Hà Nội

Thuốc điều trị suy giáp và những điều cần lưu ý

19-01-2022 07:01 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Suy giáp là bệnh rối loạn tuyến giáp phổ biến. Mục tiêu điều trị là đưa mức hormone tuyến giáp trở lại bình thường và người bệnh có thể cần phải uống thuốc suốt đời. Vậy thuốc nào được lựa chọn để điều trị suy giáp, hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây...

1. Suy giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến hình con bướm nằm ở phía trước cổ ngay dưới thanh quản sản xuất ra các hormone điều chỉnh năng lượng của cơ thể và kiểm soát sự trao đổi chất. Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone giúp bình thường hóa sự trao đổi chất trong cơ thể.

Khi nồng độ hormone tuyến giáp thấp, cơ thể đốt cháy năng lượng chậm hơn bình thường, đồng thời nhịp tim và sự điều hòa thân nhiệt cũng giảm theo có thể gây ra mệt mỏi, tăng cân, khô da, táo bón và nhạy cảm với nhiệt độ…

Nguyên nhân phổ biến nhất của suy giáp là một bệnh tự miễn dịch được gọi là viêm tuyến giáp Hashimoto. Với tình trạng này, các kháng thể dần dần tấn công mô tuyến giáp gây ra tổn thương theo thời gian, cuối cùng không đủ hormone tuyến giáp được tạo ra và làm chậm quá trình trao đổi chất. Suy giáp cũng có thể do một số nguyên nhân khác như xạ trị, một số loại thuốc, phẫu thuật tuyến giáp, rối loạn tuyến yên, mang thai và thiếu iốt…

Mặc dù suy giáp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh phổ biến nhất ở nữ giới và ảnh hưởng đến khoảng 10% phụ nữ và 6% nam giới.

Thuốc điều trị suy giáp và những điều cần lưu ý - Ảnh 1.

Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone giúp bình thường hóa sự trao đổi chất trong cơ thể.

2. Suy giáp được chẩn đoán như thế nào?

Nguy cơ suy giáp tăng lên theo tuổi tác và phụ nữ dễ bị suy giáp hơn nam giới. Một số triệu chứng của suy giáp bao gồm tăng cân, da khô, mệt mỏi, bướu cổ, táo bón và nhạy cảm với nhiệt độ.

Bác sĩ có thể sẽ làm xét nghiệm máu để đo lượng nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) và nồng độ thyroxine trong cơ thể. Mức độ thấp của thyroxine, một loại hormone do tuyến giáp tạo ra và mức TSH cao là dấu hiệu của một tuyến giáp hoạt động kém.

Suy giáp do nhiều nguyên nhân gây ra, và người lớn, đặc biệt là phụ nữ, nên xét nghiệm máu để xác định các vấn đề về tuyến giáp 5 năm một lần giúp phát hiện sớm tình trạng bệnh và điều trị hiệu quả.

3. Thuốc điều trị suy giáp

Khi cơ thể không thể sản xuất đủ lượng hormone tuyến giáp, các loại hormone thay thế sẽ được kê đơn. Thuốc điều trị suy giáp có thể ở dạng viên nang và đôi khi có thể được tiêm tĩnh mạch. Bác sĩ điều trị sẽ xác định liều lượng và dạng thuốc thích hợp trong từng trường hợp bệnh nhân cụ thể.

Nếu đã được chẩn đoán mắc chứng suy giáp, bác sĩ sẽ kê đơn một dạng hormone tuyến giáp tổng hợp. Levothyroxine, một sản phẩm hormone tuyến giáp tổng hợp, là phương pháp điều trị tiêu chuẩn để kiểm soát suy giáp và có sẵn dưới nhiều tên thương hiệu khác nhau (ví dụ: levothroid, synthroid).

Liều lượng chính xác sẽ phụ thuộc vào tuổi và cân nặng, mức độ nghiêm trọng của suy giáp, các vấn đề sức khỏe khác và có đang dùng các loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến mức độ cơ thể sử dụng hormone tuyến giáp hay không.

Khoảng 1 đến 2 tuần sau khi bắt đầu điều trị bằng levothyroxine, người bệnh có thể sẽ nhận thấy rằng mức độ mệt mỏi của mình được cải thiện. Điều quan trọng là phải uống thuốc đúng theo quy định và không bỏ lỡ bất kỳ liều nào cũng như duy trì việc tái khám định kỳ.

Bác sĩ sẽ theo dõi nồng độ TSH khoảng 6 đến 8 tuần sau khi bắt đầu điều trị và thực hiện bất kỳ điều chỉnh liều lượng cần thiết nào khi có chỉ định. Nếu liều lượng cần được điều chỉnh, sẽ cần nhiều xét nghiệm hơn để kiểm tra nồng độ TSH. Khi đã ở liều lượng ổn định, thông thường bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh xét nghiệm máu lặp lại trong 6 tháng, và sau đó mỗi năm một lần.

Các triệu chứng và đáp ứng điều trị của từng cá nhân khác nhau và liều lượng hiệu quả của một loại thuốc cụ thể có thể rất khác nhau ở mỗi người. Bác sĩ có thể xác định loại thuốc phù hợp nhất cho bệnh suy giáp dựa trên các triệu chứng, tiền sử bệnh và phản ứng của một cá nhân với các phương pháp điều trị.

4. Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc điều trị suy giáp

Như với bất kỳ loại thuốc nào, luôn có những tác dụng phụ tiềm ẩn. Các tác dụng phụ thường gặp liên quan đến thuốc điều trị tuyến giáp bao gồm tiêu chảy nặng, căng thẳng hoặc khó chịu, phát ban hoặc nổi mề đay trên da, đau ngực, co giật và đau đầu. Liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu tác dụng phụ vẫn tồn tại hoặc trầm trọng hơn bệnh.

Thuốc điều trị suy giáp có thể gây ra các phản ứng dị ứng dẫn đến phát ban hoặc khó thở. Phản ứng dị ứng có thể đe dọa tính mạng. Lúc này cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Để biết thêm chi tiết về các tác dụng phụ có thể xảy ra của một loại thuốc cụ thể người bệnh cần trao đổi với bác sĩ điều trị.

Thuốc điều trị suy giáp và những điều cần lưu ý - Ảnh 4.

Levothyroxine, một sản phẩm hormone tuyến giáp tổng hợp, là phương pháp điều trị tiêu chuẩn để kiểm soát suy giáp.

5. Những điều cần lưu ý khi uống thuốc suy giáp

Mặc dù không thể ngăn ngừa được chứng suy giáp, nhưng người bệnh vẫn có thể có một cuộc sống bình thường và hiệu quả nếu dùng thuốc theo đúng chỉ định.

Một số điều quan trọng cần nhớ khi bắt đầu dùng thuốc hormone tuyến giáp bao gồm:

  • Uống thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ hàng ngày và vào cùng thời điểm mỗi ngày.
  • Vì sự hấp thụ thuốc tăng lên khi bụng đói, nên uống thuốc tuyến giáp khi bụng đói trước bữa ăn sáng từ 30 phút đến 1 giờ.
  • Không tự ý ngừng dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.
  • Không dùng thuốc tuyến giáp cùng lúc với chất bổ sung chất xơ, canxi, sắt, vitamin tổng hợp, hoặc thuốc kháng axit hydroxit nhôm hoặc bất kỳ loại thuốc nào liên kết axit mật. Uống thuốc tuyến giáp cách các loại thuốc này ít nhất 4 giờ.
  • Nếu có bất kỳ tác dụng phụ hoặc lo ngại nào, nên báo ngay cho bác sĩ. Nồng độ hormone tuyến giáp quá cao có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau bao gồm đánh trống ngực, giảm cân nhanh chóng, bồn chồn hoặc run rẩy, đổ mồ hôi và mất ngủ.

6. Bệnh suy giáp có chữa khỏi được không?

Bệnh suy giáp có thể được điều trị thành công bằng liệu pháp thay thế hormone. Tuy nhiên suy giáp có thể chữa khỏi hoàn toàn hay không còn tùy thuộc vào từng cá nhân, tiền sử bệnh và đáp ứng điều trị của người bệnh. Một số nguyên nhân cơ bản gây suy giáp, như bệnh Grave và viêm tuyến giáp Hashimoto, không thể chữa khỏi hoàn toàn, và thậm chí có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.

7. Điều gì xảy ra nếu suy giáp không được điều trị?

Nếu suy giáp không được điều trị, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe lớn hơn. Phụ nữ mang thai bị suy giáp có nguy cơ con bị dị tật bẩm sinh cao hơn. Suy giáp không được điều trị cũng có thể gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản, thiếu máu, các vấn đề về đông máu, các vấn đề về tim mạch hoặc các vấn đề về thần kinh.

8. Có bị giảm cân khi dùng levothyroxine trị suy giáp?

Một số người có thể bị sụt cân khi dùng levothyroxine. Levothyroxine giúp những người bị suy giáp có quá trình trao đổi chất hoạt động nhanh hơn. Điều này có nghĩa là cơ thể sẽ đốt cháy calo nhanh hơn, dẫn đến giảm cân. Dùng liều cao hơn để tăng tốc độ giảm cân có thể gây ra những hậu quả y tế nghiêm trọng và không được khuyến khích. Bác sĩ điều trị sẽ xác định liều lượng levothyroxine phù hợp với từng người bệnh.

9. Các thực phẩm tốt cho tuyến giáp

Một số loại thực phẩm tốt nhất để hỗ trợ các vấn đề về tuyến giáp là rong biển, cá, rau lá xanh đậm... Những thực phẩm này chứa nhiều i- ốt, vitamin D, selen và axit béo omega-3, tất cả đều có lợi cho sức khỏe tuyến giáp.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì?

DS. Vũ Thuỳ Dương
Ý kiến của bạn