Hà Nội

Thuốc điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng

21-07-2021 16:08 | An toàn dùng thuốc

Mỗi mùa mưa đến, các loại côn trùng như kiến ba khoang, bướm... lại xuất hiện nhiều. Da người vô tình tiếp xúc với các côn trùng này sẽ bị tổn thương do độc chất gây bỏng da.

phân biệt bệnh zona và viêm da do tiếp xúc côn trùng

Viêm da do côn tiếp xúc côn trùng biểu hiện thế nào?

Viêm da tiếp xúc do côn trùng xảy ra ở những vị trí da tiếp xúc với các chất tiết của côn trùng đang sống hoặc đã chết. Tổn thương da có thể xuất hiện cùng lúc ở nhiều vị trí trên cơ thể và không có triệu chứng báo trước. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng có thể gây khó chịu, lo lắng và có thể có nhiều người cùng bị nếu sống trong cùng môi trường.

Thuốc điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng - Ảnh 1.

Viêm da do tiếp xúc với chất tiết của kiến ba khoang.

Côn trùng gây viêm da tiếp xúc trong mùa này là kiến ba khoang...

Những người làm vườn, làm ruộng, làm việc buổi tối dưới ánh đèn... dễ bị tiếp xúc với côn trùng; hoặc do côn trùng bám vào quần áo, khăn lau... rồi vô tình vướng vào vùng cổ, mặt hay thân mình...

Cũng có thể do phản xạ tự nhiên dùng tay quệt, đập... giết côn trùng, sẽ làm các độc chất gây bỏng da như pederin của kiến ba khoang tiết ra gây viêm da tại vị trí tiếp xúc.

Bệnh nhân lúc đầu có cảm giác ngứa rát, nổi hồng ban nơi vùng da tiếp xúc với côn trùng. Sau 6-12 giờ, da sẽ sưng phù và thường kéo thành vệt dài như vết cào gãi, trên có nhiều mụn nước kích thước 1-5mm không đều, biến thành mụn mủ 2-3 ngày sau.

Tổn thương da dễ lan rộng nếu bệnh nhân gãi làm phát tán dịch tiết ra vùng da xung quanh. Cảm giác ngứa, rát tăng dần, có thể kèm theo sốt nhẹ, nổi hạch vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với vị trí tổn thương.

Thuốc nào để điều trị viêm da tiếp xúc

Thông thường, các mụn mủ nơi da tiếp xúc với côn trùng tiến triển 5-7 ngày thì đóng vẩy tiết, khô dần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ở một số người, phản ứng dị ứng lại có thể kéo dài 1-3 tuần và dễ bị bội nhiễm vi khuẩn.

Thuốc điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng - Ảnh 2.

Phân biệt zona thần kinh (phải) và viêm da tiếp xúc côn trùng.

Ðể hạn chế tình trạng viêm dị ứng, nên rửa sạch vùng da tiếp xúc với côn trùng bằng nước sạch và xà phòng.

Sau đó có thể sử dụng các thuốc bôi sát khuẩn ngoài da như milian, eosine. Nếu ngứa nhiều có thể dùng thêm cezil, chlorpheniramine.

Sau khi lành, các tổn thương viêm da dị ứng do tiếp xúc với dịch tiết của côn trùng sẽ bong vảy và để lại vết sẹo thâm đen. Khoảng 1-2 tháng sau, các vết thâm này mới từ từ mờ dần rồi sẽ mất hẳn mà không cần dùng thuốc.

Tuy nhiên, cần bôi các thuốc nêu trên ngay từ đầu để tránh ngứa. Không gãi hoặc chà xát vùng da bị tổn thương, vì có thể gây bội nhiễm và để lại sẹo sâu, khó mờ sau này.

Người có các triệu chứng ngoài da giống như bị viêm da tiếp xúc do côn trùng, nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm sau 72 giờ bôi thuốc, nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu khám ngay để được chẩn đoán phân biệt với zona và các bệnh ngoài da khác.

Việc chỉ định điều trị sớm và phù hợp sẽ giúp hạn chế các biến chứng không mong muốn xảy ra. Không nên tự mua thuốc sử dụng vì nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị các loại bệnh này hoàn toàn khác nhau.

Phòng ngừa viêm da tiếp xúc do côn trùng thế nào?

Ðể phòng bệnh, cần mắc màn khi ngủ. Những người thường làm việc vào buổi tối dưới ánh đèn cần đóng cửa sổ hoặc lắp lưới ngăn côn trùng bay vào, nhất là vào mùa mưa bão. Đóng cửa trước khi bật đèn sáng để ngăn côn trùng bay vào.

Chú ý kiểm tra phát hiện côn trùng trong bồn tắm, bể chứa nước, khăn mặt, quần áo trước khi sử dụng.

Không phơi quần áo, khăn mặt bên ngoài vào buổi chiều tối. Nên dùng các loại thuốc bôi ngoài da để chống muỗi và các côn trùng khác.

Môi trường sống xung quanh phải thật sạch sẽ, thông thoáng. Cần dọn dẹp, phát quang kỹ những nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm; gom đốt xác cây mục, cỏ khô để xua đuổi côn trùng; phun thuốc diệt côn trùng những nơi um tùm, rậm rạp cạnh khu dân cư.

Có thể dùng đèn huỳnh quang để ngoài cửa, dẫn dụ côn trùng bay đến và tiêu diệt vì chúng thường có khuynh hướng tụ tập ở những nơi có ánh sáng này.

BS.Lê Đức Thọ
Ý kiến của bạn