Thuốc điều trị nước ăn chân mùa mưa bão

26-10-2021 07:18 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Nước ăn chân (nấm kẽ chân) thường gặp vào mùa mưa. Chân thường xuyên bị ẩm ướt là cơ hội cho nấm kẽ chân phát triển. Tuy bệnh không nguy hiểm nhưng làm cho người mắc rất ngứa và khó chịu. Vậy dùng thuốc nào để ứng phó với tình trạng này.

Với người lao động khi tiếp xúc với vùng nước bẩn hoặc đất cát bẩn, đi giày ủng lâu mà bị ẩm ướt… rất dễ bị ngứa, nứt, loét kẽ ngón chân. Đặc biệt là với các trường hợp không vệ sinh sạch sẽ, thì ngón chân tích tụ bụi bẩn càng tạo điều kiện cho nấm phát triển và gây bệnh nấm kẽ chân.

Điều trị nấm kẽ chân mùa mưa - Ảnh 1.

Nấm kẽ chân là bệnh thường gặp, đặc biệt trong mùa mưa bão.

Đây là bệnh ngoài da, do đó không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không điều trị sớm bệnh có thể gây biến chứng bội nhiễm hoặc trở thành mạn tính thì việc điều trị sẽ trở nên phức tạp hơn.

Điều trị nấm kẽ chân thế nào?

Trước tiên, người bệnh cần rửa sạch chân với nước sạch để loại bỏ các vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm trên da (nếu có). Nếu vùng da bị ngứa nhưng chưa trầy xước, loét thì nên rửa với xà phòng hoặc nước sát khuẩn. Ngâm chân với nước muối ấm.

Luôn giữ cho kẽ chân được khô, không để tiếp xúc với nước, đặc biệt là nước bẩn.

Không gãi hoặc tác động khiến chỗ ngứa bị xước, loét nhiều hơn.

Giữ cho vùng kẽ tay kẽ chân luôn được khô ráo, hạn chế dính nước, nhất là nước bẩn; hạn chế đi tất, giày kín… vì sẽ gây đổ mồ hôi, ẩm - là điều kiện cho nấm và viêm nhiễm phát triển.

Hạn chế gãi ngứa hay làm trầy xước vùng kẽ tay chân bị ngứa.

Nên tránh các yếu tố nghi ngờ (hoặc biết chắc chắn) là nguyên nhân gây ngứa.

Nếu sau khi sử dụng các biện pháp nêu trên mà tình tình trạng ngứa vẫn tăng, tổn thương kẽ chân nặng hơn thì cần đi khám tại chuyên khoa da liễu để bác sĩ hướng dẫn cách dùng thuốc điều trị phù hợp hơn. Không nên tự ý dùng thuốc khi chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh.

Điều trị nấm kẽ chân mùa mưa - Ảnh 3.

Nên tháo bỏ tất và để chân khô thoáng khi bị nấm kẽ chân.

Nấm kẽ chân điều trị cũng không phức tạp. Nếu mới bị viêm thì chỉ cần dùng thuốc bôi tại chỗ. Nếu bệnh nhân ngứa ngáy khó chịu quá thì có thể kết hợp với kháng histamin để chống ngứa. Trường hợp bệnh tiến triển nặng hơn thì cần dùng thuốc đường uống. Hoặc khi có bội nhiễm (nhiễm nấm kèm nhiễm vi khuẩn) thì phải dùng kết hợp với kháng sinh.

Thuốc điều trị nấm kẽ chân 

Thuốc kháng nấm

Đây là thuốc đầu tiên được dùng điều trị nấm kẽ chân. Thuốc bôi tại chỗ có thể dùng một trong các thuốc kháng nấm thông dụng: Clotrimazole, econazole, ketoconazole, miconazole. 

Đối với trường hợp có loét, trước khi bôi thuốc, không nên vệ sinh chân kỹ bằng cách ngâm rửa với nước muối hoặc vệ sinh bằng oxy già. Bởi khi vệ sinh kỹ bằng các dung dịch này sẽ khiến tổn thương loét sâu hơn, chảy nhiều nước hơn. Chỉ cần vệ sinh sạch tổn thương, dùng khăn mềm thấm nhẹ cho khô. Sau đó bôi thuốc một lượng vừa đủ, mỏng và đều trên bề mặt tổn thương, không bôi lan rộng ra ngoài, cũng không nên bôi quá nhiều có thể gây kích ứng, nóng rát gây khó chịu hơn. 

Điều trị nấm kẽ chân mùa mưa - Ảnh 4.

Chỉ nên thoa một lượng thuốc vừa đủ.

Khi dùng thuốc kháng nấm tại chỗ mà bệnh không khỏi và có xu hướng tiến triển thì cần dùng thuốc đường toàn thân. Có thể dùng một trong các thuốc griseofulvin hoặc fluconazole, itraconazole, ketoconazole.

Nhìn chung các thuốc điều trị nấm thường chuyển hóa qua gan, thải trừ qua thận, mật. Do đó thận trọng đối với người già, người suy gan, suy thận. Ngoài ra còn cần thận trọng với người đang phải dùng thuốc kháng acid trong điều trị dạ dày. Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú cũng không nên dùng thuốc kháng nấm đường toàn thân.

Các tác dụng phụ có thể gặp như: Mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, vàng da, vàng mắt, nước tiểu có màu vàng sậm… Khi gặp tình trạng này cần ngừng thuốc và báo cho bác sĩ ngay.

Thuốc kháng histamin chống ngứa

 Do viêm kẽ chân sẽ gây ngứa ngáy rất khó chịu, nên các thuốc kháng histamin (cả dạng bôi hoặc uống) có thể được chỉ định để giúp bệnh nhân giảm ngứa. 

Thuốc kháng histamin dạng kem bôi có thể giúp bệnh nhân giảm ngứa nhanh chóng, bao gồm: Diphenhydramine, phenergan... 

Trước khi bôi thuốc cần làm sạch vùng da tổn thương. Sau khi bôi thuốc, cần để thuốc khô trên da rồi mới bôi thuốc khác hoặc đi làm việc khác để thuốc không bị trôi và thấm sâu vào vùng da tổn thương.

Thuốc kháng histamin dạng uống có thể gây buồn ngủ, khô miệng. Do đó để tránh tác dụng phụ này, có thể sử dụng nhóm kháng histamin thế hệ 2 như: Claritin, benadryl, cyclizin.

Thuốc kháng khuẩn chống bội nhiễm vi khuẩn

Nếu có nhiễm khuẩn, người bệnh nên sát khuẩn bằng cách ngâm chân vào nước thuốc tím pha loãng với tỉ lệ 1/10.000 (1g thuốc tím pha trong 10 lít nước ấm). Ngâm chân 2-3 lần/ngày. Nếu không có thuốc tím, có thể ngâm với nước muối 0.9%. Sau đó bôi các thuốc sát khuẩn như milan, thuốc mỡ kháng sinh. Nếu tình trạng không đỡ và tiến triển nặng hơn, cần đi khám để bác sĩ kê đơn thuốc.

Các thuốc kháng sinh bôi nhiễm trùng da (neomycin, mupirocin, polymyxin, bacitracin) cần được sử dụng phù hợp với bệnh lý, giai đoạn cũng như mức độ tổn thương… Do đó bệnh nhân không nên tự ý mua kháng sinh về bôi khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Phó Thủ Tướng yêu cầu ngành du lịch khẩn trương khôi phục - SKĐS

ThS. Lan Anh
Ý kiến của bạn