Thuốc điều trị rối loạn đường tiểu ở thai phụ

07-05-2015 16:57 | Dược
google news

SKĐS - Rối loạn đường tiểu (RLĐT): tiểu nhiều lần, tiểu đêm và tiểu không tự chủ là những chứng bệnh thai phụ thường mắc phải trong quá trình mang thai.

Đây là chứng bệnh thường gây ra tâm lý lo lắng, căng thẳng và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ.

Rối loạn đường tiểu (RLĐT): tiểu nhiều lần, tiểu đêm và tiểu không tự chủ là những chứng bệnh thai phụ thường mắc phải trong quá trình mang thai.

Tiểu nhiều lần: tình trạng thôi thúc đi tiểu thường xuyên, lắt nhắt, với lượng nước tiểu ít.

Tiểu đêm: tình trạng thôi thúc đi tiểu nhiều lần vào ban đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Tiểu không tự chủ: tình trạng không kiểm soát được sự bài tiết nước tiểu, nước tiểu tự động thoát ra mà không kìm giữ được!

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn đường tiểu ở thai phụ:

- Viêm bàng quang: bàng quang bị viêm do nhiễm khuẩn, kích thích sự bài tiết nước tiểu nhiều lần ở thai phụ.

- Sự thay đổi nội tiết tố ở thai phụ làm gia tăng lưu lượng máu tuần hoàn qua thận, khiến thận phải làm việc nhiều để bài tiết nước tiểu.

Các thuốc sử dụng trong điều trị rối loạn đường tiểu ở thai phụ phải tuân thủ tính an toàn cho cả mẹ và con

Các thuốc sử dụng trong điều trị rối loạn đường tiểu ở thai phụ phải tuân thủ tính an toàn cho cả mẹ và con

- Sự phát triển của thai nhi làm tử cung to ra, chèn ép lên bàng quang, ảnh hưởng đến hoạt động bài tiết nước tiểu của bàng quang.

- Thể tích máu tăng cao trong cơ thể thai phụ, làm tăng lượng nước tiểu bài tiết.

Ngoài ra, còn có các yếu tố thuận lợi gây ra RLĐT ở thai phụ như:

- Thai phụ ít vận động.

- Béo phì.

- Hút thuốc.

- Sử dụng các chất kích thích đi tiểu như: uống bia, rượu, trà, cà phê…

Thuốc điều trị

Các thuốc sử dụng trong điều trị RLĐT ở thai phụ phải có tính an toàn, không gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi.

Thuốc kháng sinh: nhóm thuốc kháng sinh beta-lactamin (ampicillin, amoxicillin, cephalosporin...) không gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi, nên thường được ưu tiên chọn lựa trong điều trị RLĐT do viêm bàng quang ở thai phụ.

Trong trường hợp vi khuẩn đề kháng với nhóm beta-lactamin, có thể sử dụng nhóm thuốc kháng sinh macrolid (erythromycin, clarithromycin, roxithromycin…) để thay thế.

Oxybutynin: thuốc kháng cholinergic có tác dụng thư giãn, chống co thắt bàng quang. Oxybutynin không gây ra tác hại cho thai phụ và thai nhi, nên được ưu tiên chọn lựa trong điều trị RLĐT ở thai phụ.

Cần lưu ý: oxybutynin có thể gây ra tác dụng phụ: khô miệng, táo bón, mờ mắt, đỏ bừng mặt…

Duloxetin: chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine, tác động lên hệ thần kinh trung ương gởi các tín hiệu kiểm soát cơ vòng bàng quang. Duloxetin chỉ được sử dụng thay thế khi oxybutynin không mang lại hiệu quả điều trị.

Cần lưu ý: duloxetin có thể gây ra tác dụng phụ buồn nôn, khô miệng, mệt mỏi…

Các thuốc sử dụng điều trị RLĐT ở thai phụ phải được sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc, để tránh gây ra các tác hại đến thai phụ và thai nhi.

Bên cạnh việc dùng thuốc, thai phụ cần phòng tránh các yếu tố thuận lợi gây ra RLĐT như tăng cường vận động, tránh béo phì, không hút thuốc, không sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê, bia, rượu… sẽ giúp mang lại hiệu quả cao trong điều trị!

DS. MAI XUÂN DŨNG

 


Ý kiến của bạn