Hà Nội

Thuốc điều trị mụn trứng cá

30-04-2015 08:32 | Dược
google news

SKĐS - Mụn trứng cá thường xuất hiện vào giai đoạn dậy thì, nhiều nhất ở lứa tuổi từ 17-19. Các em nam thường bị mụn trứng cá nhiều hơn các em nữ.

Mụn trứng cá không phải là một bệnh lý nghiêm trọng nhưng đôi khi gây ra những mặc cảm tâm lý nặng nề.

Nguyên nhân và triệu chứng

Nguyên nhân:

Sự gia tăng nội tiết tố nam androgen trong giai đoạn dậy thì, sẽ kích thích tuyến tiết bã nhờn tiết ra nhiều chất bã. Các chất bã này cùng với lớp da bị sừng hóa sẽ tạo thành một cái nút làm tắc nghẽn lỗ nang chân lông. Tùy thuộc vào mức độ tắc nghẽn của lỗ nang chân lông mà tạo ra nút đầu đen hay nút đầu trắng.

Sự ứ đọng các chất bã ở nang chân lông sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn propionebacterium acnes (sống nhờ vào các chất bã) phát triển và gây nên sự viêm nhiễm các nang chân lông, hình thành mụn trứng cá.

Có rất nhiều yếu tố thuận lợi để gây ra mụn trứng cá:

- Da có nhiều chất nhờn.

- Môi trường ô nhiễm nhiều khói, bụi hay nhiệt độ tăng quá cao hay quá thấp.

- Thực phẩm: những thực phẩm chiên nhiều dầu mỡ, pizza... kích thích nổi nhiều mụn.

- Stress.

- Phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt hay đang mang thai.

- Một số loại thuốc làm gia tăng hay gây ra mụn trứng cá như: nhóm thuốc corticosteroid, nhóm thuốc steroid đồng hóa (steroid anabolic)…

Triệu chứng:

Mụn trứng cá là những nốt nhỏ, đỏ, có chấm đen ở giữa hay những mụn to chứa nhiều chất bã xuất hiện ở mặt, cổ, vai, lưng…

Mụn trứng cá thường tự khỏi sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp viêm nhiễm nặng, mụn trứng cá có mủ nằm sâu ở nang chân lông, rất khó điều trị và khi lành sẽ để lại sẹo.

Thuốc điều trị mụn trứng cá

Sau đây là các thuốc điều trị mụn trứng cá thường được sử dụng:

Benzoyl peroxide: được sử dụng ở dạng gel bôi ngoài da (với các nồng độ 2,5%, 5%,10%)... Thuốc này tác động trên những yếu tố:

- Làm giảm sự tiết các chất bã, là nguyên nhân làm tắc nghẽn nang chân lông.

- Ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn probionebacterium acnes gây viêm nhiễm nang chân lông.

Khi sử dụng benzoyl peroxide, cần lưu ý:

- Tránh bôi thuốc trực tiếp vào mắt, mũi, miệng và vết thương ngoài da.

- Tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và tia tử ngoại.

Các thuốc kháng sinh: Erythromycin, clindamycin, tetracycline, minocycline là những kháng sinh thường được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá ở dạng thuốc viên hay thuốc dùng ngoài. Các thuốc này tác động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn gây ra mụn trứng cá.

Cần lưu ý không được sử dụng tetracycline cho phụ nữ có thai hay đang cho con bú và trẻ em dưới 12 tuổi.

Vitamin và nhóm thuốc retinoid: vitamin A và nhóm thuốc retinoid như: tretinoin, isotretinoin… do có tác dụng làm giảm tiết bã và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn probionebacterum acnes, nên thường được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá.

Nhóm thuốc retinoid có thể dùng ở dạng thuốc dùng ngoài hay dạng thuốc viên. Khi sử dụng nhóm thuốc này cần lưu ý:

- Không dùng cho phụ nữ có thai hay cho con bú.

- Không dùng cho người suy gan, thận.

- Tránh bôi thuốc lên mắt, mũi, miệng.

Thuốc nội tiết tố (hoóc-môn): trong thành phần các viên thuốc ngừa thai có chứa estrogen (nội tiết tố nữ) có tác dụng ức chế androgen (nội tiết tố nam) nên làm giảm sự tiết các chất bã. Vì vậy, viên thuốc ngừa thai còn được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá.

Cần lưu ý: việc sử dụng viên thuốc ngừa thai có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, nên cần phải có sự chỉ định và theo dõi của thầy thuốc.

Bên cạnh việc dùng thuốc, cần phòng tránh các yếu tố thuận lợi làm gia tăng mụn trứng cá như: giữ gìn vệ sinh da mặt, hạn chế sử dụng mỹ phẩm, tránh căng thẳng stress, tránh sử dụng các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ; ăn nhiều rau quả và uống nhiều nước…

DS. MAI XUÂN DŨNG

 


Ý kiến của bạn