Có nhiều yếu tố nguyên nhân trong bệnh sinh viêm tụy cấp, nhưng cơ chế chủ yếu của viêm tụy cấp đến nay vẫn chưa được hoàn toàn biết rõ. Ở Việt Nam thường do sỏi hoặc do giun đũa chui vào ống tụy, tuy nhiên trong những năm gần đây tỷ lệ viêm tụy cấp do rượu đang tăng lên một cách rõ rệt.
Nguyên nhân
- Nguyên nhân đầu tiên là bệnh lý của đường mật, đáng chú ý nhất là do sỏi và do giun.
- Nguyên nhân thứ hai là do rượu, rượu có thể gây viêm tụy cấp nhưng cũng có thể gây viêm tụy mạn.
- Sau phẫu thuật, nhất là sau phẫu thuật bụng.
- Sau chấn thương vùng bụng.
- Sau nội soi mật tụy ngược dòng.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như nhiễm trùng (sau quai bị, viêm gan virut), do dùng thuốc (thuốc lợi tiểu thiazid, furosemid, thuốc ngừa thai)...
Tụy và vị trí tụy trong cơ thể người. |
Biểu hiện
Khởi phát cấp tính, đột ngột với cơn đau bụng cấp - triệu chứng chính thường gặp. Đau có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng mà bệnh nhân không chịu nổi, đau thường xuyên và có cơn trội hẳn lên. Đau ở vùng thượng vị và ở vùng quanh rốn hoặc hạ sườn trái, tương ứng vùng tụy, đau lan lên ngực trái hoặc ra sau lưng, đau tăng khi nằm ngửa, giảm khi cúi gập mình ra phía trước. 70 - 80% các trường hợp có nôn. Toàn thân có hội chứng nhiễm trùng với các biểu hiện như sốt, đau đầu, môi khô, lưỡi bẩn; nhất là trong trường hợp do giun và sỏi có thể xảy ra ngày đầu hoặc ngày thứ hai, còn trong viêm tụy cấp do rượu, nhiễm trùng thường đến muộn sau 5 - 7 ngày do bội nhiễm.
Ngoài ra, nếu trong trường hợp có viêm tụy cấp hoại tử thì có thêm các biểu hiện khác như mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, đầu chi lạnh, tím tái...
Biến chứng
Thể viêm tụy cấp phù nề: điều trị tốt, kịp thời thì bệnh sẽ khỏi sau 5 - 7 ngày, không để lại di chứng.
Thể hoại tử từng phần: đáp ứng điều trị chậm chạp hơn, nếu không kịp thời có thể tử vong, diễn tiến có thể dẫn đến áp-xe tụy hoặc nang giả tụy.
Thể xuất huyết: tiên lượng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao.
Ngoài ra có thể gây các biến chứng nặng nề trên các cơ quan như gan, thận, tim mạch... Tuy nhiên các biến chứng này chủ yếu gặp ở các thể hoại tử, xuất huyết.
Điều trị và dự phòng
Nguyên tắc chung:
Phần lớn viêm tụy cấp là thể phù (85-90%), điều trị chủ yếu bằng phương pháp nội khoa và bệnh sẽ thoái triển sau 5-7 ngày. Các biện pháp thông thường là: hút dịch vị, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch khi các triệu chứng đau giảm nhiều mới bắt đầu cho ăn dần, bắt đầu là nước đường, rồi hồ đường rồi cháo để giảm sự tiết dịch tụy; bù nước và điện giải để bảo đảm thăng bằng kiềm toan, tùy theo điều kiện và nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định cho dùng các loại thuốc giảm tiết, kháng sinh cho phù hợp.
Các thuốc ức chế choán ít hiệu quả trong việc ức chế tiết dịch tụy mà còn gây trướng bụng và che lấp đau bụng ngoại khoa.
Các thuốc giảm đau thật sự chỉ dùng khi biện pháp nhịn ăn và hút dịch không làm giảm đau, nhưng không dùng morphin vì có nguy cơ làm co thắt cơ Oddi, có thể dùng dolargan hoặc visceralgin.
Kháng sinh: trong viêm tụy cấp do rượu chỉ được dùng để chống bội nhiễm nên thường được dùng chậm. Trái lại, trong viêm tụy cấp do giun, nhiễm trùng rất sớm. Trong viêm tụy cấp do giun đũa chui vào đường mật tụy nhất là giai đoạn sớm khi giun còn sống và mới chui một phần vào đường mật tụy thì việc sử dụng thuốc liệt giun có tác dụng nhanh tỏ ra rất có hiệu quả; đây được xem là điều trị nguyên nhân giúp làm giảm đau và làm lui bệnh rất nhanh.
Trong viêm tụy cấp do sỏi: hiện nay có thể sử dụng phương pháp nội soi và chụp đường mật ngược dòng giúp chẩn đoán, đồng thời xẻ cơ vòng Oddi và keo hoặc tán sỏi.
Trong viêm tụy cấp xuất huyết hoại tử: thường kèm choáng, do đó cần điều trị tích cực bằng bù dịch và điện giải.
Điều trị cụ thể:
Viêm tụy cấp thể phù:
Nhịn đói: thường là 2-3 ngày cho đến khi giảm đau nhiều thì bắt đầu cho ăn dần từng ít một bằng nước đường nhưng cần theo dõi dấu hiệu đau bụng.
Truyền dịch: thông thường 2-3 lít/ngày bằng ringer lactat hoặc bằng NaCl và glucose đẳng trương.
Trong trường hợp viêm tụy cấp do giun thì cần cho thuốc liệt giun sớm bằng pyrantel palmoat hoặc albendazol, đồng thời sử dụng kháng sinh.
Viêm tụy cấp thể xuất tiết:
Cần tích cực hút dạ dày, bù nước và điện giải đầy đủ, dùng kháng sinh sớm và phối hợp kháng sinh.
Viêm tụy cấp thể xuất huyết hoại tử:
Tích cực sử dụng các biện pháp kể trên, đồng thời tích cực chống choáng và bù lượng máu mất. Nếu không đáp ứng cần hút rửa phúc mạc để loại bỏ mô hoại tử. Vấn đề phẫu thuật chỉ hạn chế khi các biện pháp trên không hiệu quả.
Tóm lại, ở bệnh nhân có tiền sử sỏi hoặc giun chui đường mật, hoặc sau bữa ăn thịnh soạn có sử dụng nhiều rượu mà xuất hiện đau bụng cấp, cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để khám và điều trị hợp lý, kịp thời tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Cách tốt nhất với mỗi chúng ta cần giữ gìn vệ sinh an toàn trong ăn uống, định kỳ 6 tháng đến một năm tẩy giun một lần để tránh mắc ký sinh trùng đường ruột; ăn uống hợp lý, tránh việc sử dụng bia rượu quá nhiều để bảo đảm cho cơ thể luôn luôn được khỏe mạnh.
ThS. Nguyễn Bạch Đằng