Thuốc điều trị viêm nang lông

16-05-2016 07:59 | Thông tin dược học

SKĐS - Viêm nang lông là một nhiễm khuẩn của các nang lông do vi khuẩn, virut hoặc nấm, có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. Thời tiết nóng ẩm khiến bệnh viêm nang lông phát triển nhanh. Bệnh có thể điều trị khỏi nếu được dùng thuốc phù hợp.

Nguyên nhân gây bệnh

Các tác nhân gây viêm nang lông có nhiều loại. Đa số trường hợp viêm nang lông là do tụ cầu trùng. Ngoài ra có thể do vi khuẩn gram âm, Pseudomonas, nấm men, nấm sợi, nhiễm virut Herpes, u mềm lây và ký sinh trùng demodex.

Biểu hiện của viêm nang lông là các sẩn, mụn mủ, các vết chợt và vẩy tiết ở cổ nang lông. Các triệu chứng thường gặp của viêm nang lông thường là: ngứa tại vùng da bị viêm; sau đó vùng da viêm sần sùi nổi nốt đỏ, lông không mọc ra ngoài được mà xoắn lại bên trong gây ngứa ở vùng nang lông. Những nốt đỏ mọc dày đặc quanh vùng bị viêm và gây ngứa. Nhiễm khuẩn có thể lan sâu hơn toàn bộ nang lông, thường gặp do viêm chân tóc. Diễn biến tiếp theo của viêm nang lông nếu không được điều trị là sẽ chuyển qua mụn nước có mủ trắng ở đầu, khi sờ vào thì thấy đau và nhức, sau đó các mụn nước vỡ ra sẽ đóng vẩy làm khô da. Khi nang lông bị áp-xe thì đã là biến chứng thành nhọt, nặng hơn là nhọt cụm, ổ gà hoặc viêm mô dưới da.

Viêm nang lông là nhiễm khuẩn của các nang lông do vi khuẩn, virut hoặc nấm.

Trị bằng thuốc gì?

Viêm nang lông không khó điều trị, quan trọng là người bệnh phải đi khám và làm các xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh và dùng thuốc điều trị phù hợp, phòng ngừa bệnh tái lại sau khi đã chữa khỏi. Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh mà sử dụng các loại thuốc phù hợp vừa mang lại hiệu quả cao, bệnh không tiến triển nặng hơn và không để lại sẹo. Dù là do nguyên nhân nào gây bệnh thì các biện pháp dùng thuốc bao gồm thuốc bôi tại chỗ và sử dụng thuốc toàn thân.

Điều trị tại chỗ: có thể dùng các thuốc bôi chống nhiễm khuẩn để điều trị viêm nang lông khá tốt như betadin, cồn iode, các loại kem hoặc mỡ kháng sinh như bactroban, fucidin...

Điều trị toàn thân: trường hợp viêm nặng lan ra toàn thân và tái phát, người bệnh cần phải dùng thuốc đường toàn thân. Thuốc uống chủ yếu là kháng sinh, thuốc kháng nấm, thuốc kháng virut tùy theo tình trạng bệnh viêm nang lông như:

Viêm nang lông do tụ cầu: cần sử dụng kháng sinh đường uống khi cần thiết. Các kháng sinh phù hợp cho viêm nang lông do tụ cầu là các thuốc thuộc nhóm β-lactam, amoxillin, nhóm cephalosporin, cyclin, co-trimoxazol, ciprofloxacin và metronidazol. Dùng theo chỉ định của thầy thuốc.

Viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm: loại thuốc uống cần thiết cho bệnh nhân là kháng sinh ampicillin hoặc co-trimoxazol, kết hợp bôi rửa bằng benzoyl peroxide, một số trường hợp phải dùng kết hợp isotretinoin.

Viêm nang lông do nấm: sử dụng các thuốc đường uống phối hợp với thuốc bôi tại chỗ. Thuốc bôi như nizoral, canesten, mycoster... Có nhiều loại thuốc chống nấm đường uống như: itraconazole, terbinafine, clotrimazole, fluconazol. Thuốc bôi như: ketoconazole, itraconazole, clotrimazole... Lưu ý, thuốc chống nấm dễ gây hại gan vì vậy cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của thầy thuốc, không lạm dụng thuốc uống chống nấm. Cần kết hợp với dùng thuốc bôi đều đặn để bệnh nhanh khỏi.

Viêm nang lông do virut Herpes: có thể kết hợp cả uống thuốc valacyclovir, acyclovir và bôi kem acyclovir.

Viêm nang lông do demodex: sử dụng kem permethrin bôi hoặc kem metronidazol phối hợp với uống metronidazol.

Những điều cần lưu ý trong điều trị và biện pháp ngừa tái phát

Bệnh viêm nang lông diễn tiến thường dai dẳng, hay tái phát do những yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, khí hậu nóng và ẩm hoặc do những thói quen không tốt trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày gây ra. Nhiều bệnh nhân bị tái phát sau điều trị hoặc bỏ thuốc giữa chừng, dùng không hết một liệu trình khiến bệnh trở nên dai dẳng, khó chữa trị dứt điểm. Biến chứng có thể xảy ra nặng hơn là gây nhọt, nhọt cụm và viêm mô dưới da. Khi đó việc điều trị bệnh còn khó khăn hơn.

Để phòng ngừa bệnh viêm nang lông tái phát cần bảo vệ và chăm sóc da đúng cách. Đặc biệt, với người làm việc trong môi trường độc hại, ô nhiễm cần hết sức lưu ý, phải sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động để bảo vệ da, tránh bệnh viêm nang lông. Tránh cạo nhổ lông chân, tay. Nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày bằng các loại xà bông, dầu gội phù hợp. Không nên thay đổi dầu gội, nếu da nhờn nhiều thì có thể dùng các loại xà bông giảm nhờn như xà bông chứa hắc ín (Polytar) hoặc lưu huỳnh (SAStid)... Bỏ các thói quen xấu như ngoáy mũi, tai mà không rửa tay ngay bằng xà phòng.

Việc sử dụng quần áo bằng sợi tổng hợp, cứng... cũng gây ra bệnh viêm nang lông. Vì thế cần lựa chọn trang phục thoải mái, rộng rãi bằng chất vải mềm, hút ẩm và thoáng khí sẽ giúp phòng tránh bệnh viêm nang lông. Trong mùa hè, nên tránh mặc quần bó sát người, không đội mũ chặt. Độ ẩm và nóng cùng với quần áo chật sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

Khi nghi ngờ mắc bệnh viêm nang lông, cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm. Tuân thủ theo đúng đơn thuốc, liều lượng và thời gian điều trị của bác sĩ sẽ giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng bệnh. Người bệnh tuyệt đối không dùng thuốc không rõ nguồn gốc theo lời mách bảo hoặc đắp các loại thuốc lá lên tổn thương khiến tổn thương lan rộng và bệnh càng nặng hơn.


DS. Nguyễn Thanh Trà
Ý kiến của bạn