Hà Nội

Thuốc điều trị viêm da mủ, sử dụng thế nào cho đúng?

21-09-2021 14:55 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Có rất nhiều tác nhân thường xuyên tiếp xúc hoặc ký sinh sẵn trên da như vi nấm, tụ cầu, liên cầu... và gây viêm da khi có điều kiện thuận lợi. Với viêm da mủ nhiễm khuẩn cần dùng thuốc đúng để bệnh không diễn biến nặng hơn.

Viêm da mủ do đâu?

Viêm da nhiễm khuẩn còn gọi là viêm da mủ. Tác nhân gây bệnh hay thường gặp nhất là liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A, nhưng đa số các trường hợp là có sự hỗn hợp của cả liên cầu và tụ cầu khuẩn.

Viêm da mủ thường gặp ở những người có tình trạng vệ sinh kém. Nếu không được điều trị và chăm sóc tốt có thể lan nhanh sang các vùng da lành khác và có thể gây chốc hóa, viêm nang lông, nhọt và chuyển thành viêm mô tế bào rất nguy hiểm.

Với người do cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn như đái tháo đường, nhiễm HIV/AIDS, các bệnh lý tự miễn, bệnh ác tính, người già, tình trạng suy dinh dưỡng, hoặc sử dụng lâu dài một số thuốc như hóa trị liệu ung thư, glucocorticoid, methotrexate và các thuốc ức chế miễn dịch khác... càng dễ bị viêm da nhiễm khuẩn từ các vết thương hơn.

Nếu tình trạng da ẩm ướt, có mắc nấm da hoặc mắc bệnh viêm tắc tĩnh mạch hay bạch huyết, loét da tì đè, béo phì… là yếu tố thuận lợi cho tình nhiễm khuẩn da bùng phát.

Đứng trước một bệnh lý nhiễm khuẩn da mủ, không được chủ quan mà cần có biện pháp xử trí phù hợp để ngăn không cho tình trạng nhiễm khuẩn lan rộng.

Nếu người mắc bệnh viêm da mủ được chẩn đoán, điều trị sớm và đúng cách thì chỉ sau khoảng 1 tuần, những tổn thương trên da sẽ nhanh chóng khô bề mặt, bong vẩy da và bệnh sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. Do đó, khi thấy có các biểu hiện của viêm da mủ, nên đến chuyên khoa da liễu sớm để được chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời và dứt điểm.

Dùng thuốc điều trị viêm da mủ thế nào?

Thông thường, điều trị viêm da mủ bao gồm điều trị chứng nhiễm khuẩn tại chỗ ngoài da bằng các loại các dung dịch sát khuẩn, thuốc kháng sinh, chống viêm, giữ gìn vệ sinh cơ thể… Đồng thời kết hợp với các biện pháp nâng cao sức đề kháng bằng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý, bổ sung các loại vitamin như A, B1, C…

Có nhiều loại thuốc bôi trị viêm da mủ, mỗi loại có công dụng khác nhau, phù hợp với từng giai đoạn bệnh. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ tổn thương bác sĩ chỉ định dùng các loại thuốc khác nhau. Do vậy, không nên tự ý dùng bừa bãi, tránh làm tổn hại đến làn da và gây nên những hệ quả không mong muốn. Chỉ khi sử dụng đúng loại thuốc, đúng cách mới giúp bệnh viêm da mủ nhanh lành hơn.

Các dung dịch sát khuẩn

- Dung dịch sát khuẩn povidon iod 10%, là thuốc điều trị viêm da mủ bôi ngoài da. Thuốc có tác dụng sát trùng vùng da bị viêm mủ, loại bỏ vi khuẩn, chống nhiễm trùng.

Nếu viêm da mủ diện tích hẹp, có thể thấm dung dịch vào bông y tế rồi bôi trực tiếp lên vùng da bị tổn thương. Trường hợp diện tích viêm da mủ lớn thì nên pha loãng với nước sạch theo tỉ lệ 1:5 để rửa.

Nên tránh tiếp xúc với nước ngay sau khi bôi thuốc.

Không muốn biến chứng do viêm da mủ, hãy dùng đúng thuốc - Ảnh 2.

Thoa một lớp thuốc mỏng sau khi vệ sinh sạch da.

- Hồ nước được sử dụng trong trường hợp bị viêm da mủ nhẹ, giúp làm giảm các triệu chứng như: Kích ứng da, giảm sưng, ngăn ngừa hình thành ổ mủ tại các vùng viêm nhiễm.

Trước khi thoa hồ nước, cần vệ sinh vùng da bị viêm nhiễm bằng nước muối sinh lý, dùng khăn sạch (hoặc bông) thấm khô rồi bôi hồ nước. Mỗi ngày nên bôi một lớp mỏng thuốc 2 - 3 lần vào buổi sáng và tối, sau khi bôi nên đợi hồ nước khô rồi mới làm việc khác.

- Dung dịch xanh methylen 1% giúp phá vỡ cấu trúc các phân tử vi khuẩn, ức chế hoạt động. Nhờ đó giúp sát khuẩn, giải độc vùng da viêm nhiễm, làm giảm các triệu chứng sưng, viêm do tình trạng viêm da mủ.

Cần làm sạch vùng da bị viêm nhiễm bằng nước muối sinh lý, lau khô sau đó dùng tăm bông chấm dung dịch xanh methylen 1% lên. Mỗi ngày chấm thuốc 2 - 3 lần, khi rửa lau nhẹ nhàng bằng khăn mềm ẩm, tránh chà xát mạnh khiến da bị tổn thương.

Không nên dùng thuốc quá 5 ngày liên tục. Một số người không được sử dụng thuốc: người bị suy thận, phụ nữ có thai…

- Dung dịch chlorhexidine, là hoạt chất sát trùng và khử khuẩn bề mặt thường được dùng cho nhiều bệnh lý da liễu. Với trường hợp bị viêm da mủ có thể dùng dung dịch rửa hoặc thuốc dạng bôi để sát trùng tổn thương ngoài da.

Nếu dạng kem, bôi một lớp mỏng thuốc trực tiếp lên vùng da bị viêm mủ 2 - 3 lần/ngày. Dạng dung dịch, pha với nước tỉ lệ 1:1 để rửa mỗi ngày 1 lần trước khi đi ngủ.

Thuốc không được sử dụng thuốc cho người có tiền sử dị ứng, phụ nữ có thai.

- Thuốc bôi benzoyl peroxide 5% là một loại thuốc bôi trị viêm da mủ mang lại hiệu quả nhanh chóng. Thuốc được kê đơn cho các trường hợp bị viêm nhiễm nhẹ, chưa bội nhiễm. Ngoài ra với một số trường hợp cơ địa yếu, da nhạy cảm có thể sử dụng benzoyl peroxide 2.5% để hạn chế kích ứng.

Vệ sinh vùng da bị viêm nhiễm, lau khô, bôi thuốc trực tiếp. Mỗi ngày chỉ dùng thuốc 1 - 2 lần, bôi một lớp mỏng.

Kháng sinh kê đơn điều trị viêm da mủ

- Clindamycin là một kháng sinh dạng thuốc bôi trị viêm da mủ, được kê đơn cho trường hợp bị viêm nhiễm nặng. Thuốc giúp tiêu diệt vi khuẩn tại chỗ, giảm nhanh các triệu chứng viêm da mủ, giảm viêm mủ, ngăn ngừa bội nhiễm. Thuốc được bôi dụng trực tiếp trên bề mặt vùng da tổn thương 2 lần/ngày. Ngoài ra còn dạng uống và tiêm. Thuốc cần dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Bactroban 2% thường có mặt trong đơn thuốc của bác sĩ cho những bệnh nhân bị viêm da mủ. Bactroban có chứa kháng sinh, giúp tiêu diệt vi khuẩn tại chỗ. Thuốc được dùng để điều trị viêm nang lông, viêm da mủ, đinh nhọt và một số bệnh da liễu khác. Người bệnh cần dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Neomycin có hiệu quả cao trong điều trị viêm da mủ do tụ cầu. Đây là một kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid, có tác dụng ngăn cản vi khuẩn tổng hợp protein, tiêu diệt vi khuẩn tại chỗ. Phải hết sức lưu ý sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, chỉ bôi thuốc ở vùng da bị viêm mủ, không bôi rộng ra vung khác, không nên băng bó kín sau khi bôi thuốc. Không được dùng thuốc khi đã bị vỡ mủ, bề mặt da có vết thương hở.

- Penicillin là kháng sinh được bác sĩ chỉ định cho các trường hợp viêm da mủ nặng. Bao gồm có penicillin G, penicillin V, penaten penicillin và penicillin benzathine.

Thuốc bôi trị viêm da mủ penicillin làm ức chế hoạt động của vi khuẩn, làm chúng suy yếu và tử vong tại chỗ. Hoạt tính của thuốc khá mạnh có thể gây ra một số tác dụng phụ, bệnh nhân cần lưu ý khi dùng thuốc.

Mỗi ngày bôi một lớp mỏng thuốc 1 - 2 lần lên vùng da bị viêm nhiễm. Trước khi dùng thuốc, cần vệ sinh sạch sẽ, tránh để bị bội nhiễm.

- Fucidin là thuốc có chứa corticoid được dùng cho các trường hợp da bị tổn thương, nhiễm trùng nặng.

Thuốc có tác dụng chống viêm nhiễm, ức chế miễn dịch, tiêu diệt vi khuẩn tại chỗ, từ đó làm giảm các triệu chứng viêm da mủ.

Thuốc cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi dùng, thoa một lớp thuốc mỏng lên vùng da bị viêm nhiễm, 1-2 lần/ngày. Không dùng thuốc quá 7 ngày. Trước khi bôi thuốc nên vệ sinh sạch bằng nước muối sinh lý, tránh để vùng da tổn thương bội nhiễm.

Những lưu ý đặc biệt khi bị viêm da mủ

Để tránh tổn thương nặng hơn và lan rộng, người bệnh không nên cào, gãi, chà xát, nặn, chích, cắt lễ hay dùng bất kỳ một biện pháp can thiệp cơ học nào vào sang thương khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Không muốn biến chứng do viêm da mủ, hãy dùng đúng thuốc - Ảnh 4.

Khi bị viêm da mủ, không cào, gãi, nặn mụn.

Không nên dùng thuốc theo truyền miệng của dân gian hay mách bảo.

Đối với các nhiễm khuẩn da dạng u nhọt, đôi khi phải dùng đến biện pháp tiểu phẫu cắt lọc hay dẫn lưu mủ.

Đối với các vết thương cấp tính đang rịn nước, chỉ nên dùng các dung dịch sát khuẩn, bôi trực tiếp hay có thể tẩm lên gạc để băng, tuyệt đối không được bôi các loại thuốc mỡ. Các thuốc bôi dạng kem hay thuốc mỡ chỉ có thể sử dụng khi tổn thương đã khô và đóng vảy.

Nhiễm khuẩn da không chỉ đơn thuần khu trú ngoài da mà còn có thể gây tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân đối với các trường hợp: Xử trí ban đầu không kịp thời hay không phù hợp; sức đề kháng cơ thể kém; tác nhân gây bệnh có độc tính cao; sang thương rộng lớn và dày đặc toàn thân; sang thương xuất hiện ở vùng da có nhiều mạch máu như mặt, mép, quanh miệng, cằm...

Vi khuẩn có thể xâm nhập toàn thân theo đường máu hoặc bạch huyết gây nhiễm trùng huyết, gây tổn thương cho các cơ quan có mô liên kết tương tự như màng khớp, màng tim, gan, thận, não... rất nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi.

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trưởng Sơn thăm, động viên và tặng quà các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, có người thân mất do COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.

BS.Đức Thọ
Ý kiến của bạn