Những điểm cần điều trị
Mùa xuân tuy khí hậu có ấm áp hơn mùa đông nhưng vẫn còn những đợt không khí lạnh xen kẽ độ ẩm không khí cao. Trong tiết trời lúc ấm, lúc lạnh rất dễ bị viêm mũi dị ứng. Chỉ cần tối hôm trước ấm nhưng sáng hôm sau lạnh là bạn có thể bị viêm mũi dị ứng ngay do hơi lạnh kích thích. Mùa xuân cũng là mùa của hoa nở và ong bướm tìm nhụy, chúng ta có thể không nhìn thấy nhưng trong không khí rất nhiều phấn hoa và bụi mạt côn trùng. Những tác nhân này là yếu tố gây dị ứng.
Tuy không nguy hại tới tính mạng nhưng viêm mũi dị ứng khiến người bệnh rất khó chịu, gây trở ngại trong sinh hoạt. Đó là các triệu chứng chảy mũi và ngạt mũi: nước mũi loãng và trong cứ chảy ròng ròng khiến người bệnh liên tục phải dùng khăn để lau. Khi bị viêm mũi dị ứng, người bệnh có thể hắt hơi. Nếu hắt hơi nhiều cũng khiến người bệnh mệt mỏi. Khi ở công sở hoặc nơi đông người thì hắt hơi thực sự là một điều bất tiện. Hiệu quả điều trị của viêm mũi dị ứng phải được định giá bằng nhiều chỉ tiêu, trong đó có việc cắt cơn chảy dịch mũi và những tràng hắt hơi này.
Cuối cùng, mục tiêu quan trọng nhất trong điều trị viêm mũi dị ứng là cắt cơn tái phát. Điều này được thực hiện bằng việc dùng các thuốc khống chế làm sao cho việc tái phát giảm xuống mức thấp nhất trong ngày.
Các thuốc thường dùng
Có rất nhiều loại thuốc khác nhau với nhiều dạng bào chế khác nhau được sử dụng điều trị bệnh viêm mũi dị ứng, nhưng có thể phân ra ba nhóm thuốc sau:
Phấn hoa tác nhân gây dị ứng
Thuốc chống chảy mũi: Trong viêm mũi dị ứng, dịch mũi được tạo ra do mạch máu giãn nhiều, nước trong mạch máu thấm qua thành mạch tạo ra từng dòng dịch mũi. Thuốc chống chảy mũi có tác dụng làm co mạch máu mũi do tác động vào thụ cảm thể alpha của adrenalin trên thành mạch. Sau khi gắn vào các thụ cảm thể đặc hiệu, chúng sẽ gây co mạch ngay tức thì và nhanh chóng khống chế được tình trạng chảy dịch mũi. Đại diện điển hình của nhóm thuốc này như ephedrin, xylometozalin, naphazolin...
Khi dùng thuốc chống chảy mũi, người bệnh không nên ngoáy mũi liên tục vì sẽ làm mạch máu bị kích thích và lại giãn ra, thuốc sẽ mất tác dụng. Cũng không nên dùng các gia vị như ớt, tiêu, mù tạt, tỏi sống (vì sẽ kích thích chảy nước mũi). Không dùng chung các thuốc chống chảy mũi đồng thời với dầu gió vì các thuốc này và dầu gió có tác dụng trái ngược nhau sẽ làm triệt tiêu lẫn nhau.
Thuốc chống viêm: Các thuốc chống viêm tỏ ra khá công hiệu trong bệnh viêm mũi dị ứng. Mặc dù thuốc không ảnh hưởng tới chất trung gian hóa học histamin, vốn được coi là một chất tâm điểm của phản ứng dị ứng, nhưng nó lại tác động vào các trung gian hóa học khác như prostaglandin, leukotrien. Thuốc làm giảm tổng hợp, giảm giải phóng và giảm sự hoạt hóa các chất này. Biểu hiện bên ngoài là người bệnh cảm thấy nhẹ nhàng hơn, bớt choáng váng hơn, dễ chịu hơn. Đại diện cho nhóm này là các thuốc như acid salicylic, prenisolon, medrol…
Tuy nhiên, khi dùng thuốc này cần lưu ý, không nên uống thuốc vào thời điểm đói hay trước bữa ăn (vì sẽ gây kích thích đường tiêu hóa, viêm loét dạ dày, đặc biệt đối với những trường hợp mẫn cảm). Nên uống thuốc sau ăn hoặc ngay trong khi ăn. Trường hợp phải dùng thêm corticoid trong liệu trình điều trị, thì nên uống các thuốc corticoid sau 8 giờ sáng. Vì khi đó, corticoid nội sinh được tiết ra trong cơ thể, vừa làm tăng hiệu quả của thuốc lại vừa không gây ra suy tuyến thượng thận.
Thuốc kháng histamin ở thụ thể H1: Thuốc kháng histamin ở thụ thể H1 đóng vai trò là thuốc chủ đạo nhất trong điều trị bệnh viêm mũi dị ứng. Chúng thể hiện tác dụng thông qua vai trò gắn kết cạnh tranh với histamin tại thụ thể H1 làm các histamin không thể gắn được vào thụ thể này. Gần như tất cả các thụ thể H1 được gắn bởi thuốc, không có vai trò gây dị ứng, còn các histamin thì dư thừa trong máu và bị thoái biến dần.
Các thuốc này bao gồm: clopheniramin, promethazin, alimemazin, cetirizin, loratadin... Thuốc có tác dụng làm ngừng trệ bệnh viêm mũi dị ứng theo đúng nghĩa vì làm bất hoạt hoàn toàn các cơ chế của dị ứng. Tuy nhiên, nếu dùng trong viêm mũi dị ứng thì phải dùng ngay từ đầu, nếu dùng khi bệnh đã đạt đỉnh thì thuốc sẽ chậm phát huy tác dụng. Lý do không phải vì thuốc hiệu quả kém mà vì nồng độ histamin quá cao và thường lấn át thuốc.
Tuy nhiên, cần thận trọng với tác dụng phụ gây buồn ngủ hoặc ngủ gà của các thuốc này, nhất là đối với các thuốc kháng histamin thế hệ 1 như clopheniramin, promethazin...
BS. Huyền Trang