Thuốc điều trị táo bón

14-04-2015 15:32 | Dược
google news

SKĐS - Táo bón xảy ra khi phân di chuyển qua đường ruột chậm, gây ra đại tiện khó khăn, và số lần đại tiện giảm (thường ít hơn 3 lần trong một tuần). Táo bón đôi khi còn là triệu chứng của một bệnh lý thực thể nào đó.

Táo bón là một chứng bệnh đường tiêu hóa rất phổ biến, thường gặp ở người già, người ít vận động, béo phì hay có nghề nghiệp buộc phải ngồi nhiều (nhân viên văn phòng, tài xế…).

Táo bón và biến chứng

Nguyên nhân:

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra táo bón:

- Chế độ dinh dưỡng ít chất xơ.

- Uống ít nước.

- Lối sống ít vận động.

- Thói quen xấu nhịn đi đại tiện.

- Lạm dụng thuốc nhuận tràng (làm suy yếu phản xạ đẩy phân ra ngoài).

- Mất cân bằng nội tiết tố (thường gặp ở giai đoạn mang thai của thai phụ).

- Do thuốc (một số loại thuốc có thể gây ra táo bón như: thuốc kháng axít, thuốc bổ sung sắt, thuốc chống trầm cảm…).

- Do bệnh lý (bệnh lý tuyến giáp, đái tháo đường, viêm ruột…)…

Triệu chứng:

- Số lần đại tiện giảm (thường ít hơn 3 lần trong một tuần).

- Phân nhỏ, cứng.

- Đại tiện khó khăn, đau.

- Cảm giác đi đại tiện chưa hoàn toàn.

Táo bón xảy ra khi phân di chuyển qua đường ruột chậm

Táo bón xảy ra khi phân di chuyển qua đường ruột chậm

Biến chứng:

Nếu không được điều trị kịp thời, táo bón có thể gây ra biến chứng như: bệnh trĩ, nứt hậu môn, thoát vị, nhiễm độc cơ thể…

Thuốc điều trị

Thuốc sử dụng trong điều trị táo bón (được gọi là thuốc nhuận tràng) có nhiều loại khác nhau và tác dụng theo những cơ chế riêng biệt:

Nhóm thuốc nhuận tràng tạo khối (polycarbophil, psyllium, methylcellulose…): nhóm thuốc này là các polysaccarid thiên nhiên (ở dạng hạt, chất xơ, chất nhầy…) hay tổng hợp, có khả năng hấp phụ nước gấp nhiều lần so với thể tích của chúng, nên làm tăng khối lượng phân, kích thích nhu động ruột dễ dàng đẩy phân ra ngoài. Nhóm thuốc này tác dụng tương đối chậm nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động của ruột.

Nhóm thuốc nhuận tràng thẩm thấu (lactulose, macrogol, sorbitol…): thường ở dạng muối vô cơ hay đường, có tác dụng làm gia tăng áp suất thẩm thấu ở ruột, nên làm tăng lượng nước ở ruột và kích thích nhu động ruột.

Nhóm thuốc nhuận tràng kích thích (bisacodyl, cascara, phenolphthalein…): nhóm thuốc này tác dụng trực tiếp lên đầu dây thần kinh ở niêm mạc ruột, làm co cơ ruột, giúp phân di chuyển dể dàng qua đường ruột.

Thuốc nhuận tràng làm mềm phân (docusat): có tác dụng làm mềm phân do kích thích sự bài tiết ở ruột và làm gia tăng sự hút nước vào trong phân, giúp phân di chuyển dễ dàng.

Nhóm thuốc nhuận tràng bôi trơn(parafin, glycerin): thường trình bày ở dạng thuốc bơm hay thuốc đạn, có tác dụng làm phân di chuyển qua kết tràng dễ dàng.

Khi sử dụng thuốc nhuận tràng trong điều trị táo bón, cần tuân theo chỉ định của thầy thuốc một cách chặt chẽ, tránh tự ý sử dụng thuốc, tránh dùng thuốc quá 7 ngày. Vì các thuốc này có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như gây ra rối loạn nhu động ruột, liệt ruột hay rối loạn cân bằng điện giải của cơ thể….

Bên cạnh việc dùng thuốc, cần kết hợp với thay đổi lối sống như: chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ (có nhiều trong rau, củ, quả), uống nhiều nước, tăng cường vận động, luyện tập thể dục, thể thao, tập thói quen đi đại tiện điều độ… sẽ giúp mang lại hiệu quả cao trong điều trị táo bón.

DS. MAI XUÂN DŨNG

 

 


Ý kiến của bạn