuốc đái tháo đường, thuốc chữa suy tim (digitoxin), thuốc giãn phế quản (thyophylin).

Về chỉ định: điều trị tăng năng tuyến giáp.

Về chống chỉ định: các bệnh về máu (giảm bạch cầu, tiểu cầu, thiếu máu bất sản); viêm gan, người mang thai cho con bú; người chuẩn bị phẫu thuật kể cả phẫu thuật nha khoa (do sự chảy máu).

Carbmazol (biệt dược: tyrasol, neral, neocarbimazol):

Về hoạt tính: carbimazol là tiền chất, khi vào cơ thể sẽ chuyển thành methimazol và sẽ có hoạt tính theo cơ chế như methimazol.

Về  tác dụng phụ, tương tác: gây dị ứng phát ban và ngứa nhưng nhẹ chỉ cần dùng thuốc chống dị ứng mà không cần ngừng thuốc. Có thể gây ức chế tủy xương, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, xảy ra bất cứ giai đoạn nào trong điều trị mà không có dấu hiệu báo trước. Nếu thấy nhiễm khuẩn đặc biệt là viêm họng thì cần xét nghiệm đếm bạch cầu, nếu kết quả cho thấy lượng bạch cầu trung tính thấp thì cần ngừng dùng carbimazol. Nếu không hoặc làm điều này chậm trễ thì việc giảm bạch cầu trung tính sẽ nhiều hơn, cơ thể bị ức chế miễn dịch làm cho việc nhiễm khuẩn nặng hơn, dẫn tới tử vong. Tốc độ vận chuyển qua hàng rào nhau thai của  carbamimazol kém hơn methimazol nhưng vẫn vượt  qua được hàng rào nhau thai, cẩn thận khi dùng cho người có thai. Có các  tương tác như methimazol.

Về chỉ định, chống chỉ định: tương tự như methimazol.

Lưu ý khi dùng thuốc kháng giáp:

Về liều lượng thông thường: thường bắt đầu bằng một đợt tấn công liều cao (thường thực hiện ở bệnh viện) trong thời gian ngắn, sau đó dùng liều thấp hơn và khi đạt được liều thích hợp thì duy trì ở mức đó. Thí dụ: với Benzylthiouracyl (biệt dược: BTU, basdene) tấn công với liều 150 - 200mg/ngày trong vài tuần, duy trì liều 100mg/ngày trong vài tháng. Với Methimazol (biệt dược: metothyrin,tapazol) tấn công với liều 40 - 60mg/ngày, khi có hiệu quả giảm dần liều xuống 5 - 20mg/ngày trong 12 - 18 tháng.

Không dùng quá liều: khi tự ý tăng liều hay khi bệnh đã giảm mà cứ vẫn tiếp tục dùng liều cao thì sẽ xảy ra suy giáp. Trong trường hợp này chỉ cần giảm liều hay tạm dừng thuốc là được. Nhưng có khi do đến khám nơi khác, lại không trình bày đầy đủ quá trình điều trị cũ, rất dễ nhầm lẫn với trường hợp suy giáp khác dẫn đến dùng nhầm thuốc. Để tránh rắc rối này khi bị bệnh basedow cần nhờ một thầy thuốc theo dõi và giữ hồ sơ điều trị cẩn thận.

Khám định kỳ: trong quá trình điều trị cần khám định kỳ để xác định lại tình trang bệnh, đồng thời phải làm một số xét nghiệm định kỳ (ví dụ: xét nghiệm chức năng gan khi dùng methimazol) không nên chỉ khám một lần rồi dùng đơn cũ mua thuốc dùng kéo dài hoặc thay đổi thuốc liều lượng theo cảm nhận chủ quan.


DS.CKII. BÙI VĂN UY
Ý kiến của bạn