Bệnh thấp tim còn được gọi là bệnh thấp khớp cấp hoặc sốt thấp khớp, là một thể lâm sàng của bệnh tự miễn dịch (nghĩa là cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại chính các cơ quan tổ chức của mình). Bệnh thấp tim gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị và dự phòng.
Bệnh thấp tim thường được bắt đầu sau một đợt viêm họng, viêm amidan, viêm xoang hoặc viêm da do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (streptococus typ A). Bệnh thường gặp ở trẻ em độ tuổi từ 5 - 15, ít khi khởi phát ở người lớn. Đặc biệt, sau nhiều đợt viêm cấp tái phát thì nguy cơ bị thấp tim càng cao. Các tổn thương tại khớp thường chỉ thoảng qua và không để lại di chứng gì, nhưng tổn thương tại tim (chủ yếu các van tim) lại gây ra những hậu quả khó lường. Bệnh thấp tim sẽ trở nên nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Khi đó, bệnh sẽ gây ra những tổn thương van tim và dẫn đến suy tim sau thời gian dài gây tổn thương đến não, thận…
Viêm cơ tim là một biểu hiện của thấp tim.
Biểu hiện của bệnh
Dấu hiệu ban đầu của thấp tim là trẻ thường sốt từ 38 - 40oC, có thể họng đỏ, vã mồ hôi, chảy máu cam, đái ít, mệt mỏi, kém ăn, sắc mặt nhợt nhạt. Cũng có trường hợp triệu chứng chỉ thoáng qua nhưng sau đó khoảng 1-5 tuần thì có biểu hiện đau ở khớp. Bệnh nhân bị viêm khớp với các biểu hiện: sưng, nóng đỏ, đau tại khớp… Viêm khớp thường xuất hiện ở các khớp nhỡ và lớn như: khớp gối, cổ chân, cổ tay… Biểu hiện khác là trên cơ thể bệnh nhân thấp tim thường xuất hiện các nốt cứng, không đau, di động xung quanh các khớp xương hoặc ngay trên khớp xương. Các dấu hiệu viêm tim (triệu chứng phổ biến với khoảng 41 - 83% bệnh nhân thấp tim): viêm màng ngoài tim, viêm màng trong tim, viêm cơ tim… Song có thể toàn bộ tim bị viêm làm trẻ có biểu hiện như: mệt mỏi, tức ngực, hồi hộp, khó thở, loạn nhịp tim hoặc có những tiếng bất thường ở tim. Tình trạng viêm tim nặng có thể dẫn đến suy tim cấp, nếu không được cứu chữa kịp thời có thể tử vong rất nhanh hoặc để lại di chứng ở van tim nặng nề nguy hiểm về sau. Với thể thấp tim đặc biệt thì trẻ có thể kèm theo rối loạn như: múa tay chân bất thường, nói khó, cầm đũa, bút viết hay rơi, viết xấu...
Điều trị thấp tim
Khi bị bệnh thấp tim, cần sử dụng kháng sinh trị viêm do liên cầu khuẩn, tránh tái phát. Bên cạnh đó, phải sử dụng thuốc chống viêm để giảm đau và chống viêm ở khớp và tim. Cần phải tiến hành đồng thời điều trị và dự phòng thấp tim bởi chúng liên quan chặt chẽ với nhau.
Thuốc điều trị:
Trong đợt cấp, cần loại bỏ ngay sự nhiễm liên cầu khuẩn bằng thuốc kinh điển benzathine penicillin G. Penicillin G tiêm bắp thịt trong thời gian 1 - 2 tuần. Hoặc penicillin V uống. Nếu dị ứng penicillin thì dùng thay bằng erythromycin.
Chống viêm khớp phải được bắt đầu càng sớm càng tốt ngay khi có chẩn đoán. Aspirin là thuốc được lựa chọn hàng đầu với viêm khớp đơn thuần, thường dùng kéo dài từ 4 - 6 tuần tùy thuộc vào diễn biến lâm sàng. Có thể giảm liều sau 2 - 3 tuần. Nếu sau khi dùng aspirin từ 24 - 36 giờ mà triệu chứng viêm khớp không thuyên giảm thì cần phải nghĩ đến nguyên nhân khác ngoài thấp tim.
Prednisolon cũng được khuyến cáo dùng cho những trường hợp có kèm viêm tim nặng, thường dùng kéo dài 2 - 6 tuần. Giảm liều dần trước khi dừng thuốc. Khi giảm liều prednisolon có thể dùng bổ sung thêm aspirin (liều lượng dùng theo chỉ định của thầy thuốc) và tiếp tục dùng trong 4 - 6 tuần sau khi đã ngừng prednisolon.
Với thể thấp tim nặng, có thể dùng steroid đường tĩnh mạch liều tấn công trong 2 - 3 ngày, sau đó chuyển uống prednisolon kéo dài trong 3 - 6 tuần. Sau đó, để duy trì thì giảm dần liều prednisolon và phối hợp với aspirin. Nếu bệnh nhân có suy tim cấp hoặc có bệnh van tim phối hợp thì phải dùng bổ sung các thuốc lợi tiểu, thuốc trợ tim.
Điều trị múa giật (sydenham) bao gồm các biện pháp nghỉ ngơi tại giường, tránh các xúc cảm và một số thuốc như: phenobarbital, diazepam, haloperidol hoặc các steroid.
Dự phòng thấp khớp cấp:
Ngăn ngừa các đợt thấp tái phát ở người đã bị thấp khớp cấp hoặc thấp tim. Dùng benzathin penicillin G tiêm bắp hoặc penicilin V uống hàng ngày. Với thấp khớp không có tổn thương tim dự phòng thấp trong 5 năm. Thấp tim có di chứng nhẹ ở một van tim, người lớn dự phòng 5 năm, trẻ em dự phòng cho tới 18 - 20 tuổi. Thấp tim di chứng van tim nặng cần dự phòng thấp tái phát cho tới 40 tuổi hoặc suốt đời.
Lời khuyên của thầy thuốc
Mặc dù bệnh thấp tim rất nguy hiểm nhưng có thể phòng được bằng cách luôn giữ môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh cơ thể và vùng mũi họng thường xuyên, sạch sẽ, giữ ấm cổ, ngực, mũi họng về mùa đông, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Khi thấy trẻ ở lứa tuổi từ 5 - 15 bị viêm họng nhiều lần có đau mỏi, sưng, nóng đỏ ở các khớp, mệt mỏi, tức ngực, khó thở hoặc hồi hộp, đau vùng tim hoặc có những biểu hiện bất thường về tâm thần vận động, tay múa vờn không tự chủ thì cần phải cho trẻ đi khám để phát hiện và điều trị thấp tim ngay. Không nên chữa bằng các biện pháp dân gian sẽ rất nguy hiểm cho trẻ về sau.
DS. Thanh Hoài