Hà Nội

Thuốc điều trị ung thư tinh hoàn

10-06-2024 07:44 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Ung thư tinh hoàn có khả năng chữa khỏi cao, tuy nhiên, vẫn có thể gây tử vong và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người bệnh. Vậy ung thư tinh hoàn điều trị như thế nào?

1. Ung thư tinh hoàn là gì?

Tinh hoàn là cơ quan sinh dục nam có hình bầu dục, là một phần của hệ thống sinh sản nam giới. Tinh hoàn có hai chức năng chính thứ nhất là không gian nơi tinh trùng được sản xuất và lưu trữ để sinh sản. Thứ hai là nơi sản sinh ra các hormone nam như testosterone

Đúng như tên gọi, ung thư tinh hoàn bắt đầu ở tinh hoàn và thường gặp ở nam giới trong độ tuổi từ 15 đến 40. Tuy nhiên, nhiều nam giới có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn bất kể tuổi tác.

Ung thư tinh hoàn xảy ra khi một khối u ác tính với các tế bào ung thư phát triển trong mô tinh hoàn.

Những tế bào này phát triển không kiểm soát và có thể lây lan khắp cơ thể qua máu hoặc hệ bạch huyết. 

Trong ung thư tinh hoàn, những tế bào này có thể lan đến phổi, xương và đôi khi là não.

Thuốc điều trị ung thư tinh hoàn- Ảnh 1.

Ung thư tinh hoàn xảy ra khi một khối u ác tính với các tế bào ung thư phát triển trong mô tinh hoàn.

2. Các biện pháp điều trị ung thư tinh hoàn

Sau khi được chẩn đoán, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị ung thư tinh hoàn phù hợp nhất cho bệnh nhân. Các phương pháp điều trị ung thư tinh hoàn phụ thuộc vào loại, mức độ lây lan… Các phương pháp điều trị chính như sau:

2.1 Phẫu thuật điều trị ung thư tinh hoàn

- Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn: Bác sĩ rạch một đường ngay phía trên vùng mu của bệnh nhân, sau đó, toàn bộ khối u sẽ được cắt bỏ, cùng với tinh hoàn và dây tinh trùng (chứa các phần của ống dẫn tinh), ngăn chặn các tế bào ung thư lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

- Phẫu thuật cắt bỏ hạch sau phúc mạc: Tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư của bệnh nhân, bác sĩ có thể loại bỏ các hạch bạch huyết xung quanh các mạch máu lớn ở phía sau bụng cùng lúc với phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn hoặc trong cuộc phẫu thuật thứ hai.

2.2. Xạ trị

Xạ trị, còn gọi là xạ trị chùm tia ngoài, là một hình thức xạ trị trong đó bức xạ được máy đưa đến các vùng cụ thể của cơ thể. Việc điều trị rất giống với chụp X-quang, nhưng liều lượng bức xạ cao hơn.

Xạ trị là phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư tinh hoàn. Mục tiêu chính của liệu pháp này là tiêu diệt các tế bào ung thư đã tiến triển đến các hạch bạch huyết. 

Ngoài ra, xạ trị có thể được sử dụng để điều trị ung thư tinh hoàn đã di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể như não.

2.3. Hóa trị

Điều trị ung thư bằng thuốc được gọi là hóa trị. Thuốc có thể được dùng bằng đường uống dưới dạng thuốc viên, nhưng cũng có thể được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch hoặc cơ bằng kim. Trong điều trị ung thư tinh hoàn, thuốc thường được dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch.

Hóa trị là một hình thức điều trị toàn thân. Thuốc di chuyển khắp cơ thể, tiếp cận các tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Hóa trị được áp dụng cho bệnh nhân để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào đã tách ra khỏi khối u nguyên phát và lan đến các hạch bạch huyết hoặc các bộ phận khác của cơ thể. 

Ngoài ra, nó có thể được sử dụng để giúp giảm khả năng ung thư tái phát sau khi cắt bỏ tinh hoàn.

Thuốc điều trị ung thư tinh hoàn- Ảnh 2.

Trong điều trị ung thư tinh hoàn, thuốc thường được dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch.

3. Thuốc sử dụng trong quá trình điều trị hóa trị

Hóa trị được thực hiện theo chu kỳ, với thời gian nghỉ ngơi sau mỗi lần điều trị để cơ thể có cơ hội phục hồi. Trong hầu hết các trường hợp, chu kỳ hóa trị sẽ kéo dài từ 3 đến 4 tuần.

Các phương pháp điều trị bằng thuốc chính cho bệnh ung thư tinh hoàn bao gồm: Cisplatin, etoposide (VP-16), bleomycin, ifosfamide, taxol và vinblastin.

Kết hợp hai hoặc nhiều loại thuốc hóa trị thường hiệu quả hơn so với chỉ dùng một loại thuốc. Các phác đồ hóa trị sau đây được sử dụng phổ biến nhất để điều trị ban đầu cho bệnh ung thư tinh hoàn:

- BEP là viết tắt của bleomycin, etoposide và cisplatin.

- EP là Cisplatin và etoposide.

- VIP là VP-16 (etoposide) hoặc vinblastine cộng với ifosfamide và cisplatin.

Những bệnh nhân mắc bệnh có nguy cơ cao hơn cần được điều trị chuyên sâu hơn có thể đề xuất phác đồ kết hợp khác của các loại thuốc hóa trị hoặc thậm chí là ghép tế bào gốc.

4. Tác dụng phụ có thể xảy ra của hóa trị

Thuốc hóa trị tấn công các tế bào đang phân chia nhanh chóng, đó là lý do tại sao chúng có tác dụng chống lại các tế bào ung thư. Nhưng các tế bào khác trong cơ thể, như tế bào trong tủy xương (nơi tạo ra các tế bào máu mới), niêm mạc miệng, ruột cũng phân chia nhanh chóng. Những tế bào này cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi hóa trị, có thể dẫn đến một số tác dụng phụ.

Tác dụng phụ sẽ phụ thuộc vào loại và liều lượng thuốc được sử dụng cũng như thời gian dùng thuốc. Những tác dụng phụ này có thể bao gồm: Rụng tóc, loét miệng, ăn mất ngon, buồn nôn và ói mửa, tiêu chảy, tăng nguy cơ nhiễm trùng (do có quá ít tế bào bạch cầu), dễ bị bầm tím hoặc chảy máu (do có quá ít tiểu cầu trong máu), mệt mỏi (cực kỳ mệt mỏi, thường do có quá ít tế bào hồng cầu).

Một số loại thuốc dùng để điều trị ung thư tinh hoàn có thể có các tác dụng phụ khác, bao gồm:

- Cisplatin và ifosfamide có thể gây tổn thương thận.

- Cisplatin, etoposide, paclitaxel và vinblastine có thể làm tổn thương dây thần kinh, dẫn đến tê hoặc ngứa ran ở tay và chân và nhạy cảm với lạnh hoặc nóng. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này sẽ thuyên giảm sau khi ngừng điều trị, nhưng có thể kéo dài ở một số người.

- Cisplatin cũng có thể gây mất thính giác (gọi là độc tính trên tai)

- Bleomycin có thể gây tổn thương phổi, gây khó thở và gặp khó khăn khi hoạt động thể chất.

- Ifosfamide có thể gây chảy máu bàng quang (gọi là viêm bàng quang xuất huyết).

Hầu hết các tác dụng phụ đều là ngắn hạn và biến mất theo thời gian sau khi kết thúc điều trị, nhưng một số có thể kéo dài. Trong một số trường hợp, có thể cần phải giảm liều thuốc hóa trị hoặc trì hoãn hoặc ngừng điều trị để tránh tác dụng phụ trở nên trầm trọng hơn.

Người bệnh ung thư tinh hoàn cần lưu ý gì về chế độ ăn?Người bệnh ung thư tinh hoàn cần lưu ý gì về chế độ ăn?

SKĐS - Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong và sau điều trị ung thư tinh hoàn. Mọt chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp người bệnh khỏe hơn, tiếp nhận các phương pháp điều trị tốt hơn, qua đó giúp nhanh phục hồi hơn.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Ung thư tinh hoàn: Tuyệt đối không chủ quan với các dấu hiệu này.


DS. Nguyễn Quốc Hòa
Ý kiến của bạn