Nguyên nhân:
Áp lực do tỳ đè lâu ngày lên các vùng da gây tổn thương, làm giảm lưu lượng máu ảnh hưởng đến sự cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho các tế bào da, khiến các tế bào da bị chết và các mô dưới da bị hoại tử gây loét.
Có nhiều yếu tố làm gia tăng nguy cơ loét do tỳ đè:
- Sức khỏe suy kiệt làm hạn chế cử động.
- Bị tê liệt do tàn tật, tai biến, chấn thương…
- Tuổi: với người già >70 tuổi, da trở nên mong manh, kém đàn hồi, sức đề kháng của da kém nên có nguy cơ bị loét cao.
- Tiêu tiểu không tự chủ.
- Chế độ dinh dưỡng kém.
- Hút thuốc…
Triệu chứng:
Quá trình loét thường tiến triển theo các giai đoạn sau:
Giai đoạn I: da chưa bị tổn thương nhiều, chỉ xuất hiện trên da một vùng đỏ sung huyết. Đây là một dấu hiệu cho thấy một vết loét đang bắt đầu phát triển.
Giai đoạn II: tổn thương ở vùng biểu bì và hạ bì của da, xuất hiện các mụn nước ngoài da, đỏ và đau. Vết loét giống như vết thương hở nhỏ.
Giai đoạn III: tổn thương suốt chiều dày của da. Các mô dưới da cũng bị ảnh hưởng. Vết loét giống như vết thương sâu.
Giai đoạn IV: da bị tổn thương nghiêm trọng và các mô xung quanh bắt đầu chết (hoại tử mô). Các bắp thịt hoặc xương nằm bên dưới cũng bị tổn thương.
Da bị tổn thương nghiêm trọng và các mô xung quanh bắt đầu chết
Biến chứng:
Nếu không được điều trị kịp thời, loét do tỳ đè có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, viêm mô tế bào, nhiễm trùng xương khớp….
Thuốc điều trị loét do tỳ đè
Các thuốc sử dụng trong điều trị phải dựa trên mức độ tổn thương mà loét do tỳ đè gây ra:
Thuốc giảm đau: trong trường hợp nhẹ, có thể giảm đau với paracetamol hay các thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID) như: ibuprofen, diclophenac…
Trong trường hợp nặng, có thể giảm đau với các thuốc giảm đau opioid như: codein, tramadol….
Thuốc sát trùng ngoài da: các dung dịch thuốc sát trùng như: oxy già, povidone-iodine, cetrimide, chlor hexidine… được thoa trực tiếp lên vùng da bị loét giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
Thuốc kháng sinh: thuốc kháng sinh được sử dụng để ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng và giúp mau lành vết thương do loét gây ra.
Tùy theo vị trí tác dụng, thuốc kháng sinh được chia làm 2 loại:
Tác dụng toàn thân: thuốc kháng sinh sử dụng qua đường uống hay qua tiêm truyền tĩnh mạch. Các nhóm thuốc kháng sinh thường được sử dụng:
- Nhóm beta - lactamin (penicillin, ampicillin, amoxicillin, cephalosporin...).
- Nhóm aminoglycosid (streptomycin, kanamycin...).
- Nhóm quinolon (offloxacin, ciprofloxacin...).
Tác dụng tại chỗ: thuốc kháng sinh sử dụng qua dạng thuốc dùng ngoài (thuốc mỡ, kem…) có chứa neomycin, polymycin, sulfadiazine bạc…).
Thầy thuốc sẽ chọn lựa loại thuốc kháng sinh và phương pháp điều trị thích hợp (dùng riêng lẻ hay phối hợp kháng sinh) tùy theo mức độ loét và sự đáp ứng điều trị của thuốc.
Cần lưu ý:
Thuốc kháng sinh có thể gây ra các tác dụng phụ với mức độ nhẹ như: dị ứng da, buồn nôn, tiêu chảy… hoặc thậm chí nghiêm trọng như sốc phản vệ, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Việc sử dụng thuốc kháng sinh trong một thời gian dài có thể gây ra rối loạn cân bằng tạp khuẩn đường ruột và nhiễm nấm candida ở da, miệng, ruột…
Dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch như: lactat ringer giúp bù muối cho cơ thể, để ngăn ngừa biến chứng sốc (mất nước, rối loạn điện giải…) do loét gây ra.
Bên cạnh việc dùng thuốc, cần kết hợp các phương pháp giúp phòng ngừa loét như giảm áp lực lên da bằng cách thay đổi vị trí của người bệnh sau 1 - 2 giờ hay dùng các túi đệm hơi, khí… giữ vệ sinh da khô ráo sạch sẽ, không hút thuốc, tăng cường chế độ dinh dưỡng… sẽ giúp mang lại hiệu quả cao trong điều trị loét do tỳ đè.
DS. MAI XUÂN DŨNG