Hà Nội

Thuốc điều trị viêm VA - Cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ

14-01-2019 09:30 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thời tiết thay đổi thất thường khiến trẻ nhỏ, nhất là những trẻ có cơ địa dị ứng, VA quá phát, suy dinh dưỡng... dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, trong đó có viêm VA.

Khi trẻ bị viêm VA cần được chẩn đoán và tìm nguyên nhân gây bệnh, từ đó việc dùng thuốc mới đạt hiệu quả.

Viêm VA - thực chất là viêm mũi họng tuy nhiên triệu chứng viêm khu trú chủ yếu tại tổ chức gọi là VA (tổ chức amiđan vòm mũi họng). Viêm VA thường xảy ra ở trẻ dưới 6 tuổi.

Viêm VA có hai trạng thái là viêm VA cấp và viêm VA mạn. Nguyên nhân gây viêm VA có thể là do virut, chiếm 80% các trường hợp; do vi khuẩn có trong 20% nguyên nhân còn lại, trong đó đặc biệt lưu ý viêm VA do liên cầu beta tan huyết nhóm A, vì có thể gây biến chứng toàn thân như viêm cầu thận cấp, thấp tim, thấp khớp cấp.

Nguyên tắc điều trị viêm VA là theo nguyên nhân gây bệnh và điều trị triệu chứng.

Vị trí của tổ chức VA.

Vị trí của tổ chức VA.

Các thuốc trị triệu chứng

Hạ sốt, giảm đau: Thường sử dụng nhóm thuốc hạ sốt giảm đau thông thường như paracetamol. Đây là thuốc ít có tác dụng phụ nên thường được sử dụng mà không cần kê đơn ở các nước trên thế giới trong đó có nước ta. Thuốc có thể sử dụng đường miệng, đường hậu môn hoặc đường truyền tĩnh mạch. Liều thường được sử dụng trung bình của  paracetamol từ 10-15mg/kg cân nặng mỗi khi sốt trên 38,5 độ C. Ở liều thông thường, paracetamol không gây kích ứng niêm mạc dạ dày, không ảnh hưởng tới đông máu như các thuốc chống viêm không steroid (NSAID), không ảnh hưởng chức năng thận. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho biết dùng paracetamol liều cao (trên 2.000 mg/ngày) có thể làm tăng nguy cơ biến chứng dạ dày. Ngoài ra, paracetamol còn có thể gây một số tác dụng phụ như: Ban ngoài da và những phản ứng dị ứng khác. Thường là ban đỏ hoặc ban mày đay, nặng hơn có thể kèm theo sốt do thuốc và thương tổn niêm mạc. Vì vậy, mặc dù thuốc dùng tương đối an toàn, nhưng nếu thấy xuất hiện các triệu chứng trên cần ngừng thuốc và đi khám kịp thời. Những người có vấn đề ở gan không nên tự ý dùng thuốc này, vì thuốc có thể gây hại gan, làm nặng thêm bệnh sẵn có.

Ngoài paracetamol thì ibuprofen cũng là một trong những thuốc thường dùng để hạ sốt. Tuy nhiên người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để dùng đúng liều lượng, dùng đúng đối tượng…

Thuốc giảm ho: Một số thuốc giảm ho ngoại biên có thể được sử dụng để làm giảm triệu chứng ho ở trẻ. Các thuốc này có tác dụng làm giảm nhạy cảm của các receptor (thụ cảm thể) gây phản xạ ho ở đường hô hấp nên làm dịu ho như: Glycerol, mật ong, các siro đường mía... Một số thuốc có tác dụng gây tê các ngọn dây thần kinh gây phản xạ ho như benzonatat, bạc hà (menthol), lidocain, bupivacain, ambroxol... cũng có thể được sử dụng để giảm ho.

Thuốc nhỏ mũi: Ngạt, tắc mũi là một triệu chứng thường gặp của viêm VA. Khi bị triệu chứng này có thể dùng một số thuốc co mạch như naphazolin, xylometazoline... Tuy nhiên, cần chú ý chọn nồng độ thích hợp dùng cho trẻ em. Không dùng thuốc quá 5 ngày, trừ khi có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại có tác dụng sát khuẩn (muối bạc...).

Thuốc tăng cường miễn dịch: Có thể tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng các loại vitamin A, C, vitamin nhóm B...

Thuốc trị nguyên nhân

Thường sử dụng kháng sinh nhóm betalactam như penicillin, cephalosporin... trong 5-7 ngày. Trường hợp nghi ngờ nhiễm liên cầu, sử dụng penicillin G trong 14 ngày. Người bệnh không được tự ý dùng kháng sinh, mà cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Kháng sinh có thể dùng theo đường uống (bác sĩ kê đơn ngoại trú) hoặc đường tiêm (khi bệnh nặng, điều trị tại cơ sở y tế). Tuy nhiên khi dùng người bệnh cần lưu ý: Uống thuốc đúng liều chỉ định, đủ số lần dùng trong ngày và đủ liệu trình điều trị và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ (nếu có). Một vài tác dụng phụ khi dùng kháng sinh có thể xảy ra như dị ứng ban da, nổi mẩn, tiêu chảy... cần thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý thích hợp.

Lưu ý: Đối với viêm VA có nguyên nhân do virut chỉ cần dùng các thuốc điều trị triệu chứng. Chỉ dùng kháng sinh khi viêm VA do vi khuẩn. Để dùng thuốc đúng và an toàn, khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ bị viêm VA, cha mẹ cần đưa trẻ tới bác sĩ tai mũi họng để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp.


PGS. TS. Phạm Thị Bích Đào
Ý kiến của bạn