Thuốc điều trị viêm da cơ địa hiệu quả

17-03-2024 19:20 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Viêm da cơ địa là bệnh da liễu rất phổ biến. Mặc dù không lây nhiễm nhưng phải sống chung với tình trạng da liên tục ngứa và bong tróc, làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của người bệnh.

Viêm da cơ địa là một bệnh da liễu mạn tính thường gặp. Các triệu chứng của bệnh bao gồm da đỏ, ngứa, viêm hoặc thậm chí là bong tróc da. Đối với nhiều người, bệnh có thể không gây ra vấn đề gì lớn, nhưng với một số bệnh nhân, đôi khi bệnh có thể trở nặng cần phải nhập viện nếu có biến chứng không được điều trị.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, các phương pháp điều trị bao gồm thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. Các triệu chứng của viêm da cơ địa có thể khác nhau ở mỗi người và không phải ai cũng phản ứng với cùng một kế hoạch điều trị theo cách giống nhau.

Khi quyết định sử dụng một loại thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa những lợi ích cũng như rủi ro của việc dùng thuốc. Vì vậy tốt nhất người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và có chế độ điều trị phù hợp.

Thuốc điều trị viêm da cơ địa hiệu quả- Ảnh 1.

Viêm da cơ địa gây ngứa và bong tróc làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của người bệnh.

1. Các thuốc điều trị viêm da cơ địa

Mặc dù không có cách chữa khỏi triệt để bệnh viêm da cơ địa, nhưng việc dùng thuốc điều trị giúp kiểm soát triệu chứng, làm dịu cơn ngứa và thúc đẩy quá trình lành da.

Các thuốc điều trị có thể bao gồm:

1.1 Thuốc bôi điều trị viêm da cơ địa

- Thuốc chứa steroid

+ Tác dụng: Một trong những loại thuốc được kê đơn phổ biến nhất là thuốc steroid, có thể làm giảm viêm và ngứa, ví dụ như hydrocortisone, desonide dùng theo dạng thuốc mỡ. Trong trường hợp nặng hơn bác sĩ sẽ chỉ định dùng loại thuốc chứa steroid hoạt tính mạnh hơn như triamcinolone, fluocinolone, betamethasone…

Thuốc được sử dụng cho bệnh viêm da cơ địa ở người lớn và cả trẻ em. Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ bôi thuốc lên vùng da bị viêm theo liều lượng do bác sĩ chỉ định. Một số vùng hoặc loại da nhất định như mặt, nếp gấp da, da mỏng và các vùng cọ xát với nhau hấp thụ nhiều thuốc hơn, nên phải cẩn thận khi sử dụng thuốc ở những vùng da này. Khi tình trạng viêm đã được kiểm soát, cần giảm hoặc ngừng sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

+ Tác dụng phụ: Giống như bất kỳ loại thuốc nào, việc sử dụng steroid tại chỗ có thể có tác dụng phụ. Nguy cơ tác dụng phụ liên quan vị trí và thời gian sử dụng. Nhiều tác dụng phụ tiềm ẩn sẽ hết sau khi ngừng sử dụng thuốc. Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc bao gồm: Làm mỏng da, teo da, rạn da, mụn trứng cá hoặc phát ban.

+ Chống chỉ định: Nên tránh dùng thuốc khi bị dị ứng với các thành phần của thuốc.

- Thuốc không chứa steroid

+ Tác dụng: Thuốc không chứa steroid là các thuốc ức chế calcineurin tại chỗ hoạt động bằng cách ngăn chặn một số tế bào của hệ thống miễn dịch phản ứng với tác nhân gây kích ứng, ngăn ngừa các triệu chứng bệnh như mẩn đỏ, ngứa và viêm.

Thuốc có thể được sử dụng cho tất cả các vùng da bị ảnh hưởng, bao gồm cả những vùng da mỏng như mặt hoặc nếp gấp da; có thể được sử dụng trong thời gian dài để kiểm soát các triệu chứng và giảm cơn bùng phát. Hai loại thuốc phổ biến là thuốc mỡ tacrolimus và kem pimecrolimus

+ Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm cảm giác nóng rát hoặc châm chích nhẹ khi thuốc lần đầu tiên được bôi lên da.

+ Chống chỉ định: Người bệnh zona, sưng hạch bạch huyết, tổn thương da tiền ác tính, ung thư da.

- Các thuốc bôi khác

+ Kẽm oxide: Đối với những bệnh nhân viêm da cơ địa ở mặt, chân và tay, bác sĩ thường chỉ định cho người bệnh sử dụng kẽm oxide 10%. Thuốc có tác dụng kháng khuẩn, làm dịu da, thích hợp dùng trong giai đoạn khởi phát do hoạt tính của thuốc không quá mạnh.

+ Kem dưỡng ẩm: Được khuyên dùng như một sản phẩm thiết yếu cho những người mắc bệnh viêm da cơ đại vì giúp làm dịu da và thúc đẩy khả năng giữ ẩm giúp giảm ngứa và bong tróc. Các thành phần phổ biến bao gồm salicilic và vaselin.

1.2 Thuốc uống điều trị viêm da cơ địa

-Thuốc ức chế miễn dịch toàn thân

+ Tác dụng: Thuốc ức chế miễn dịch toàn thân, như cyclosporine và methotrexate, được chỉ định khi bệnh lan rộng, khó chữa hoặc khi sử dụng thuốc bôi ngoài da không hiệu quả.

+ Tác dụng phụ: Việc sử dụng thuốc phải được cân nhắc đến nguy cơ tác dụng phụ, đặc biệt là khi sử dụng lâu dài. Nguy cơ bao gồm nhiễm trùng, biến cố tim mạch và huyết khối...

+ Chống chỉ định: Thuốc có chống chỉ định với những người có tiền sử dị ứng, quá mẫn với bất kỳ tá dược nào trong thuốc, phụ nữ mang thai và cho con bú, người có bệnh thận, huyết áp cao, ung thư.

- Thuốc steroid

+ Tác dụng: Trong trường hợp bệnh nặng, thuốc steroid đường uống như prednisone có thể được kê đơn để kiểm soát tình trạng viêm. Tuy nhiên, thuốc thường không được khuyến nghị do các triệu chứng của bệnh thường tái phát thường nặng hơn khi ngừng dùng thuốc.

+ Tác dụng phụ: Sử dụng lâu dài (hơn một tháng) steroid toàn thân có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm gia tăng nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm và virus, làm mỏng da, rạn da và nổi mụn, rụng tóc, tăng cân, tăng huyết áp, các vấn đề về đường tiêu hóa, loãng xương, chậm phát triển ở trẻ em, kinh nguyệt không đều…

+ Chống chỉ định: Người mắc bệnh nhiễm trùng nặng chưa được điều trị khống chế nhiễm trùng thì không nên uống vì thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.

- Thuốc kháng histamine

+ Tác dụng: Những loại thuốc này giúp giảm ngứa và cải thiện giấc ngủ. Một số ví dụ bao gồm: Loratadin, hydroxyzin, levocetirizin.

+ Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc kháng histamine bao gồm buồn nôn, bồn chồn hoặc ủ rũ (ở một số trẻ, khô miệng, buồn ngủ), chóng mặt, bí tiểu, mờ mắt…

+ Chống chỉ định: Phụ nữ mang thai và đang cho con bú nên tránh dùng thuốc kháng histamine. Bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan hoặc thận, huyết áp cao, bệnh tim mạch, bí tiểu, tăng nhãn áp là những đối tượng chống chỉ định với việc sử dụng thuốc.

Thuốc điều trị viêm da cơ địa hiệu quả- Ảnh 2.

Mặc dù không có cách chữa khỏi triệt để bệnh viêm da cơ địa, nhưng việc dùng thuốc điều trị giúp kiểm soát triệu chứng, làm dịu cơn ngứa và thúc đẩy quá trình lành da.

2. Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị viêm da cơ địa

Khi sử dụng thuốc, có một số lưu ý quan trọng mà người bệnh nên tuân thủ để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Dưới đây là một số điều cần lưu ý:

- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng: Trong mỗi hộp thuốc đều có tờ hướng dẫn giới thiệu cơ bản về tính chất của thuốc, chỉ định, tác dụng chính, tác dụng không mong muốn, độc tính, chống chỉ định, cách dùng, liều dùng, tương tác thuốc, hạn dùng và cách bảo quản của thuốc… Người bệnh cần đọc kỹ để biết chính xác, tránh mọi sai lầm đáng tiếc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, cần trao đổi ngay với bác sĩ hoặc nhà thuốc.

- Liều lượng: Uống và (hoặc) bôi thuốc theo liều lượng và đúng cách bá sĩ chỉ định. Không tự y tăng liều lượng hoặc thay đổi cách sử dụng thuốc.

- Thời gian sử dụng: Sử dụng thuốc theo đúng đợt và thời gian được ghi trong đơn thuốc. Không nên dừng thuốc đột ngột trừ khi có sự hướng dẫn của bác sĩ.

- Chế độ ăn uống: Một số loại thuốc có thể tương tác với thức ăn hoặc đòi hỏi phải dùng trước hoặc sau khi ăn. Đọc thông tin hướng dẫn để biết cách sử dụng đúng.

- Báo cáo về tác dụng phụ: Nếu phát hiện bất kỳ tác dụng phụ nào không mong muốn khi sử dụng thuốc, hãy thông báo ngay lập tức cho bác sĩ. Bác sĩ có thể yêu cầu điều chỉnh liều lượng hoặc thay đổi loại thuốc.

- Tương tác thuốc: Thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc, bao gồm cả thuốc không kê đơn, thảo dược và thực phẩm bổ sung đang sử dụng. Một số thuốc có thể tương tác bất lợi khi dùng chung với nhau.

- Bảo quản thuốc: Bảo quản thuốc ở nơi mát mẻ, khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp và nhiệt độ cao. Đảm bảo rằng thuốc được lưu trữ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Sử dụng thuốc trước hạn sử dụng để đảm bảo độ hiệu quả và an toàn.

- Chăm sóc da thích hợp: Sử dụng các loại xà phòng thích hợp, tránh các chất tẩy rửa kích thích da. Tránh mặc đồ vải nylon để đỡ gây kích ứng da, sử dụng các sản phẩm giữ ẩm cho da.

-Tuân thủ lịch hẹn tái khám: Điều trị bằng thuốc thường đòi hỏi sự theo dõi và đánh giá từ bác sĩ, người bệnh cần tuân thủ lịch tái khám đều đặn. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc lo ngại nào về việc sử dụng thuốc, liên hệ với bác sĩ để được giải đáp cụ thể.

Xem thêm:

Viêm da cơ địa: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừaViêm da cơ địa: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

SKĐS - Viêm da cơ địa trước đây gọi là chàm thể tạng, là một bệnh da rất hay gặp. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường liên quan đến yếu tố cơ địa, tiền sử bị các bệnh dị ứng như hen phế quản, mày đay, viêm da tiếp xúc…

Chế độ ăn cho người viêm da cơ địaChế độ ăn cho người viêm da cơ địa

SKĐS - Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đối với một số người, có những loại thực phẩm nhất định góp phần làm bùng phát bệnh viêm da cơ địa. Một số người có tình trạng không dung nạp hoặc dị ứng cụ thể với thực phẩm nào đó, khi ăn phải có thể bùng phát bệnh.



DS. Vũ Thuỳ Dương
Ý kiến của bạn