Thuốc điều trị lưỡi bản đồ

10-12-2024 06:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Lưỡi bản đồ là tình trạng bề mặt lưỡi xuất hiện các mảng đỏ không đều trông giống như bản đồ. Ở một số người, các mảng đỏ có thể gây viêm, đau hoặc nhạy cảm với một số loại thực phẩm và đồ uống.

1. Lưỡi bản đồ là gì?

Lưỡi bản đồ còn được gọi là viêm lưỡi di trú lành tính, là một tình trạng viêm lành tính không rõ nguyên nhân, đặc trưng bởi các mảng ban đỏ đa ổ, không đều, giống như vết loét với viền trắng trên bề mặt lưỡi hoặc rìa bên.

Một số nghiên cứu cho thấy lưỡi bản đồ có thể là do một số yếu tố bệnh lý như:

  • Nhiễm trùng
  • Dị ứng
  • Thiếu hụt dinh dưỡng
  • Tình trạng tự miễn
  • Bệnh vẩy nến

Thiếu hụt vitamin cũng được coi là nguyên nhân tiềm ẩn, ví dụ, thiếu hụt vitamin D, B, B6, B12, axit folic, sắt và kẽm. Những thay đổi về hormone, trong đó có sử dụng thuốc tránh thai đường uống, các yếu tố tâm lý, như căng thẳng, lo lắng được cho là những yếu tố góp phần gây ra lưỡi bản đồ.

Thuốc điều trị lưỡi bản đồ- Ảnh 1.

Lưỡi bản đồ có thể gây viêm, đau hoặc nhạy cảm với một số loại thực phẩm và đồ uống.

2. Thuốc nào dùng điều trị lưỡi bản đồ?

Trong hầu hết các trường hợp, lưỡi bản đồ không có triệu chứng, vì đây là tình trạng lành tính nên không cần điều trị. Trong trường hợp có triệu chứng, như đau và/hoặc cảm giác nóng rát, có thể cân nhắc sử dụng:

2.1 Nước súc miệng

Nước súc miệng kháng histamin là dung dịch dùng để rửa khoang miệng. Cơ chế hoạt động của nước súc miệng này là ngăn chặn tác động của histamin được sản xuất từ những tế bào bạch cầu khi tiếp xúc với những dị nguyên từ môi trường bên ngoài tác động. Nước súc miệng nhìn chung là an toàn.

Tác dụng phụ phụ thuộc vào thành phần của sản phẩm, có thể bao gồm: Kích ứng tại chỗ, phản ứng dị ứng hoặc quá mẫn...

2.2 Thuốc bôi tại chỗ

Trường hợp ngứa rát, châm chích khó chịu quá mức có thể bôi thuốc trực tiếp lên lưỡi như sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc thuốc corticoid tại chỗ theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc có tác dụng chống viêm, chống tăng sinh, co mạch giúp làm giảm triệu chứng. Khi được sử dụng đúng cách, thuốc thường an toàn, hiếm khi gây ra các tác dụng phụ.

2.3 Thuốc đường uống

- Thuốc kháng sinh: Nếu có bội nhiễm cần dùng kháng sinh phổ rộng đường uống như cephalosporine thế hệ 2, 3, trong 7-10 ngày. Cephalosporin có độc tính thấp và nói chung là an toàn. Các tác dụng phụ thường gặp nhất bao gồm buồn nôn, nôn, chán ăn và đau bụng. Tuy nhiên chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.

- Thuốc chống nấm: Nếu có bội nhiễm nấm có thể dùng kháng nấm đường uống bằng itraconazole, uống trong 2 tuần.

Tác dụng phụ thường gặp của thuốc chống nấm itraconazole là buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy và nhức đầu. Một số người dùng có thể gặp phát ban hoặc ngứa da... Những tác dụng phụ này thường nhẹ và tự biến mất sau một thời gian.

2.4 Bổ sung vitamin B nếu bị thiếu hụt

Trong một số trường hợp, thiếu hụt vitamin B có thể gây ra lưỡi bản đồ. Trường hụt đã từng bị thiếu hụt vitamin B cần tăng lượng vitamin B thông qua chế độ ăn uống hoặc dùng viên bổ sung vitamin. Thực phẩm giàu vitamin B bao gồm trái cây, đậu Hà Lan, trứng, ngũ cốc nguyên hạt, sữa và cá.

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thực phẩm bổ sung vitamin B để đảm bảo chúng không tương tác với bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng.

Thuốc điều trị lưỡi bản đồ- Ảnh 2.

Cần tránh các thực phẩm gây kích ứng.

3. Những điều người bệnh cần lưu ý

- Duy trì vệ sinh răng miệng: Đánh răng và lưỡi thường xuyên để giữ cho miệng sạch sẽ; sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm tránh gây kích ứng lưỡi.

- Tránh thực phẩm gây kích ứng: Xác định và tránh những thực phẩm có thể gây khó chịu, như thực phẩm cay, có tính axit hoặc có kết cấu thô, cứng.

- Uống đủ nước: Uống nhiều nước để giữ ẩm cho miệng, giúp giảm kích ứng.

- Sử dụng các biện pháp làm dịu: Một số người thấy dễ chịu hơn khi sử dụng các biện pháp tự nhiên như lô hội hoặc mật ong, nhưng cần phải thử nghiệm để xem có phản ứng nào không.

- Quản lý căng thẳng: Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng, vì vậy hãy cân nhắc các kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền, yoga hoặc các bài tập thở sâu.

- Kiểm tra răng định kỳ: Đi khám răng định kỳ để theo dõi sức khỏe răng miệng và trao đổi bất kỳ mối lo ngại nào với nha sĩ.

- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Nếu bạn cảm thấy khó chịu nghiêm trọng hoặc có những thay đổi về triệu chứng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nha sĩ để được đánh giá thêm và tư vấn cụ thể.

Phân biệt viêm lưỡi bản đồ và ung thư lưỡi?Phân biệt viêm lưỡi bản đồ và ung thư lưỡi?

SKĐS - Tôi bị viêm lưỡi bản đồ nhiều năm rồi. Tôi đi khám bác sĩ nói không điều trị tận gốc được. Mỗi khi ăn, tôi rất đau rát.

Mời xem thêm video được quan tâm:

8 loại thực phẩm là kẻ thù của răng miệng | SKĐS


DS. Trần Phương Duy
Ý kiến của bạn