Thuốc điều trị lupus ban đỏ

14-12-2024 20:45 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Lupus ban đỏ hệ thống có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Điều trị bệnh là cách tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nặng.

Lupus ban đỏ: Căn bệnh chưa tìm được nguyên nhân và thuốc đặc trịLupus ban đỏ: Căn bệnh chưa tìm được nguyên nhân và thuốc đặc trị

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn ảnh hưởng đến hơn 5 triệu người trên toàn thế giới. Mỗi năm có thêm 16.000 ca mắc mới được phát hiện. Đây là bệnh nguy hiểm tuy nhiên chưa nhiều người biết đến.

Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) là một bệnh tự miễn, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh có diễn tiến phức tạp theo từng đợt, ngày càng nặng hơn và gây tổn thương các bộ phận quan trọng như thận, tim mạch, thần kinh, hô hấp… thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

1. Các thuốc điều trị lupus ban đỏ hệ thống

Lupus có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau nên có nhiều loại thuốc khác nhau được dùng điều trị bệnh này. Tùy vào từng trường hợp bác sĩ sẽ lựa chọn sự kết hợp thuốc phù hợp:

1. 1. Paracetamol

Tác dụng: Thuốc giúp giảm đau nhẹ ở một số trường hợp lupus, nhưng không giúp kiểm soát được hoạt động của bệnh lupus.

Tác dụng phụ: Có thể gây tổn thương tế bào gan nếu người bệnh dùng quá liều hoặc kéo dài.

1. 2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Tác dụng: NSAID được sử dụng để giảm viêm, đau và sốt liên quan đến bệnh lupus ban đỏ, có tác dụng làm giảm các chất trung gian hóa học gây viêm trong cơ thể. Các thuốc bao gồm ibuprofen, aspirin, diclofenac, celecoxib, etoricoxib...

Tác dụng phụ thường xảy ra ở đường tiêu hóa (đặc biệt là dạ dày và thực quản) gây chậm tiêu, viêm loét dạ dày, tá tràng, thậm chí xuất huyết tiêu hóa. Để giảm thiểu tác dụng phụ, cần dùng NSAID đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ; có thể dùng thuốc bảo vệ dạ dày để giảm các tác dụng phụ. Ngoài ra, cần tránh dùng thuốc cho bệnh nhân viêm thận lupus. NSAID, đặc biệt là ở liều cao, làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

Thuốc điều trị lupus ban đỏ- Ảnh 2.

Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn mạn tính gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể.

1. 3. Hydroxychloroquine và các thuốc chống sốt rét khác

Tác dụng: Các loại thuốc chống sốt rét như hydroxychloroquine giúp kiểm soát hoạt động của hệ thống miễn dịch ở người bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Thuốc giúp giảm đau và viêm khớp, hỗ trợ điều trị các tổn thương da do lupus, ngăn ngừa đợt cấp của bệnh, giúp giảm liều các loại thuốc điều trị lupus khác.

Tác dụng phụ: Hầu hết bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống đều dùng hydroxychloroquine kéo dài. Thuốc có thể gây phát ban, tiêu chảy, đau dạ dày. Những tác dụng phụ này thường giảm dần và hết khi tiếp tục dùng thuốc. Với tích lũy liều đủ lớn, thuốc có thể gây tổn thương mắt, do đó, người bệnh sử dụng hydroxychloroquine kéo dài nên kiểm tra mắt hàng năm.

1. 4. Thuốc corticosteroid

Tác dụng: Thuốc corticosteroid có tác dụng ức chế phản ứng viêm là nguồn gốc gây ra các triệu chứng của bệnh bằng cách làm giảm hoạt động của các tế bào bạch cầu hoạt động quá mức. Thuốc được dùng để điều trị các trường hợp bệnh nặng không đáp ứng với hydroxychloroquine và NSAID.

Tác dụng phụ bao gồm: Phù, tăng cân, tăng đường huyết và các vấn đề về giấc ngủ. Nếu dùng trong thời gian dài, thuốc gây rạn da, dễ bị bầm tím, tăng cân do tăng cảm giác thèm ăn và giảm quá trình trao đổi chất, viêm loét dạ dày tá tràng, loãng xương, mọc lông, tăng nguy cơ nhiễm trùng, đục thủy tinh thể…

Lưu ý: Tùy theo từng trường hợp mà dùng thuốc ở dạng viên uống hoặc tiêm. Tất cả các tác dụng phụ của corticoid đều liên quan đến liều dùng, do đó, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.

1. 5. Thuốc ức chế miễn dịch

Tác dụng: Các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống được kích hoạt bởi hoạt động bất thường của hệ thống miễn dịch, giúp giảm các triệu chứng của bệnh bằng cách ngăn hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh của cơ thể. Thuốc được dùng cho các trường hợp bệnh có tổn thương nội tạng nặng ở thận, não, tim, phổi… không đáp ứng với corticosteroid.

Các thuốc bao gồm: Azathioprine, cyclophosphamide, methotrexate...

Tác dụng phụ: Mỗi loại thuốc có tác dụng phụ riêng, hầu hết đều có thể gây suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, suy tủy xương, giảm các tế bào máu...

1.6. Kháng thể đơn dòng

Tác dụng: Kháng thể đơn dòng là một loại protein được tạo ra trong phòng thí nghiệm, được phát triển để tìm và gắn vào chỉ một loại chất trong cơ thể. Có nhiều loại kháng thể đơn dòng và chúng có thể được sử dụng để điều trị một số bệnh. Có hai loại kháng thể đơn dòng được chấp thuận để điều trị bệnh lupus là belimumab và anifrolumab-fnia, trong đó, belimumab được chấp thuận để điều trị viêm thận lupus ở người lớn và trẻ em trên 5 tuổi.

Tác dụng phụ: Mỗi loại kháng thể đơn dòng có thể có các tác dụng phụ khác nhau, có thể bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, sốt, khó ngủ, đau ở tay - chân, đau nửa đầu, trầm cảm, tăng nguy cơ nhiễm trùng…

Thuốc điều trị lupus ban đỏ- Ảnh 3.

Cần trao đổi với bác sĩ về các triệu chứng bất thường khi đang điều trị lupus ban đỏ.

2. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị lupus ban đỏ hệ thống

Để đảm bảo việc dùng thuốc điều trị lupus ban đỏ hệ thống hiệu quả và an toàn, cần thực hiện:

- Dùng thuốc theo chỉ định, đúng liều lượng và đúng thời điểm trong ngày. Tuyệt đối không tăng/giảm/ngừng thuốc mà chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Cần trao đổi với bác sĩ về các thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng, bởi có thể gây ra tương tác nguy hiểm.

- Một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống không an toàn khi đang mang thai hoặc cho con bú. Nếu đang mang thai hoặc chuẩn bị mang thai, cần trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn điều trị an toàn.

- Trong thời gian dùng thuốc nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo với bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.

- Tái khám đúng lịch.

Ngoài thuốc, có thể kiểm soát bệnh lupus bằng cách:

- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bôi kem chống nắng khi đi ra ngoài.

- Tập thể dục thường xuyên để giúp ngủ ngon, cải thiện tâm trạng và sức khỏe tim mạch.

- Tiêm vaccine phòng ngừa viêm phổi và cúm để bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.

- Có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu, bỏ thuốc lá/không hút thuốc.

- Quản lý căng thẳng, nghỉ ngơi để giảm mệt mỏi, một triệu chứng phổ biến của bệnh lupus.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cẩn trọng với 5 bệnh mùa Đông - Xuân ai cũng có thể mắc phải | SKĐS


BS. Nguyễn Trường
Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn