Thuốc điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu

23-04-2025 06:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Xuất huyết giảm tiểu cầu là một rối loạn tự miễn hiếm gặp nhưng có thể đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

1. Xuất huyết giảm tiểu cầu là gì?

Xuất huyết giảm tiểu cầu là tình trạng giảm tiểu cầu ngoại vi do hệ miễn dịch tự sinh ra kháng thể phá hủy tiểu cầu, đồng thời ức chế quá trình sinh tiểu cầu mới tại tủy xương. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ xuất huyết nghiêm trọng.

Bệnh có thể xảy ra cấp tính ở trẻ em, thường sau nhiễm virus, hoặc mạn tính ở người lớn, kéo dài trên 6 tháng, thường không rõ nguyên nhân.

Một số trường hợp có liên quan đến bệnh tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống), nhiễm viêm gan C, HIV hoặc sau khi dùng một số thuốc.

Biểu hiện lâm sàng cần lưu ý:

- Ban xuất huyết dạng chấm hoặc mảng ở da, niêm mạc.

- Chảy máu cam, chảy máu chân răng.

- Phụ nữ có thể rong kinh.

- Các trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng, đặc biệt là xuất huyết tiêu hóa hoặc nội sọ.

Mặc dù phần lớn các trường hợp không đe dọa tính mạng ngay lập tức, nhưng cần được theo dõi và điều trị phù hợp để ngăn ngừa biến chứng.

Thuốc điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu- Ảnh 1.

Xuất huyết giảm tiểu cầu là một rối loạn tự miễn hiếm gặp nhưng có thể đe dọa tính mạng.

2. Các thuốc điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu

2.1 Thuốc corticoid (prednisolon, dexamethaxone)

- Công dụng: Là lựa chọn điều trị ưu tiên, giúp tăng tiểu cầu nhanh chóng trong giai đoạn cấp.

- Cơ chế: Ức chế miễn dịch, giảm sản xuất kháng thể phá hủy tiểu cầu.

- Tác dụng phụ thường gặp (nếu dùng kéo dài hoặc liều cao): Tăng huyết áp, tăng đường huyết, giữ nước, phù mặt; rối loạn tâm thần (mất ngủ, kích thích, trầm cảm); loãng xương, yếu cơ; loét dạ dày, viêm dạ dày; suy tuyến thượng thận nếu ngừng đột ngột…

2.2 Globulin miễn dịch

- Công dụng: Được chỉ định khi cần tăng nhanh số lượng tiểu cầu, thường trong các tình huống khẩn cấp (xuất huyết nặng, cần phẫu thuật…).

- Tác dụng phụ có thể gặp: Đau đầu, sốt nhẹ, ớn lạnh trong hoặc sau truyền; rối loạn chức năng thận, hiếm gặp nhưng nghiêm trọng…

2.3 Thuốc kháng thể đơn dòng (rituximab)

- Công dụng: Được sử dụng trong trường hợp không đáp ứng điều trị với corticoid.

- Cơ chế: Tiêu diệt tế bào B sản xuất kháng thể chống tiểu cầu.

- Tác dụng phụ có thể gặp: Phản ứng truyền (sốt, phát ban, khó thở); giảm bạch cầu, tăng nguy cơ nhiễm trùng; tái kích hoạt viêm gan B ở người mang virus tiềm ẩn...

2.4 Thuốc kích thích sinh tiểu cầu (eltrombopag, romiplostim)

- Công dụng: Kích thích tủy xương tăng sản xuất tiểu cầu, được chỉ định khi bệnh không đáp ứng các thuốc tuyến đầu.

- Tác dụng phụ thường gặp: Nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ; tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi. Eltrombopag có thể gây tăng men gan, độc tính gan, cần theo dõi xét nghiệm chức năng gan định kỳ.

Việc sử dụng thuốc điều trị cần theo dõi chặt chẽ, không chỉ về hiệu quả lâm sàng mà còn phải giám sát tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt khi sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch hoặc tác động lên cơ chế sinh tiểu cầu.

Thuốc điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu- Ảnh 2.

Người bệnh cần theo dõi dấu hiệu cảnh báo cần tái khám sớm.

3. Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc

Việc điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu thường kéo dài, trong đó có nhiều loại thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, chức năng gan, nguy cơ xuất huyết hoặc đông máu. Vì vậy, để sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả cần lưu ý:

- Tuân thủ tuyệt đối đơn thuốc: Không tự ý tăng, giảm liều hoặc ngừng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Theo dõi dấu hiệu cảnh báo cần tái khám sớm:

+ Chảy máu bất thường: Chảy máu chân răng, chảy máu cam kéo dài, vết bầm tím tự phát, tiểu ra máu, phân đen...

+ Sốt cao, mệt mỏi nhiều, ho kéo dài (cảnh báo nhiễm trùng khi dùng thuốc ức chế miễn dịch).

+ Vàng da, ngứa, đau hạ sườn phải.

+ Đau đầu dữ dội, đau ngực, sưng chân (có thể là dấu hiệu huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi).

- Chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp: Tránh dùng thuốc hoặc thực phẩm có nguy cơ gây chảy máu như aspirin, gừng, tỏi liều cao...

Hạn chế vận động mạnh hoặc các hoạt động dễ gây chấn thương; giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc, uống đủ nước và tránh căng thẳng kéo dài, đây là yếu tố giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn.

Xuất huyết giảm tiểu cầu có chữa khỏi không và cần làm xét nghiệm gì?Xuất huyết giảm tiểu cầu có chữa khỏi không và cần làm xét nghiệm gì?

SKĐS - Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là một loại bệnh lý miễn dịch. Bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Khi số lượng tiểu cầu quá thấp, cơ thể người bệnh sẽ có thể bị xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết khi va chạm rất nhẹ. Xuất huyết giảm tiểu cầu có chữa khỏi không?

Mời xem thêm video được quan tâm:

Thiếu máu não có nguy hiểm không, điều trị thế nào? | SKĐS


ThS.DS. Trần Phương Duy
Ý kiến của bạn