Theo số liệu thống kê từ Tổng cục môi trường, hiện nay trung bình mỗi tỉnh có ít nhất một kho chứa thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bị cơ quan chức năng thu giữ. Tuy nhiên, tất cả các kho chứa thuốc này đều trong tình trạng lưu cữu, không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Số lượng thuốc bị bắt giữ và lưu trữ lớn song không có chính sách giải phóng kho bãi, hay tiêu hủy. Điều này khiến công tác quản lý số lượng thuốc BVTV gặp nhiều khó khăn. Qua thời gian, không ít bình chứa đã bị vỡ và trữ lượng thuốc độc ngấm vào đất ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân sinh sống quanh khu vực.
Sống với chất độc
Từ nhiều năm nay, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật gồm nhiều hóa chất độc hại được nằm ngay trong Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn. Do lưu cữu nhiều năm và không có biện pháp xử lý nên kho thuốc thường xuyên bốc mùi nồng nặc. Ông Hoàng Văn Bát, Chánh Thanh tra, Chi cục Bảo vệ thực vật Lạng Sơn, cho biết: “Từ năm 2007, ổ khóa của kho thuốc đã không được đụng đến, nên giờ cũng không mở được kho. Trong kho có khoảng hơn 8 tấn thuốc gồm: thuốc ngoài luồng, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, do các cơ quan chức năng thu giữ mang về”. Gia đình bà Trần Thị Liên, phường Tam Thanh, tỉnh Lạng Sơn là một trong 20 hộ dân thường xuyên sống trong nỗi lo sợ vì nhà ở ngay sát kho thuốc. Hiện tại, không chỉ không khí xung quanh nhà bà bị ô nhiễm, mà bà còn đang rất lo sợ thuốc trừ sâu có thể thẩm thấu vào nguồn nước giếng khơi bất cứ lúc nào. Bà Liên nói: “Những chiếc giếng khơi xung quanh nhà tôi không có nước và nước máy cũng ít nên rất khó khăn trong việc sinh hoạt. Gia đình tôi là hộ gần nhất với kho thuốc nên bị ảnh hưởng mùi rất nhiều. Ở đây, không chỉ có mình gia đình tôi mà có tới 20 hộ đều chịu chung cảnh này”. Mặc dù Chi cục Bảo vệ thực vật Lạng Sơn cũng đã nhiều lần đề nghị và muốn di chuyển kho thuốc sâu đi nơi khác, nhưng do không có kinh phí nên đành lực bất tòng tâm. Bên cạnh đó, theo Luật Thanh tra có hiệu lực năm 2010, ngành bảo vệ thực vật không còn chức năng thanh tra chuyên ngành về thuốc bảo vệ thực vật. Chi cục BVTV cũng không có chức năng lưu giữ, xử lý thuốc bảo vệ thực vật sau thu giữ. Vì vậy, số thuốc trừ sâu đó vẫn cứ tồn tại cho đến giờ.
Vấn đề ô nhiễm môi trường từ những kho thuốc BVTV nhập lậu bị bắt giữ cũng như những ảnh hưởng từ các kho lưu trữ trước đây tới sức khỏe người dân sống trong khu vực đã được thảo luận trong nhiều diễn đàn, tuy nhiên giải pháp đưa ra mới chỉ dừng lại trên văn bản.
Kho chứa hóa chất BVTV của Chi cục BVTV tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Song Toàn |
Cần chế tài đủ mạnh
Theo Công ước Stockhom về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, Việt Nam cam kết đến năm 2020 sẽ loại bỏ hoàn toàn hóa chất hữu cơ có gốc clo, trong đó bao gồm nhiều loại thuốc trừ sâu ngoài danh mục. Hiện, Tổng Cục môi trường cũng đang thực hiện Dự án nhằm loại bỏ hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mọi công việc mới đang khởi động. Vì vậy, ô nhiễm môi trường do các kho thuốc trừ sâu nhập lậu ở Lạng Sơn cũng như nhiều địa phương vẫn đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe cộng đồng.
Với thực trạng ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước. Theo đó, từ năm 2010 - 2015 tập trung xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại 240 điểm tồn lưu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng của 15 tỉnh, thành. Theo kết quả phân tích mẫu đất tại 59/289 kho hóa chất BVTV tồn lưu và khu vực xung quanh kho chứa do Tổng cục Môi trường tiến hành cho thấy, hàm lượng hóa chất độc hại vượt rất nhiều lần so với quy định.
Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 cũng đã đưa mục tiêu xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện 100 khu vực bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất BVTV tồn lưu gây ra. Song theo đánh giá, đến thời điểm này, một số địa phương vẫn gặp phải khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý ô nhiễm tại các điểm tồn lưu hóa chất BVTV như lựa chọn phương án và công nghệ xử lý phù hợp đối với từng điểm ô nhiễm; kinh phí xử lý các điểm ô nhiễm rất lớn nên ngân sách tỉnh không đủ đáp ứng...
Hỏa Long - Từ Dưỡng