1. Tầm quan trọng của điều trị viêm màng não mủ
Viêm màng não mủ thường do các vi khuẩn như: Streptococcus pneumoniae, Neisseria meningitidis, Haemophilus influenzae type B, Listeria monocytogenes, và Escherichia coli gây nên. Bệnh thường lây qua các con đường chính là hô hấp, tiêu hóa…
Viêm màng não mủ là một bệnh cấp cứu, khi chẩn đoán xong cần được cần điều trị ngay bằng kháng sinh theo phác đồ, điều trị đúng thuốc. Bệnh này phát hiện, điều trị chậm sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người bệnh. Ngoài ra người bệnh cần được theo dõi sát để phát hiện và xử trí sớm các biến chứng có thể xảy ra.
2. Điều trị viêm màng não mủ bằng kháng sinh
Mỗi lứa tuổi bị viêm màng não mủ áp dụng kháng sinh khác nhau:
Trẻ từ 0 đến 4 tuổi, kháng sinh ưu tiên Cefotaxime + ampixilin, kháng sinh có thể thay thế Ampixilin + aminoglycoside.
Với người từ 4 đến 18 tuổi bị viêm màng não mủ dùng kháng sinh Ceftriaxone (hoặc cefotaxime), kháng sinh có thể thay thế Vancomycin + ceftriaxone (hoặc cefotaxime).
Người bị viêm màng não mủ từ 18 đến 50 tuổi, kháng sinh ưu tiên Ceftriaxone (hoặc cefotaxime), kháng sinh có thể thay thế Vancomycin + ceftriaxone (hoặc cefotaxime).
Người viêm màng não mủ trên 50 tuổi, kháng sinh ưu tiên Ceftriaxone (hoặc cefotaxime), kháng sinh có thể thay thế Ampicillin + ceftriaxone (hoặc cefotaxime).
Đối với người viêm màng não mủ có hệ thống miễn dịch bị suy giảm mạnh, kháng sinh ưu tiên Ampixilin + ceftazidime, kháng sinh có thể thay thế Vancomycin + ampixilin + ceftazidime.
Với người bị viêm màng não mủ do chấn thương, phẫu thuật, kháng sinh ưu tiên Ceftazidim + vancomycin, kháng sinh có thể thay thế Ceftazidim + vancomycin meropenem.
3. Điều trị hỗ trợ cho người viêm màng não mủ
Ngoài các loại kháng sinh chính nêu trên, người bị viêm màng não mủ còn được áp dụng điều trị hỗ trợ. Cụ thể:
Hạ nhiệt: Dùng thuốc paracetamon 15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày.
Kháng viêm: Dùng thuốc Dexamethason 0,4 mg/kg/ngày, tiêm vào tĩnh mạch, dùng 4 ngày (cùng hoặc trước kháng sinh 15 phút).
Chống phù não: Dùng thuốc Manitol 1g/kg/6giờ, kê gối cao khi nằm, đồng thời truyền thêm nước và điện giải.
Phòng co giật: Cho dùng thuốc barbituric 5- 20 mg/kg/ngày, bằng đường uống. Cắt cơn giật bằng seduxen 0,1 mg/kg (pha với 2 ml NaCl 0,9%) bằng cách tiêm vào tĩnh mạch đến khi ngừng co giật.
4. Lưu ý cần nhớ với người bị viêm màng não mủ
Người nhà hoặc bản thân người bị viêm màng não mủ cần nhớ, đây là bệnh do vi khuẩn gây nên, cần phải được điều trị kháng sinh càng sớm càng tốt vì khả năng diễn biến nặng của bệnh rất nhanh.
Người viêm màng não mủ hoàn toàn không nên điều trị theo bài thuốc dân gian hoặc lá cây vì điều này làm trì hoãn việc điều trị kháng sinh dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, nặng có thể tử vong.
Bệnh viêm màng não mủ có thể xảy ra một số biến chứng trong quá trình điều trị như tràn dịch dưới màng cứng, vách hóa dẫn đến tắc nghẽn lưu thông dịch não tủy, áp xe não. Khi được thông báo về các biến chứng này phải đề nghị cơ sở điều trị xử trí ngay, nếu không sẽ để lại di chứng về tinh thần như động kinh, trí nhớ suy giảm...
Trong và sau quá trình điều trị viêm màng não mủ, người nhà và bệnh nhân cần tuân thủ theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ, có bất cứ triệu chứng lạ nào phải thông báo ngay để bác sĩ kịp thời xử trí.