1. Điều trị viêm cơ
Viêm cơ là tình trạng viêm các mô cơ, có thể do nhiễm trùng, chấn thương, hoặc các bệnh tự miễn. Viêm cơ có thể ảnh hưởng đến một nhóm cơ cụ thể hoặc toàn bộ cơ thể, gây đau, yếu cơ và hạn chế khả năng vận động.

Viêm cơ có thể xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào của cơ thể. Ảnh minh hoạ.
Điều trị viêm cơ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
1.1. Thuốc điều trị viêm cơ
Kháng sinh hoặc thuốc chống vi khuẩn: Nếu viêm cơ là do nhiễm trùng vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Có thể giúp giảm đau và viêm cơ. Tuy nhiên, nhóm thuốc này chống chỉ định ở bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày – tá tràng, bệnh hen phế quản, rối loạn đông máu, phụ nữ mang thai (trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối), và phụ nữ đang cho con bú.
Thuốc giảm đau: Để kiểm soát cơn đau, bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau như paracetamol hoặc opioid nếu cần thiết. Paracetamol có tác dụng giảm đau, hạ sốt có hiệu quả đối với những cơn đau từ nhẹ đến vừa, vị trí đau lưng dưới hoặc đau căng cơ. Khi dùng thuốc cần chú ý về khoảng cách giữa các liều, mỗi liều nên cách ít nhất từ 4 - 6 tiếng.
Thuốc tự miễn: Nếu viêm cơ do bệnh tự miễn, các loại thuốc ức chế miễn dịch như corticosteroid hoặc thuốc DMARDs có thể được sử dụng để làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể.
1.2. Phương pháp điều trị khác
Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu giúp phục hồi sức mạnh và linh hoạt cho cơ bị viêm, đồng thời giảm thiểu đau đớn và cứng cơ.
Chế độ nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi đầy đủ giúp giảm bớt căng thẳng lên cơ bắp và hỗ trợ quá trình phục hồi.
2. Điều trị áp xe cơ
Áp xe cơ là một túi chứa mủ trong mô cơ do nhiễm trùng vi khuẩn. Áp xe có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là ở các cơ bắp lớn, chẳng hạn như ở chân, tay, hoặc cơ lưng.

Áp xe cơ là một túi chứa mủ trong mô cơ do nhiễm trùng vi khuẩn. Ảnh minh hoạ.
2.1. Điều trị áp xe cơ bằng thuốc
Kháng sinh: Điều trị chính là sử dụng kháng sinh để diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng. Thuốc sẽ được kê theo dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng.
2.2. Điều trị áp xe cơ bằng phương pháp khác
Phẫu thuật dẫn lưu mủ: Nếu áp xe lớn hoặc không thể điều trị bằng thuốc, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để dẫn lưu mủ ra khỏi cơ.
Trước khi phẫu thuật dẫn lưu áp xe, bệnh nhân cần thông báo đầy đủ về các loại thuốc đang sử dụng và thông tin về dị ứng, đặc biệt là với các loại thuốc gây tê tại chỗ, gây mê toàn thân, hoặc chất tương phản.
Điều trị hỗ trợ: Nghỉ ngơi và chăm sóc cơ thể trong suốt quá trình điều trị để hỗ trợ hồi phục.
3. Điều trị viêm cơ, áp xe cơ ở đâu?
Nếu xuất hiện dấu hiệu viêm cơ, áp xe cơ, người bệnh nên chủ động đến cơ sở y tế để điều trị hiệu quả, hạn chế nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Can thiệp điều trị kịp thời có thể giúp cải thiện triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Việc phát hiện và điều trị bệnh viêm cơ, áp xe cơ rất quan trọng, cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh nên lựa chọn thăm khám tại các bệnh viện có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm và hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại, để được chẩn đoán chính xác.