Thuốc điều trị tê bì chân tay

30-09-2024 10:24 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tình trạng tê tay chân có thể không phải là do một căn bệnh nguy hiểm nào gây ra, thế nhưng nó lại làm ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của chúng ta. Vậy thì khi bị tê tay chân uống thuốc gì sẽ nhanh khỏi bệnh? Có thể cải thiện tình trạng tê tay chân tại nhà được hay không?

Tê bì chân tay hiểu đơn giản là trạng tái bị tê như kim đâm hoặc như kiến bò, xảy ra ở chân hoặc ở tay do các dây thần kinh bị chèn ép. Triệu chứng tê bì chân tay này xuất hiện khiến người bệnh gặp khó khăn nhất định trong sinh hoạt hàng ngày.

Các cơn tê mỏi bắt đầu râm ran từ các đầu ngón tay, đầu ngón chân sau đó có thể lan rộng ra. Việc tê mỏi có thể kéo dài khiến tay chân người bệnh không còn cảm giác, vấn đề này gây ra nhiều hệ lụy rất nguy hiểm. Do đó, bệnh cần được điều trị sớm để cuộc sống của bệnh nhân không bị đảo lộn.

Tùy vào từng mức độ bệnh lý của mỗi bệnh nhân có thể lựa chọn loại thuốc phù hợp nhằm đảm bảo hiệu quả, an toàn sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, khi có dấu hiệu của bệnh, bệnh nhân hãy nhanh chóng thăm khám nhằm xác định nguyên nhân gây tê mỏi và áp dụng loại thuốc điều trị hợp lý nhất.

Thuốc điều trị tê bì chân tay- Ảnh 1.

Tê bì chân tay có thể xảy ra ở mọi đối tượng.

1. Đối tượng có nguy cơ mắc tê bì chân tay

Tình trạng này có thể xuất hiện ở mọi đối tượng từ người già, phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh, người sau khi tai biến hoặc người có sức khỏe kém, người bị tiểu đường… dễ gặp phải các tình trạng tê mỏi tứ chi. Để điều trị, trước hết người bệnh phải tìm ra nguyên nhân gây tê mỏi bằng việc thăm khám tại những cơ sở uy tín. Bác sĩ tại đó sẽ dựa vào mức độ bệnh lý và tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân và đưa ra phương án sao cho phù hợp nhất.

Trong tất cả những biện pháp điều trị tê bì chân tay, sử dụng thuốc điều trị là phương pháp đem lại hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể điều trị theo phương pháp sử dụng thuốc này. Trường hợp tê mỏi do thói quen cá nhân hay do dinh dưỡng có thể điều chỉnh thông qua chăm sóc tại nhà dưới sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị và không cần phải sử dụng thuốc.

2. Thuốc điều trị tê bì chân tay

Thông thường bác sĩ sẽ sử dụng hai dạng thuốc là: Thuốc điều trị triệu chứng và thuốc điều trị nguyên nhân. Thuốc điều trị triệu chứng tê mỏi chân tay sẽ được chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn và không được áp dụng trong thời gian dài vì có nguy cơ gây tác dụng phụ. Thuốc chữa bệnh lý sẽ được bác sĩ lựa chọn sao cho phù hợp và hiệu quả nhất đối với từng bệnh nhân. Tình trạng tê bì chân tay có thể kéo dài dai dẳng và thậm chí có khả năng tái phát nếu không được kiểm soát. Người bệnh sử dụng thuốc đúng cách sẽ đẩy lùi được những vấn đề do bệnh gây ra.

Sử dụng thuốc chữa những bệnh liên quan đến tình trạng tê bì chân tay có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên, do dược tính khá mạnh nên khả năng cơ thể của người bệnh có thể gặp phải các phản ứng là khá cao. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh của mỗi người để đưa ra các loại thuốc phù hợp nhất.

Thuốc điều trị tê bì chân tay- Ảnh 2.

Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh của mỗi người để đưa ra các loại thuốc phù hợp nhất.

Một số loại thuốc chữa tê bì chân tay phổ biến như sau:

Thuốc giảm đau Paracetamol

Paracetamol thường được sử dụng với mục đích giảm đau cho bệnh nhân bị đau nhức xương khớp, trong đó có tê bì chân tay. Liều dùng nên sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Bởi, trường hợp lạm dụng thuốc có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn như: Ngứa ngáy, ngứa gan và nổi mẩn đỏ trên da. Đặc biệt, trường hợp nghiêm trọng hơn bệnh nhân có thể bị nhiễm độc, táo bón và mất ngủ kéo dài.

Thuốc chống viêm không Steroid (NSAID)

Bên cạnh Paracetamol, thuốc chống viêm không Steroid cũng là loại thuốc được sử dụng khá phổ biến. Loại thuốc này được sử dụng cho bệnh nhân mắc các bệnh như viêm khớp và thoái hóa khớp.

Thuốc còn phát huy hiệu quả cho việc cải thiện khả năng cảm thụ tín hiệu và làm giảm tình trạng chèn ép các dây thần kinh. Cũng tương tự như thuốc Paracetamol, khi sử dụng loại thuốc này, người bệnh có khả năng gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như gây rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, hành tá tràng hay viêm loét dạ dày… Trường hợp bệnh nhân lạm dụng thuốc có nguy cơ cao mắc bệnh suy thận, suy tủy hoặc giảm nồng độ bạch cầu trong máu…

Thuốc này chống chỉ định đối với phụ nữ đang mang thai, người mắc bệnh về gan, thận hoặc những người có vết thương hở.

Thuốc chống trầm cảm Milnacipran giúp giảm tê bì chân tay

Thuốc Milnacipran hỗ trợ điều trị tình trạng đau và tê bì chân tay, đau mỏi cơ bắp, dây chằng và mô sụn. Nhờ vào những tác động của thuốc, não bộ sẽ bắt đầu cân bằng lại những chất dẫn truyền thần kinh. Liều dùng sử dụng bệnh nhân phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra đối với cơ thể người bệnh như: Cảm giác buồn nôn, khô miệng, chán ăn, chóng mặt, huyết áp cao, nhịp tim nhanh, co giật và vàng da… Thuốc không phù hợp cho bệnh nhân mắc bệnh về gan, thận, tim, tâm thần hoặc có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Thuốc điều trị tê bì chân tay chứa thành phần Corticosteroid

Trong tất cả các trường hợp tê bì chân tay do bệnh lý gây ra, mức độ bệnh khi đã chuyển sang giai đoạn nặng, bác sĩ có thể cân nhắc cho người bệnh sử dụng thuốc có thành phần Corticosteroid giúp giảm đau nhanh tuy nhiên đây là loại thuốc kháng viêm có dược tính khá mạnh. Thuốc được bào chế ở dạng: Tiêm, bôi, uống hoặc hít… Trong đó, thuốc tiêm trực tiếp sẽ mang lại hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, thuốc dạng tiêm chỉ được sử dụng tối đa 3 lần/năm. Đồng thời, chỉ được tiêm thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Dù đem lại hiệu quả nhanh chóng, tuy nhiên thuốc có thể gây ra một số biến chứng như: Chảy máu tại chỗ, nhiễm trùng và phản ứng viêm tăng cao… Lúc này, bệnh nhân sẽ cảm thấy chóng mặt, tăng huyết áp, đổ mồ hôi và giảm đề kháng...

Thuốc điều trị tê bì chân tay- Ảnh 3.

Thuốc Corticosteroid được cân nhắc sử dụng khi bệnh chuyển biến nặng.

Thuốc giảm đau thần kinh Gabapentin

Đây là một trong những dạng thuốc được dùng điều trị chứng tê bì chân tay hiệu quả. Đặc biệt là đối với bệnh nhân có mắc chứng đau thần kinh ngoại biên hoặc thần kinh đái tháo đường và hội chứng ở chân gây ra cơn tê mỏi bất thường…

Liều dùng được bác sĩ điều trị chỉ định. Khi sử dụng, bệnh nhân có thể có nguy cơ bị buồn nôn, ói, khó thở, sốt hoặc bị động kinh… Thuốc chống chỉ định đối với những trường hợp có tiền sử bệnh thận, người đang mang thai hoặc chuẩn bị mang thai và người sắp phẫu thuật.

Trên đây là những loại thuốc điều trị tê bì chân tay thường được bác sĩ điều trị kê toa. Bệnh nhân có dấu hiệu của bệnh hãy nhanh chóng thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và có phương pháp điều trị hợp lý nhất.

3. Có thể cải thiện tình trạng này bằng các bài thuốc dân gian hay không?

Tình trạng tê tay chân rất phổ biến vậy nên các phương pháp chữa trị cũng được nhiều người truyền tai nhau bằng các mẹo dân gian dễ thực hiện như: Sử dụng một số loại thực phẩm để đắp lên phần tay chân bị tê bì (ngải cứu, cải bắp hay gừng tươi), uống các loại nước ép từ rau củ quả (đu đủ, lá lốt,...), chườm nóng phần tay chân bị tê bì,... Hầu hết các biện pháp dân gian đều không gây ra bất kỳ tác hại gì đến cho sức khỏe người bệnh và có những mặt lợi nhất định, thế nhưng không phải phương pháp nào cũng được kiểm chứng là có thể chữa trị bệnh tận gốc.

4. Người bệnh có cần kiêng gì khi bị tê bì tay chân không?

Bên cạnh câu hỏi “Bị tê tay chân uống thuốc gì mau khỏi bệnh?” thì hầu hết mọi người đều có thắc mắc rằng khi gặp tình trạng này “có cần kiêng gì hay không?”.

Các chuyên gia y tế không khuyến cáo người bệnh bị tê tay chân phải kiêng ăn uống gì khi chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra, thế nhưng người bệnh cũng nên thực hiện các việc sau để giảm thiểu tình trạng:

  • Giữ tâm trạng thoải mái để tránh thần kinh bị căng thẳng khiến cho bệnh tiến triển nặng hơn.
  • Hạn chế ngồi hoặc đứng một tư thế quá lâu nhưng cũng không nên vận động quá mạnh khi đang bị tê tay chân.
  • Có thể thực hiện các phương pháp mát xa bàn tay bàn chân một cách nhẹ nhàng.
  • Nên tắm bằng nước muối Epsom để giúp máu được lưu thông dễ dàng hơn, tăng lượng máu.
  • Ăn uống đủ chất (đặc biệt bổ sung các loại thức ăn chứa nhiều vitamin như B, C,...).
  • Tuyệt đối không tùy tiện sử dụng thuốc khi chưa được chuyên gia tư vấn, không dùng quá liều thuốc do bác sĩ chỉ định.
  • Trong quá trình điều trị bệnh do tê bì tay chân gây ra, người bệnh phải chú ý tới các triệu chứng bệnh đi kèm để kịp thời chữa trị nếu có dấu hiệu bất thường.

Một điều đáng lưu ý đó là đối tượng bị tê tay chân. Trong trường hợp người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú mà bị tê tay chân thì các phương pháp điều trị cũng cần được chú ý hơn cả. Đặc biệt đối với phụ nữ đang mang thai thì việc hạn chế sử dụng một số loại kháng sinh có thể gây hại cho thai nhi, vì vậy bắt buộc phải có tham vấn của các bác sĩ khoa sản.

5. Lời khuyên với người bị tê bì chân tay

Một khi người bệnh đã biết nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng tê tay chân thì việc điều trị bệnh sẽ rất dễ dàng. Cụ thể, nếu bệnh nhân đã và đang điều trị những bệnh lý có biến chứng là hiện tượng tê bì tay chân thì chỉ cần liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn các giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp người bệnh không rõ nguyên nhân bị tê tay chân thì việc đầu tiên phải làm đó chính là tìm đến các cơ sở y tế để được khám và xác định nguyên nhân gây ra, từ đó sẽ có những phương pháp phù hợp nhất cho từng đối tượng bệnh.

Mặc dù những loại thuốc trên đây đều có những cồn hiệu nhất định thế chứng người bệnh cũng không nên tùy tiện mua về nhà để sử dụng mà không có sự tư vấn từ các y bác sĩ chuyên khoa.

Tê bì chân tay: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhTê bì chân tay: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Tê bì chân tay là một triệu chứng phổ biến, có thể gặp từ người già đến người trẻ. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được điều trị có thể dẫn đến một số biến chứng khó lường như: đau nhức, teo cơ hoặc bại liệt.


BSCKII Ngô Xuân Lam
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh
Ý kiến của bạn