Loãng xương là gì?
Loãng xương là một bệnh chuyển hóa của xương dẫn đến giảm mật độ khoáng của xương, làm cho xương yếu và dễ gãy. Loãng xương được gọi là bệnh "thầm lặng" vì thường không có triệu chứng cho đến khi xương bị gãy.
Gãy xương do loãng xương thường xảy ra nhất ở hông, cổ tay hoặc cột sống. Gãy cột sống gây ra tư thế khom lưng, mất chiều cao và đau lưng mãn tính. Gãy xương hông và/hoặc đốt sống do loãng xương là một mối quan tâm lớn về sức khỏe, đặc biệt là đối với người cao tuổi.
Một lối sống ít vận động, ít hoạt động ngoài trời và lượng canxi thấp trong chế độ ăn uống là một số trong những yếu tố góp phần gây loãng xương.
Điều trị loãng xương như thế nào?
Chẩn đoán loãng xương dựa trên kết quả chụp mật độ khoáng xương để từ đó đưa ra quyết định điều trị và dựa trên một số yếu tố bao gồm tuổi, giới tính, nguy cơ gãy xương và tiền sử chấn thương trước đó.
Trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc, "điều trị lối sống" bằng cách thay đổi lối sống là rất quan trọng. Tập thể dục thường xuyên với các bài tập phù hợp, chế độ ăn uống lành mạnh với đủ canxi và vitamin D, hạn chế uống rượu và bỏ hút thuốc có thể giúp ngăn ngừa loãng xương.
Điều trị bằng thuốc thuốc chống loãng xương không chỉ làm tăng khối lượng xương mà còn làm giảm đáng kể nguy cơ gãy xương. Tuy nhiên các phương pháp điều trị bằng thuốc kê đơn phải được sử dụng nghiêm ngặt dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Các thuốc điều trị loãng xương
Các loại thuốc chống loãng xương đường uống thường được sử dụng bao gồm:
Chất bổ sung canxi và vitamin D: Các thuốc bổ sung này dùng khi chế độ ăn không cung cấp đủ.
+ Canxi: Bổ sung 500 – 1.500mg hàng ngày.
+ Vitamin D: Bổ sung 800 - 1.000 UI/ngày.
Các thuốc chống hủy xương: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị loãng xương, dựa trên cân nhắc về tuổi tác, giới tính, sức khỏe tổng quát và lượng xương đã mất. Các thuốc bao gồm:
+ Bisphosphonat: Vào năm 1995, bisphosphonat được FDA (Cơ quan Quản lý Thực – Dược phẩm Hoa Kỳ) phê duyệt để điều trị phòng ngừa loãng xương. Loại thuốc này hoạt động bằng cách làm chậm quá trình mất xương, có thể làm giảm nguy cơ gãy xương. Thời gian điều trị thuốc liên tục từ 3 đến tối đa là 5 năm. Hiện bisphosphonat là thuốc hàng đầu về điều trị và phòng chống loãng xương và gãy xương cho phụ nữ sau mãn kinh; người già; người phải dùng lâu dài thuốc kháng viêm glucocorticoide…
+ Calcitonin: Thuốc này được làm từ một loại hormone từ tuyến giáp và được chấp thuận để điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh, những người không thể dùng hoặc không dung nạp được các loại thuốc điều trị loãng xương khác.
Thuốc được chỉ định ngắn ngày (2 – 4 tuần) trong trường hợp mới gãy xương, đặc biệt khi có kèm triệu chứng đau. Không dùng dài ngày trong điều trị loãng xương, khi bệnh nhân giảm đau, điều trị tiếp bằng nhóm Bisphosphonat (uống hoặc truyền tĩnh mạch).
+ Estrogen chủ vận/đối kháng: Thuốc chủ vận/đối kháng estrogen, còn được gọi là chất điều biến thụ thể estrogen chọn lọc (SERM) và phức hợp estrogen chọn lọc mô (TSEC), đều được chấp thuận để điều trị và ngăn ngừa loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh. Chúng không phải là estrogen, nhưng chúng có tác dụng giống như estrogen trên một số mô và tác dụng ngăn chặn estrogen trên các mô khác, giúp cải thiện mật độ xương, giảm nguy cơ gãy xương.
+ Estrogen và liệu pháp hormone: Estrogen và estrogen kết hợp progestin (liệu pháp hormone) được chấp thuận để ngăn ngừa loãng xương và gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh. Do các tác dụng phụ tiềm ẩn, khuyến cáo phụ nữ nên sử dụng liệu pháp hormone ở liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất, và khi các loại thuốc khác không giúp ích. Cần xem xét cẩn thận các rủi ro và lợi ích của liệu pháp estrogen và hormone trong điều trị loãng xương.
+ Các nhóm thuốc khác có thể phối hợp trong những trường hợp cần thiết.
Vì là thuốc nên cần phải có sự tư vấn của bác sĩ khi sử dụng.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị loãng xương
Giống như các thuốc khác, thuốc loãng xương cũng có các tác dụng phụ.
- Với bisphosphonat, các tác dụng phụ có thể gặp là buồn nôn, đau bụng, đầy hơi, đau cơ xương khớp, đau đầu. Nên uống thuốc khi bụng đói (thường là vào buổi sáng) ở tư thế thẳng đứng với một cốc nước đầy.
Tránh thức ăn và duy trì tư thế thẳng đứng ít nhất 30 phút sau khi dùng thuốc. Báo cáo bất kỳ cơn đau đùi, hông hoặc háng nào trong quá trình điều trị. Kiểm tra sức khỏe răng miệng trước khi bắt đầu dùng bisphosphonat vì thuốc có thể ảnh hưởng đến xương hàm.
Thuốc có chống chỉ định với người bệnh hạ canxi máu, các bệnh dạ dày và các bất thường ở thực quản (như trào ngược, viêm thực quản, hẹp thực quản hoặc chứng achalasia); và không nên được sử dụng với tiền sử quá mẫn cảm với thuốc. Thận trọng khi dùng cho người suy thận.
- Với calcitonin tác dụng phụ có thể có là tăng canxi máu, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, phát ban, nhiễm trùng đường tiết niệu. Chống chỉ định với những bệnh nhân mắc các bệnh về nồng độ canxi trong máu cao (tăng canxi huyết), có chứng vôi hóa di căn, nhiễm độc vitamin D; hoặc quá mẫn cảm. Trong thời gian điều trị calcitonin, nên ngừng tất cả các chất bổ sung vitamin D khác (bao gồm cả thực phẩm tăng cường vitamin D).
Trong thời gian dùng thuốc nên uống nước đầy đủ và tránh mất nước.
Thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn cũng đang dùng các loại thuốc khác như thuốc lợi tiểu thiazide, thuốc kháng axit...
Thuốc chống loãng xương nên để ở nơi khô ráo thoáng mát. Trừ khi được ghi rõ trên nhãn, không nên bảo quản thuốc trong tủ lạnh. Hơn nữa, các loại thuốc chống loãng xương cần được cất giữ đúng cách ở những nơi trẻ em không thể tiếp cận để tránh trẻ vô tình nuốt phải.
Làm gì để phòng ngừa loãng xương?
Duy trì lối sống lành mạnh. Không hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng tốc độ mất xương và khả năng gãy xương.
Tránh uống quá nhiều rượu: Uống quá nhiều rượu có thể làm giảm quá trình hình thành xương và tăng nguy cơ té ngã.
Luyện tập thể dục đều đặn: Người lớn từ 19 đến 64 tuổi nên tập ít nhất 150 phút (2 giờ 30 phút) hoạt động thể dục cường độ trung bình mỗi tuần, chẳng hạn như đạp xe hoặc đi bộ nhanh. Các bài tập thể dục chịu được trọng lượng và các bài tập tăng sức đề kháng rất hữu ích để cải thiện mật độ xương và ngăn ngừa loãng xương.
Chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh với đầy đủ canxi và vitamin D. Canxi rất quan trọng để duy trì xương chắc khỏe. Các loại thực phẩm giàu canxi khác bao gồm rau lá xanh, trái cây sấy khô, đậu phụ và sữa chua
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa té ngã: Đi giày đế thấp có đế chống trượt; Kiểm tra nhà cửa, hạn chế các chướng ngại vật có thể khiến té ngã, như dây điện, thảm khu vực và bề mặt trơn trượt; Giữ các phòng sáng sủa để tránh bị ngã…
Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời: Ánh nắng mặt trời kích thích sản xuất vitamin D, giúp cơ thể hấp thụ canxi.
Sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến nguy cơ mất xương. Những loại thuốc này bao gồm corticosteroid, như prednisone; thuốc làm loãng máu heparin; thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI); và chất ức chế aromatase, được sử dụng để điều trị ung thư vú.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Từ 10/10, bay nội địa phải tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19.