Thuốc điều trị tình trạng rỉ ối

05-09-2024 10:24 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Rỉ ối ( vỡ ối non) là tình trạng màng ối bị rách, dẫn đến nước ối chảy ra ngoài một cách ồ ạt hoặc từ từ, thường trước khi chuyển dạ bắt đầu. Đây là một tình trạng có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng và sinh non, và thường yêu cầu sự can thiệp y tế kịp thời.

1. Danh mục thuốc điều trị tình trạng rỉ ối (vỡ ối non)

Thuốc điều trị ối vỡ non gồm 3 nhóm chính:

Kháng sinh: Để dự phòng nguy cơ nhiễm trùng. Như Ampicilin, Erythromycin.

Thuốc giảm co: giảm cơn co tử cung khi có chỉ định, bao gồm các thuốc như nifedipin, salbutamol, atosiban.

Corticosteroid: Betamethasone hoặc Dexamethasone, để hỗ trợ phát triển phổi thai nhi.

Ngoài ra: Magie Sulfat giúp bảo vệ tế bào thần kinh thai nhi.

Lưu ý: Quyết định về loại thuốc điều trị được bác sĩ đưa ra dựa trên tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi.

2. Tác dụng phụ thuốc điều trị tình trạng rỉ ối (vỡ ối non)

Thuốc điều trị tình trạng rỉ ối- Ảnh 1.

Rỉ nước từ âm đạo, rỉ nước kèm xuất huyết… là những dấu hiệu cảnh báo ối vỡ non mà sản phụ cần đến ngay cơ sở y tế để can thiệp kịp thời.

Tác dụng phụ của thuốc điều trị tình trạng rỉ ối (ối vỡ non) có thể bao gồm:

- Kháng sinh: Dị ứng, tiêu chảy, hoặc nhiễm trùng nấm âm đạo.

- Thuốc giảm co: Nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, hoặc tăng huyết áp.

- Corticosteroid: Tăng đường huyết, tăng huyết áp ở mẹ. Làm giảm nhẹ sự sản xuất nước ối, cử động thai trong thời gian tiêm thuốc, có nguy cơ ảnh hưởng phát triển não bộ về lâu dài cho trẻ.

- Magie Sulfat: Giảm phản xạ gân xương, giảm nhịp tim, nhịp thở, có thể ngộ độc ảnh hưởng tính mạng.

Cần theo dõi chặt chẽ để phát hiện và quản lý các tác dụng phụ này.

3. Chống chỉ định

Chống chỉ định của thuốc điều trị ối vỡ non phụ thuộc vào loại thuốc cụ thể và tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Dưới đây là các chống chỉ định chung cho từng loại thuốc, được sử dụng trong điều trị ối vỡ non:

Thuốc điều trị tình trạng rỉ ối- Ảnh 2.

Kháng sinh thường được chỉ định để ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng ở mẹ và bé.

3.1. Kháng sinh:

- Chống chỉ định: Nghi ngờ hoặc chẩn đoán nhiễm trùng ối. Dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn với thuốc, có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc nhiễm trùng nấm.

- Cẩn trọng: Các vấn đề về gan hoặc thận, vì một số kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ trên gan hoặc thận.

3.2. Thuốc chống co thắt tử cung (như Nifedipine, Salbutamol):

- Chống chỉ định: Tiền sử bệnh tim mạch nghiêm trọng (như: suy tim, nhồi máu cơ tim gần đây), huyết áp cao không kiểm soát được, hoặc bệnh lý về phổi nghiêm trọng.

- Cẩn trọng: Các vấn đề về đường tiêu hóa như loét dạ dày, hoặc tình trạng suy thận.

3.3. Corticosteroid (như Betamethasone, Dexamethasone):

- Chống chỉ định: Nhiễm trùng chưa kiểm soát, bệnh lý nhiễm nấm toàn thân, hoặc bệnh tiểu đường không kiểm soát.

- Cẩn trọng: Tăng huyết áp, loãng xương, hoặc các vấn đề về tiêu hóa.

Chỉ định và chống chỉ định thuốc được bác sĩ xác định dựa trên tình trạng lâm sàng của bệnh nhân. Cân nhắc lợi ích, nguy cơ từng loại thuốc đưa ra quyết định điều trị phù hợp.

Thuốc điều trị tình trạng rỉ ối- Ảnh 3.

Khám thai đúng lịch giúp bạn theo dõi và phát hiện sớm bất thường.

4. Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị bệnh rỉ ối (ối vỡ non)

Khi dùng thuốc điều trị bệnh rỉ ối (ối vỡ non), cần lưu ý các điểm sau:

- Theo chỉ định: Tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Theo dõi tác dụng phụ: Giám sát các phản ứng phụ và báo ngay cho bác sĩ nếu có triệu chứng bất thường.

- Xét nghiệm định kỳ: Thực hiện các xét nghiệm cần thiết để theo dõi hiệu quả và an toàn của thuốc.

- Tình trạng sức khỏe: Thông báo cho bác sĩ về bất kỳ bệnh lý nền hoặc tình trạng sức khỏe hiện tại.

- Chế độ ăn uống: Theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn uống nếu cần, đặc biệt nếu thuốc có tác dụng phụ liên quan đến tiêu hóa hoặc đường huyết.

Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi liều lượng hoặc ngừng thuốc.

5. Tai biến y khoa liên quan đến thuốc điều trị tình trạng rỉ ối (ối vỡ non)

Tai biến y khoa liên quan đến thuốc điều trị bệnh ối vỡ non có thể bao gồm:

Kháng sinh: Dị ứng nghiêm trọng (phản ứng quá mẫn), nhiễm trùng nấm, hoặc vấn đề về gan, thận.

Thuốc chống co thắt tử cung: Suy tim, nhồi máu cơ tim, huyết áp cao, hoặc rối loạn tiêu hóa.

Corticosteroid: Tăng huyết áp, tăng đường huyết. Thai nhi giảm cử động, giảm sản xuất nước ối trong thời gian tác dụng của thuốc.

Cần giám sát chặt chẽ và thông báo ngay cho bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường.

Ối vỡ non: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền và cách điều trịỐi vỡ non: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền và cách điều trị

SKĐS - Nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi trong tử cung, đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của thai nhi suốt quá trình mang thai. Nước ối không chỉ bảo vệ thai nhi khỏi các chấn thương và va đập, mà còn tạo ra một môi trường vô khuẩn giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.



ThS.BS Bùi Sơn Thắng
Khoa Sản bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
Ý kiến của bạn