Viêm phế quản là tình trạng viêm diễn ra tại lớp niêm mạc ống phế quản làm xuất hiện các triệu chứng như ho, khạc đờm...
Có hai loại viêm phế quản:
- Viêm phế quản cấp tính: Xảy ra khi các ống phế quản trong phổi bị viêm trong thời gian ngắn, thường là từ 1 đến 3 tuần. Các triệu chứng bao gồm ho, khó thở, thở khò khè và sốt.
Nguyên nhân có thể do:
- Nhiễm virus: Virus cảm lạnh, RSV và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên khác có thể gây viêm phế quản. Nếu bệnh có bản chất là virus thì không thể điều trị bằng kháng sinh.
- Nhiễm vi khuẩn: Nếu nguyên nhân gây viêm là nhiễm trùng do vi khuẩn thì đờm sẽ có màu vàng đậm hoặc xanh, bệnh có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh.
- Ô nhiễm: Bụi, khói và các hạt khác có thể gây kích ứng các ống phế quản.
- Viêm phế quản mãn tính: Xảy ra khi tình trạng viêm kéo dài từ 3 tháng trở lên... có thể dẫn đến những cơn ho và khó thở, có thể đi kèm với chứng mất ngủ và mệt mỏi.
Nguyên nhân chủ yếu của viêm phế quản mãn tính là do:
- Hút thuốc: Hút thuốc là nguyên nhân chính vì khói thuốc làm hỏng và kích thích các ống phế quản.
- Tiếp xúc với khói, bụi hoặc các chất kích thích khác: Những người làm việc trong mỏ than, nhà máy ngũ cốc và nhà máy đúc kim loại tiếp xúc với các chất kích thích có thể gây ra rối loạn hô hấp mãn tính.
- Các đợt viêm phế quản cấp tính thường xuyên: Nếu phế quản bị viêm nhiều lần, mô phổi có thể bị tổn thương, tiến triển thành bệnh mãn tính.
1. Thuốc điều trị viêm phế quản cấp tính
Viêm phế quản cấp tính thường tự khỏi. Nghỉ ngơi đầy đủ và uống nhiều nước thường là biện pháp cần thiết để giúp bệnh nhân nhanh hồi phục. Trong các trường hợp cần dùng thuốc để kiểm soát hiệu quả các triệu chứng, bác sĩ có thể kê đơn các thuốc bao gồm:
- Thuốc giảm ho: Nếu ho kéo dài, thuốc giảm ho có thể được sử dụng trong tối đa 2 tuần để điều trị các triệu chứng. Thuốc giảm ho phổ biến bao gồm dextromethorphan và codeine.
- Thuốc long đờm: Thuốc giúp thở dễ dàng hơn bằng cách làm loãng chất nhầy từ đường hô hấp để dễ ho và đường thở thông thoáng hơn. Một trong những thuốc long đờm phổ biến nhất là guaifenesin.
- Thuốc giảm đau: Bên cạnh ho dai dẳng, các triệu chứng khác của viêm phế quản cấp tính có thể bao gồm sốt nhẹ, nhức đầu và đau nhức cơ thể. Có thể dùng các thuốc giảm đau, ha sốt như paracetamol, ibuprofen hoặc aspirin (không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi) để giảm các triệu chứng này.
- Thuốc kháng sinh: Viêm phế quản chủ yếu là do virus và do đó, thuốc kháng sinh là một lựa chọn điều trị không hiệu quả. Trong một số trường hợp, viêm phế quản có thể do nhiễm vi khuẩn, lúc này bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng kháng sinh. Các loại kháng sinh phổ biến được sử dụng để điều trị viêm phế quản bao gồm amoxicillin, azithromycin, doxycycline và erythromycin.
Việc sử dụng kháng sinh nên được thực hiện dưới sự giám sát của chuyên gia y tế vì một số loại kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
2. Thuốc điều trị viêm phế quản mãn tính
Làm giảm các triệu chứng, chậm sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng là mục tiêu điều trị chính của viêm phế quản cấp tính.
Các loại thuốc thông thường dùng để điều trị viêm phế quản mãn tính bao gồm:
- Thuốc giãn phế quản: Giúp bệnh nhân thở dễ dàng hơn bằng cách làm giãn (mở) đường thở. Ngoài việc mở đường thở, thuốc giãn phế quản làm giảm co thắt phế quản, dễ thở và giảm tức ngực.
- Thuốc corticoid: Có thể sử dụng corticoid dạng hít để giảm thiểu tình trạng viêm ống phế quản. Nếu các triệu chứng viêm phế quản mãn tính tiến triển xấu đi, thuốc corticoid đường uống như prednisone có thể mang lại hiệu quả. Tuy nhiên cần lưu ý, thuốc corticoid có thể có tác dụng phụ nguy hiểm tiềm ẩn và do đó, chỉ nên sử dụng dưới sự giám sát và khuyến nghị của bác sĩ.
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng bùng phát nếu nghi ngờ nhiễm vi khuẩn.
3. Cách ngăn ngừa viêm phế quản
- Không hút thuốc vì làm tăng nguy cơ viêm phế quản mãn tính.
- Tránh tiếp xúc gần với người người bị viêm phế quản, cảm lạnh, COVID-19 hoặc cúm.
- Tiêm phòng cúm hàng năm và tiêm vaccine COVID-19 cũng như các mũi tiêm nhắc lại hiện hành.
- Rửa tay thường xuyên với nước ấm, xà phòng.
- Tránh chạm tay bẩn vào mắt, mũi, miệng.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
6 biện pháp tại nhà khắc phục chứng trào ngược axit dạ dày vào buổi sáng