Thuốc tuần hoàn não có hai cơ chế tác dụng: phục hồi sự suy giảm lưu thông máu và phục hồi các tổn thương thần kinh ở não. Không nên coi chúng là loại thuốc bổ bão tự ý dùng mà chỉ dùng khi xác định não có sự suy giảm lưu thÔNG máu hay tổn thương.
Nguồn cung cấp máu cho não
Não được hai nguồn cung cấp máu:
Động mạch cảnh trong ở phía trước: động mạch này đi vào hộp sọ… sau đó cho một nhánh vào hốc mắt gọi là động mạch mắt, tiếp đó chia thành 4 nhánh là động mạch não trước, động mạch não giữa, động mạch mạc trước, động mạch thông sau.
Động mạch sống - nền: có hai động mạch đốt sống đi vào mỏm ngang của đốt sống cổ, đi quanh nếp đội, đi tiếp vào lổ chẩm, cung cấp máu cho động mạch tiểu não sau đốt sống và gặp nhau tại rãnh hành cầu làm thành động mạch thân nền. Hệ động mạch này có tên là hệ động mạch đốt sống - thân nền (gọi tắt sống - nền). Tận cùng của hệ thống động mạch sống - nền là động mạch sau não.
Các nhánh động mạch trên và các nhánh khác của động mạch não nối với nhau thành từng cặp tương thích. Bằng các các nhánh chia hay theo kiểu tận - tận; kết quả cuối cùng là tạo ra một màng lưới động mạch não liên thông với nhau. Nhờ sự liên thông này mà khi một nhánh nào đó không cung cấp đủ máu cho vùng não nó phụ trách thì lập tức sẽ có một nhánh khác của động mạch não bổ sung gọi là cơ chế tự điều hòa.
Thiểu năng tuần hoàn não (TTA)
Thiểu năng tuần hoàn não hay thiếu máu cục bộ não thoáng qua (TTA= Transien Inchaemic Attach) là do sự trục trặc của hệ tưới máu trên. Nguyên nhân:
Động mạch sống - nền bị chít hẹp: ở người bình thường, một vài động tác xoay, ưỡn quá cột sống có thể gây kẹt động mạch sống - nền tạm thời, tuy nhiên ngay lập tức sẽ được bù trừ. Khi thoái hóa xương khớp, đĩa đệm ở cột sống cổ thì quá trình tạo xương sẽ sinh ra những gai xương, mỏ xương, gồ dầy xương chèn ép động mạch sống - nền thường xuyên hay tạm thời ở một vài tư thế. Cũng có khi sau một chấn thương sẽ có sự hư khớp ở mỏm móc gây nên chít hẹp động mạch sống- nền, đồng thời các sợi thần kinh giao cảm đi liền với hệ động mạch sống - nền sẽ bị kích thích gây đau ở vùng chẩm gáy. Động mạch sống nền bị chít hẹp thì sẽ không cung cấp đủ máu cho một số vùng não tương ứng.
Động mạch bị xơ vữa: các động mạch cung cấp máu cho não (kể cả sống-nền) bị xơ vữa; lòng động mạch hẹp lại (đường kính chỉ bằng 50% so với trước); khi một nhánh hay một đoạn nào bị co thắt do huyết khối thì máu bị tắc nghẽn không đi đến được vùng não tương ứng.
Các động mạch cung cấp máu cho não (kể cả sống-nền) bị xơ vữa; lòng động mạch hẹp lại
Trước kia, cho TTA là do xơ vữa động mạch, nay cho chính là do chít hẹp động mạch sống - nền; vì vậy TTA được gọi là thiểu năng động mạch sống - nền; thường xảy ra ở người già nên còn gọi là TTA của người giả. Một khi TTA chỉ do thiểu năng động mạch sống - nền thì biểu hiện thường đơn giản nhưng nếu kèm theo do xơ vữa động mạch thì biểu hiện khá phức tạp có lúc đơn phương, có lúc phối hợp, xen kẽ của các rối loạn về huyết động về thần kinh trung ương và về thần kinh giao cảm.
Một vài biểu hiện TTA thường gặp
Biểu hiện thường gặp là ù tai, giảm thính lực tạm thời, chóng mặt, mất thăng bằng, ám điểm, mất hay không mất ý thức tùy theo cơn đau dầu. Đau đầu có đặc trưng là vị trí đau từ phía sau; không có điểm đau cố định mà cả ở khu vực chẩm cổ; mức đau vừa phải có thể chịu đựng được… ê ẩm, râm ran, nặng đầu khó chịu, xuất hiện không thường xuyên mà thường xen kẽ với các biểu hiện khác (chóng mặt, rối loạn thăng bằng, rối loạn thị giác) hoặc xuất hiện đau nhưng sau đó bị che lấp bởi các biểu hiện nổi bật khác:
Rối loạn võng mạc mắt: đột ngột thấy mắt như qua lớp sương mù rối mất thị lực một mắt hay một phần thị trường, kéo dài vài giây hay vài phút, có thể bị mù thoáng qua trong vài giờ, khi hết cơn mắt trở lại bình thường.
Rối loạn tiền đình và thăng bằng: chóng mặt, có cảm giác như bị đẩy sang một bên, bồng bềnh như ngồi thuyền, xuất hiện khi thay dổi tư thế đầu đột ngột, gập cổ, nghiêng đầu qua một bên hay ngửa cổ quá mức (80% trường hợp).
Rối loạn vận động: tê một nửa người, một tay hoặc nửa mặt ở các mức khác nhau. Có thể kèm theo tổn thương dây thần kinh sọ não bên đối diện; liệt mặt (do rối loạn dây thần kinh VII); liệt nhẹ hai chân hay hai tay (do tổn thương cầu não).
Rối loạn thính giác: có tiếng như ve kêu, ù ù như xay lúa hay eng eng trong đầu. Đột ngột ù cả hai tai, nghe tiếng động xa xăm, bị điếc một bên hay cả hai tai trong vài giờ.
Rối loạn cảm giác: phần lớn rối loạn cảm giác nông (đau, nóng, lạnh), giảm hay mất cảm giác nửa người, rối loạn cảm giác chủ quan như có kim châm, kiến bò (dị cảm) ở một bên hay hai bên mặt (do thiếu máu ở cầu não).
Rối loạn ngôn ngữ: rối loạn hay mất ngôn ngữ vận động, loạn phối hợp từ, hoặc mất ngôn từ trong 1 - 6 giờ hay dài hơn.
Rối loạn ý thức: hiếm khi mất ý thức, thường xuất hiện trạng thái lo âu.
Cơn sụp đổ: đột ngột thấy chóng mặt, choáng váng, khuỵu rất nhanh xuống nhưng vẫn nhận biết, tỉnh táo, khi hết cơn thì đi lại được.
TTA chỉ xảy ra rất nhanh (vài giây, vài phút và thường không quá 1 giờ) không mấy khi đầy đủ các biểu hiện trên, hoặc có các biểu hiện trên nhưng người bệnh, không nhận biết, không nhớ. Khi hết cơn sẽ phục hồi dần, không để lại di chứng. TTA được coi là dấu hiệu báo trước, là con đường ngắn nhất dẫn đến tai biến não (CVA), vì vậy cần tích cực cấp cứu, điều trị kết hợp việc dùng thuốc với cải thiện các chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập nhằm kiểm soát bệnh. TTA là bệnh mạch máu song tổn thương cuối cùng là các tế bào thần kinh. Thuốc dùng trong TTA có cơ chế tác động trên cả mạch máu và thần kinh.
Các thuốc dùng trong TTA
Dưới đây chỉ đề cập đến một số thuốc thường dùng:
Pyracetam:
Pyracetam tác dụng trực tiếp lên não, cải thiện dẫn truyền thần kinh ở đối tượng bình thường cũng như đối tượng đã trải qua thiếu sót một vài chức năng hệ thần kinh trung ương, làm dịu sự dẫn truyền thần kinh ở não, cải thiện cơ bản môi trường chuyển hóa, chức năng thần kinh, nhờ đó mà làm phục hồi chức năng nhớ, nhận thức, học tập, tính linh hoạt, tỉnh táo nên còn gọi là thuốc hưng trí.
Pyracetam tăng cường sự đề kháng của não khi thiếu oxy, glucose bằng cách chống lại những rối loạn chuyển hóa do thiếu máu não cục bộ, bảo vệ não (tăng sự huy động sử dụng chuyển hóa oxy, glucose não, duy trì năng lượng tổng hợp não, tăng cường sự phục hồi tổn thương), phục hồi khả năng nhận thức sau chấn thương não (do giảm oxy huyết, nhiễm độc, sau sốc điện), cải thiện tình trạng mất trí (sau nhồi máu não hay thiếu máu cục bộ não).
Pyracetam dung nạp tốt; khi dùng liều cao có thể bị mất ngủ, kích thích, đau đầu, kích động, căng thẳng. Các tác dụng này thường xảy ra khi dùng với caffein (kể cả chè) giảm đi khi dùng với magie; giảm nhẹ khi dùng với chất sinh tổng hợp acetycholin hay các thuốc có tác dụng cholinergic.
Pyracetam được dùng cho TTA ở người già với các biểu hiện tập trung như chóng mặt, suy giảm trí nhớ, thiếu tập trung, linh lợi, lơ đễnh, hay thay đổi hành vi, cũng còn dùng trong tai biến mạch máu não (do va đập) để phục hồi thần kinh bị tổn thương (dùng trong vòng 72 giờ kể từ khi bị tổn thương). Pyracetam chỉ phục hồi trí nhớ sau khi bị giảm sút, chứ không phải tăng cường trí nhớ lên quá mức vốn có, tuy nhiên nó vẫn bị học sinh - sinh viên lạm dụng làm thuốc tăng trí nhớ (trong học thi).
Cerebrolysin:
Cerebrolysin là chế phẩm sinh học (thủy phân tinh chất não lợn bằng enzym và đã được chuẩn hóa); 1ml cerebrolysin đậm đặc chứa 215,2mg tinh chất não lợn, gồm khoảng 15% petid phân tử lượng thấp và 85% aminoacid. Các peptid phân tử thấp xuyên qua hàng rào máu não, tác động trên tế bào thần kinh, tạo ra hoạt tính sinh học quyết định tính đặc hiệu của cerebrolysin đối với não theo 3 nội dung chính:
- Về kích thích dinh dưỡng thần kinh: các peptid đảm bảo sự tồn tại, tính đặc trưng, bảo vệ các tế bào thần kinh. Tính kích thích dinh dưỡng này thể hiện rất sớm khoảng 8 giờ sau khi truyền tĩnh mạch và tỏ ra bền vững sau thời gian kéo dài (sau khi ngừng trị liệu 6 tháng).
- Về điều biến thần kinh: bằng cơ chế điểu biến mềm dẻo thần kinh, cerebrolysin đề kháng lại sự giảm oxy, thiếu máu cục bộ, tổn thương thực thể não, cải thiện đáng kể tình trạng đột quỵ sau 4 tuần điều trị, dẫn tới sự hồi phục nhanh hơn, tránh hay giảm di chứng, cải thiện tình trạng suy giảm trí tuệ, sự tập trung, tính linh lợi, sự thay đổi hành vi.
- Về điểu chỉnh chuyển hóa: cerebrolysin có thể điều chỉnh sự rối loạn chuyển hóa và chuẩn lại sự mất trật tự chuyển hóa bên trong tế bào thần kinh.
Cerebrolysin được dùng trong trong TTA (cải thiện dáng kể các biểu hiện của như đau đầu, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, thiếu tập trung thiếu linh lợi, thay đổi hành vi); cũng được dùng trong CVA (cải thiện tích cực các tổn thương não do đột quỵ hay va đập, làm phục hồi các tổn thương, bảo vệ tế bào thần kinh, chống sự rối loạn chuyển hóa, tránh giảm bớt các di chứng). Trong cấp cứu CVA có hiệu lực tốt nhất trong vòng 3 ngày, tuy nhiên do hiệu lực có tính vững bền nên hiện nay, sau cấp cứu thầy thường cho dùng thêm một vài đợt bổ sung (sự bổ sung này được xem như là điều trị TTA sau khi bị CVA nhằm phòng sự lặp lại CVA).
Ginkgo biloba làm tăng chức năng tuàn hoàn não, làm tăng tính chịu đựng của mô não khi thiếu oxy...
Cinarizin:
Cinnarizin chẹn kênh canxi chọn lọc đồng thời làm giảm hoạt tính co mạch của adrenalin, do đó làm tăng lưu lượng máu đến các vùng, giảm thiểu tình trạng thiếu oxy não (mà không tăng áp lực máu, tốc độ tim, suy giảm hoạt động tim), nâng cao sức đề kháng của tế bào thiếu oxy, cải thiện sự lưu thông vi mạch của não bộ và ngoại vi bị giảm sút, giảm độ nhớt máu, cải thiện sự lưu biến máu (do cải thiện sự biến dạng hồng cầu).
Một số người dùng cinnarizin có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như: buồn ngủ, đau miệng, khô họng, nặng hơn có thể bị dị ứng (nổi ban, ngứa, tức ngực, khó thở, sưng miệng mặt môi), mất tiếng, tiểu nhiều, ngất, tim đập nhanh hay không đều, thay đổi tâm trạng hay tâm thần, mệt mỏi dai dẳng, lên cơn động kinh, chóng mặt, bầm tím hay chảy máu bất thường, vàng mắt, vàng da.
Dùng cinnarizin để điều trị duy trì các hội chứng TTA hay có nguồn gốc mạch máu não khác (nhức đầu do mạch máu, rối loạn tính nhạy cảm, khó hòa đồng, rối loạn trí nhớ sự tập trung, rối loạn lưu thông mạch máu mắt và trạng thái sau các tổn thương não, phòng ngừa bị nôn nao khi di chuyển). Ngoài ra, còn dùng điều trị duy trì hội chứng Miniere (chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, ù tai), hội chứng mạch máu ngoại vi (bệnh Buerger, tình trạng mất thăng bằng gián đoạn trong bệnh Raynaud, trạng thái mất cảm giác đột ngột, chứng xanh tím).
Ginkgo biloba:
Là dịch chiết từ lá bạch quả (Ginkgo biloba) đã được chế thành cao, chuẩn hóa; trong đó có chứa 24% flavonoid và 6% ginkgolid - biloblid (terpen lacton), không được chứa cao hơn 5 phần triệu ginkgolíc acid. Các hoạt chất của Ginkgo biloba làm tăng chức năng tuần hoàn não, làm tăng tính chịu đựng của mô não khi thiếu oxy, được coi như một chất bảo vệ thần kinh, chống oxy hóa gốc tự do, ổn định màng, là yếu tố ngăn cản sự kích hoạt tiểu cầu.
Ginko biloba không độc nhưng nếu chứa ginkgolíc acid quá mức chuẩn thì có độc.
Ginko biloba có thể gây ra một số khó chịu như: nhức đầu, bồn chồn, buồn nôn, tiêu chảy. Ginkgo biloba có thể làm tăng sự chảy máu, không nên dùng cho người rối loạn đông máu, không dùng chung với người đang dùng thuốc chống đông máu, thuốc ngăn sự tập kết tiểu cầu hoặc các thảo dược có chứa coumarin.
Ginkgo biloba được dùng trong TTA với các biểu hiện ù tai chóng mặt giảm thị lực, suy giảm võng mạc mắt do thiếu máu cục bộ, được dùng điều trị TTA từ xa nhằm dự phòng CVA và điều trị TTA sau khi bị CVA.
Thuốc tuần hoàn não có hai cơ chế tác dụng: phục hồi sự suy giảm lưu thông máu và phục hồi các tổn thương thần kinh ở não. Không nên coi chúng là loại thuốc bổ bão tự ý dùng mà chỉ dùng khi xác định não có sự suy giảm lưu thống máu hay tổn thương.
Tùy theo trường hợp dùng cho TTA hay CVA và mức bệnh mặng nhẹ mà liều lượng thay đổi. Thí dụ: với cerebrolysin: khi nhẹ tiêm bắp mỗi tuần 2 - 3 lần, mỗi lần 1 - 5ml; khi nặng: truyền tĩnh mạch 10 - 30ml, mỗi đợt 10 - 20 lần truyền.
Tuy không nhiều nhưng các thuốc đều có một số tác dụng không mong muốn và tương tác. Cần lưu ý điều này đặc biệt khi dùng chữa bệnh chung với các thuốc khác.
Ngoài hai công dụng dùng trong TTA và CVA một số thuốc tuần hoàn não còn được dùng trong một số trường hợp khác như có thuốc dùng trong trường hợp khó đọc thiếu máu hình lưỡi liềm (pyracetam) dùng trong trường hợp Alzheimer, bệnh khập khễnh cách hồi (ginkgo biloba). Phần lớn những cách dùng này còn trong phạm vi nhỏ lẻ và đang trong giai đoạn nghiên cứu. Không nên vì điều này mà xem thuốc có tính đa năng, khi thầy thuốc cho dùng với mục đích này thì cách dùng và liều lượng có khác, cần hỏi kỹ và tuân theo hướng dẫn.