Thuốc điều trị sỏi tiết niệu

06-05-2024 14:55 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Sỏi tiết niệu là căn bệnh có tỷ lệ mắc cao, tỷ lệ tái phát cũng cao. Bệnh có thể cải thiện nhờ dùng thuốc nhưng dùng thuốc như thế nào cần căn cứ vào tình trạng cụ thể của từng người bệnh.

1. Các phương pháp điều trị sỏi tiết niệu

Ngày nay, do ảnh hưởng thói quen ăn uống và chế độ sinh hoạt nên sỏi tiết niệu rất phổ biến. Sỏi tiết niệu nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên việc phát hiện sớm và điều trị tích cực có thể dễ dàng loại bỏ sỏi.

Do vị trí khởi phát khác nhau nên sỏi tiết niệu thường gặp bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo. Sỏi tiết niệu gây đau đớn và thường xuyên tái phát khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống.

Sỏi tiết niệu do nhiều yếu tố như theo mùa (tỷ lệ mắc cao vào mùa hè do đổ mồ hôi nhiều), giới tính, tuổi tác (chủ yếu từ 30 đến 50 tuổi), dinh dưỡng, nghề nghiệp, lối sống, nhiễm trùng đường tiết niệu, di truyền, thể chất và các bất thường về chuyển hóa (như mắc bệnh cường giáp)…

Phương pháp điều trị sỏi tiết niệu được xác định dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, như vị trí, số lượng, kích thước, độ cứng và mức độ nghiêm trọng của sỏi. Điều trị có thể được chia thành 2 loại, tùy theo mức độ xâm lấn:

- Điều trị bảo tồn: Dùng thuốc là phương pháp điều trị ưu tiên đối với những viên sỏi có kích thước nhỏ. Có thể quan sát một cách thận trọng rằng 90% sỏi mịn, nhỏ hơn 4mm sẽ tự đào thải ra ngoài và cũng có thể dùng thuốc để thúc đẩy tống xuất. Nếu các triệu chứng vẫn tồn tại hoặc xuất hiện biến chứng phức tạp (đau bụng, sốt, nhiễm trùng, tổn thương chức năng thận…) nên điều trị tích cực.

- Điều trị bằng các phương pháp ít xâm lấn: Khi kích thước sỏi lớn và bắt đầu gây ra các triệu chứng hay biến chứng có thể cần áp dụng các phương pháp tán sỏi như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua nội soi niệu quản, tán sỏi qua da.

- Điều trị bằng phẫu thuật: Khi điều trị nội khoa và các phương pháp ít xâm lấn không mang lại hiệu quả điều trị, sỏi gây tắc nghẽn và tổn thương chức năng thận thì phải chỉ định điều trị bằng phẫu thuật.

Thuốc điều trị sỏi tiết niệu- Ảnh 1.

Ngày nay, do ảnh hưởng thói quen ăn uống và chế độ sinh hoạt nên sỏi tiết niệu rất phổ biến.

2. Thuốc điều trị sỏi đường tiết niệu

2.1. Thuốc giảm đau

- Tác dụng: Giảm đau là ưu tiên hàng đầu trong điều trị cấp tính các cơn đau quặn thận. Các loại thuốc thường được sử dụng là thuốc giảm đau chống viêm không steroid (thuốc giảm đau NSAID). Các loại thuốc phổ biến bao gồm ibuprofen, diclofenac natri, celecoxib...

- Tác dụng phụ: Thuốc giảm đau NSAID có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn nếu dùng thuốc với liều lượng lớn hoặc dùng trong thời gian dài. Các tác dụng phụ phổ biến nhất là các triệu chứng về đường tiêu hóa như đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, đau dạ dày…

- Chống chỉ định: Thuốc có chống chỉ định với các trường hợp sau: Dị ứng với thành phần của thuốc; Loét dạ dày, chảy máu dạ dày; Suy gan; Suy thận; Phụ nữ mang thai và cho con bú.

2.2. Thuốc thải sỏi

- Tác dụng: Thuốc chẹn alpha là loại thuốc thường được kê đơn để làm giãn mạch máu nhằm hạ huyết áp hoặc ngăn ngừa đau tim. Thuốc có tác dụng giãn cơ trơn nên đối với sỏi tiết niệu, thuốc được dùng để làm giãn niệu quản thúc đẩy thải sỏi. Nếu bác sĩ đánh giá sỏi tương đối nhỏ và không gây đau, không có nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc suy giảm chức năng thận thì có thể sử dụng thuốc chẹn alpha để điều trị loại bỏ sỏi. Các loại thuốc có thể lựa chọn bao gồm terazosin, doxazosin,…

- Tác dụng phụ: Khi sử dụng thuốc, các phản ứng bất lợi của thuốc cũng phải được xem xét, ví dụ, thuốc chẹn alpha có thể gây đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi, hạ huyết áp thế đứng...

- Chống chỉ định: Không dùng thuốc cho các bệnh nhân có tiền sử hạ huyết áp thế đứng, người bị sỏi bàng quang, nhiễm trùng đường tiểu, phụ nữ đang cho con bú, người bị suy tim, suy gan, suy thận và mẫn cảm với thành phần của thuốc.

2.3. Thuốc làm tan sỏi

Các loại thuốc khác nhau có tác dụng nhất định đối với các loại sỏi khác nhau nên cần phân tích thành phần của sỏi để kê đơn thuốc phù hợp sẽ có tác dụng làm tan sỏi tốt hơn, ngăn chặn sự hình thành và phì đại của sỏi.

Đối với sỏi axit uric và sỏi cystin, thuốc uống chủ yếu được sử dụng để kiềm hóa nước tiểu. Tác dụng của thuốc làm tăng độ pH của nước tiểu, độ hòa tan của sỏi axit uric và sỏi cystin tăng trong môi trường kiềm. Các loại thuốc hiện đã được chứng minh hiệu quả bao gồm: Citrate (kali citrat, natri citrat) và natri bicarbonate.

Với sỏi canxi có thể sử dụng nhóm thuốc lợi tiểu thiazid như hydrochlorothiazid, bendroflumethiazid, chlorthalidone.

2.4. Thuốc kháng sinh

Trong trường hợp có dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh. Việc dùng thuốc giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm và ngăn ngừa được các biến chứng nguy hiểm khác.

Thuốc điều trị sỏi tiết niệu- Ảnh 2.

Sỏi tiết niệu có thể được cải thiện nhờ dùng thuốc nhưng dùng thuốc như thế nào cần căn cứ vào tình trạng cụ thể của từng người bệnh.

3. Lưu ý khi dùng thuốc

Nếu sỏi thận không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành viêm thận, suy thận, thậm chí là nhiễm trùng huyết. Vì vậy, nếu có các triệu chứng như tiểu khó, đau thắt lưng, chướng bụng thì phải đi khám kịp thời.

Có nhiều loại thuốc điều trị sỏi nhưng cần phải có sự tư vấn của bác sĩ chuyên môn. Người bệnh không tự điều trị bằng cách sử dụng thuốc mà không có sự giám sát của bác sĩ. Việc tự điều trị có thể gây nhiều nguy hiểm. Khi sử dụng thuốc điều trị sỏi tiết niệu, cần lưu ý:

- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: Luôn tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về cách sử dụng thuốc. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi bắt đầu điều trị và nếu có thắc mắc nào cần hỏi ngay bác sĩ. Đảm bảo sử dụng chính xác liều lượng thuốc được chỉ định. Không tự ý tăng hoặc giảm liều, bỏ thuốc hoặc ngừng thuốc mà không được bác sĩ hướng dẫn.

- Theo dõi tác dụng phụ: Theo dõi bất kỳ tác dụng phụ nào từ việc sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu gặp phải bất kỳ vấn đề nào.

- Tương tác thuốc: Thảo luận với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và các loại thảo dược, để đảm bảo không xảy ra tương tác không mong muốn giữa các loại thuốc.

- Bảo quản thuốc: Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng trực tiếp và độ ẩm cao. Cất thuốc ở xa tầm tay của trẻ nhỏ.

- Định kỳ kiểm tra: Tuân thủ theo lịch trình kiểm tra và tái khám của bác sĩ để theo dõi hiệu quả của việc điều trị.

Cuối cùng để giảm nguy cơ tái phát sỏi và cải thiện sức khỏe chung, người bệnh cần chú ý đến thói quen ăn uống và chế độ sinh hoạt, bao gồm: Uống nước đủ; Giảm lượng protein động vật; Hạn chế lượng natri trong khẩu phần; Hạn chế thực phẩm giàu oxalate; Tăng cường vận động; Giảm căng thẳng, lo lắng…

8 câu hỏi thường gặp của người bệnh sỏi tiết niệu8 câu hỏi thường gặp của người bệnh sỏi tiết niệu

SKĐS - Trên cơ thể người, hệ tiết niệu gồm hai thận, hai niệu quản hai bên, rồi đến bàng quang và cuối cùng là niệu đạo. Sỏi xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào trong hệ tiết niệu điều đó chứng tỏ đã mắc sỏi tiết niệu. Sỏi tiết niệu bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.

Mời xem thêm video được quan tâm:

8 thói quen giúp tránh xa sỏi thận.


DS. Nguyễn Quốc Hòa
Ý kiến của bạn