Thuốc điều trị tiểu đường thai kỳ

01-10-2024 18:49 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tiểu đường thai kỳ (hay còn gọi Đái tháo đường thai kỳ) là bệnh rối loạn chuyển hoá thường gặp nhất trong thai kỳ và có xu hướng ngày càng tăng. Do đó, bà bầu bị tiểu đường thai kỳ cần kiểm soát đường huyết tích cực và an toàn trong giới hạn mục tiêu, để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.

1. Các phương pháp điều trị tiểu đường thai kỳ

1.1. Điều trị không dùng thuốc

Lối sống, cách ăn uống và hoạt động cũng là một phần quan trọng trong việc giữ cho lượng đường trong máu ở mức lành mạnh (mục tiêu) Do đó, các chuyên gia thường khuyên các bà mẹ mắc tiểu đường thai kỳ nên:

- Ăn uống lành mạnh với lượng thích hợp và đúng giờ, theo kế hoạch do bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng đề ra. Tập trung vào thực phẩm giàu dinh dưỡng và chất xơ, ít chất béo và calo, bao gồm: Trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc. Hạn chế carbohydrate tinh chế cao, bao gồm cả đồ ngọt. Trong bữa ăn nên ăn rau củ quả,thức ăn trước và ăn tinh bột sau cùng để giúp chuyển hóa carbonhydrate nhằm giảm đường máu sau ăn.

- Hoạt động thể chất ở cường độ vừa phải (30 phút sau bữa ăn trưa hoặc tối vào hầu hết các ngày trong tuần) giúp làm giảm lượng đường trong máu và khiến cơ thể nhạy cảm hơn với insulin. Tập thể dục thường xuyên còn giúp giảm một số khó chịu thường gặp khi mang thai, bao gồm đau lưng, chuột rút, sưng tấy, táo bón và khó ngủ.

- Thăm khám trước sinh thường xuyên đúng hẹn và tuân theo kế hoạch điều trị.

- Kiểm tra lượng đường trong máu để đảm bảo mức đường huyết khỏe mạnh.

- Thường xuyên kiểm tra sự tăng trưởng và phát triển của em bé.

Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng chế độ ăn uống và tập thể dục trước khi dùng thuốc.

Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng chế độ ăn uống và tập thể dục trước khi dùng thuốc.

1.2. Điều trị dùng thuốc

- Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng chế độ ăn uống và tập thể dục trước khi dùng thuốc. Nếu không đạt hiệu quả kiểm soát đường huyết, phải sử dụng thuốc để điều trị.

- Hiện tại Bộ Y tế không khuyến cáo điều trị tiểu đường thai kỳ bằng các bài thuốc đông y.

2. Danh mục thuốc điều trị tiểu đường thai kỳ

Insulin tiêm: Đây là loại thuốc duy nhất được Bộ Y tế chấp thuận sử dụng để kiểm soát đường huyết trong tiểu đường thai kỳ. Insulin giúp điều chỉnh đường huyết an toàn mà không qua nhau thai, nên không ảnh hưởng đến thai nhi. Có nhiều loại Insulin khác nhau, tuy nhiên không phải loại insulin nào cũng có đầy đủ dữ liệu an toàn cho thai kỳ.

Vì vậy việc chỉ định dùng Insulin phải được kê đơn bởi các bác sĩ có chuyên môn vê Nội tiết. Insulin có thể được tiêm bằng ống tiêm, bút tiêm hoặc qua máy bơm insulin. Cả ba phương pháp đều an toàn cho thai phụ.

Metformin uống: Là thuốc uống được sử dụng để kiểm soát đường huyết bằng cách ức chế sự sản xuất glucose tại gan, tăng sử dụng glucose ở tế bào và giảm hấp thu glucose tại ruột. Metformin tuy có hiệu quả trong việc giảm đường huyết, nhưng các dữ liệu an toàn chưa đầy đủ và ở Việt Nam hiện tại Bộ Y tế chưa có khuyến cáo điều trị bằng đường uống để kiểm soát đường huyết trong thai kỳ.

Vì vậy, việc kê đơn thuốc luôn được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, đảm bảo theo dõi sát sao quá trình điều trị của thai phụ. Việc điều trị này có thể được chi trả bởi bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế phù hợp.

Thuốc điều trị tiểu đường thai kỳ- Ảnh 2.

Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ nếu không đạt hiệu quả kiểm soát đường huyết, phải sử dụng thuốc để điều trị.

3. Tác dụng của thuốc điều trị tiểu đường thai kỳ

Insulin làm giảm lượng đường trong máu bằng cách tăng cường sự hấp thu glucose vào các tế bào cơ xương và mô mỡ, đồng thời ức chế sự sản xuất glucose từ gan. Điều này giúp duy trì mức đường huyết trong giới hạn an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Một số tác dụng phụ khi sử dụng insulin bao gồm nguy cơ hạ đường huyết, dị ứng tại chỗ tiêm như ban đỏ, ngứa, nổi mày đay. Mặc dù hiếm gặp, nhưng một số phản ứng mẫn cảm toàn thân cũng có thể xảy ra.

4. Chống chỉ định

Không có chống chỉ định tuyệt đối đối với insulin trong thai kỳ, chỉ có 1 số loại insulin chưa được chấp thuận điều trị như: Glargine, Degludec. Tuy nhiên, cần tránh tiêm insulin vào vùng da tổn thương hoặc quá gần rốn khi mang thai. Bệnh nhân cũng nên sử dụng kim tiêm ngắn (4-6mm) để đảm bảo an toàn.

5. Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị tiểu đường thai kỳ

Bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về cách tiêm insulin đúng loại, liều lượng, đảm bảo đường huyết được kiểm soát chặt chẽ. Việc tiêm đúng vị trí và cách thức là rất quan trọng để tránh các tác dụng phụ và nguy cơ hạ đường huyết.

Thuốc điều trị tiểu đường thai kỳ- Ảnh 3.

Kiểm soát đường huyết tốt trong thai kỳ không chỉ giúp thai phụ tránh được các biến chứng như tiền sản giật, sinh non, mà còn bảo vệ thai nhi khỏi nguy cơ dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, và các biến chứng sau khi sinh.

6. Tai biến y khoa liên quan đến thuốc điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ

Hạ đường huyết nghiêm trọng: Đây là một tai biến phổ biến khi sử dụng insulin không đúng liều hoặc không theo dõi sát đường huyết, dẫn đến giảm đường huyết dưới mức an toàn. Tình trạng này cần được điều trị ngay lập tức để tránh nguy cơ cho cả mẹ và bé.

Phản ứng dị ứng: Một số trường hợp có thể gặp phản ứng dị ứng tại chỗ tiêm insulin, từ nhẹ (ban đỏ, ngứa) đến nghiêm trọng (mẩn ngứa toàn thân), đòi hỏi sự can thiệp y tế ngay lập tức.

Rối loạn tiêu hóa khi dùng metformin: Một số thai phụ có thể gặp tình trạng tiêu chảy, buồn nôn, ảnh hưởng đến khả năng tuân thủ điều trị. Do đó, bác sĩ cần điều chỉnh liều lượng phù hợp và có thể đổi sang phương pháp điều trị khác nếu tình trạng tiêu hóa không cải thiện.

Kiểm soát đường huyết tốt trong thai kỳ không chỉ giúp thai phụ tránh được các biến chứng như tiền sản giật, sinh non, mà còn bảo vệ thai nhi khỏi nguy cơ dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, và các biến chứng sau khi sinh.

Tiểu đường thai kỳ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trịTiểu đường thai kỳ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

SKĐS - Tiểu đường thai kỳ (còn được gọi là Đái tháo đường thai kỳ), là bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất trong thai kỳ và có xu hướng ngày càng tăng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sẽ gây nhiều tai biến cho cả mẹ và con, như tiền sản giật, sẩy thai, thai lưu, ngạt sơ sinh,...


Bác sĩ CKI Trần Thị Thùy Vân
Bệnh viện Nội tiết Nghệ An
Ý kiến của bạn