Thuốc điều trị loãng xương có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

30-09-2021 17:05 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa những người dùng một loại thuốc điều trị loãng xương phổ biến là alendronate và giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường loại 2.

Thuốc điều trị loãng xương có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường - Ảnh 1.

Nghiên cứu cũng cho thấy một người dùng alendronate càng lâu thì càng ít phải đối mặt với nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường.

Một nghiên cứu mới phân tích hồ sơ sức khỏe của hàng trăm nghìn người ở Đan Mạch đã xác định được mối liên hệ giữa tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường loại 2 thấp ở bệnh nhân loãng xương được điều trị bằng alendronate. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng loại thuốc này có thể ngăn chặn sự phát triển của kháng insulin.

Từ lâu, các bác sĩ đã nhận ra mối liên hệ giữa loãng xương và bệnh đái tháo đường. Cả bệnh nhân đái tháo đường loại 1 và loại 2 được biết là có nguy cơ cao bị gãy xương do loãng xương, nhưng chính xác tại sao lại xảy ra trường hợp này thì vẫn chưa rõ ràng.

TS. Rikke Viggers, Bệnh viện Đại học Aalborg của Đan Mạch bắt đầu điều tra mối liên hệ giữa hai căn bệnh này bằng cách xem xét tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở những người được điều trị tích cực cho bệnh loãng xương. Lấy cảm hứng từ các nghiên cứu trên động vật cho thấy khả năng điều tiết glucose có thể được cải thiện nhờ một số loại thuốc điều trị loãng xương, TS. Rikke Viggers và các đồng nghiệp của mình đã phân tích hồ sơ sức khỏe của hơn nửa triệu người.

Nghiên cứu tập trung vào một loại thuốc gọi là alendronate, thuộc nhóm bisphosphonates. Những loại thuốc này được sử dụng để điều trị loãng xương do làm chậm quá trình phân hủy mô xương.

Sau khi tính toán một số yếu tố gây nhiễu - bao gồm béo phì, thu nhập và hút thuốc - các nhà nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường loại 2 thấp hơn 34% ở những người đã dùng alendronate so với những người không dùng. 

Nghiên cứu cũng cho thấy một người dùng alendronate càng lâu thì càng ít phải đối mặt với nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường loại 2. Ước tính nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thấp hơn 53% so với những người không dùng thuốc.

Những phát hiện này mới này được trình bày tại Hội nghị thường niên lần thứ 57 gần đây của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh tiểu đường Châu Âu. 

Trước đó, một nghiên cứu thuần tập dựa trên dân số lớn được công bố vào năm 2015 đã theo dõi tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 ở Đài Loan (Trung Quốc), trong khi một cuộc điều tra khác của Đan Mạch từ một thập kỷ trước cũng tiến hành một cuộc điều tra tương tự. Cả hai nghiên cứu đều tìm thấy mối liên quan giữa tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường thấp hơn với việc sử dụng alendronate đối với bệnh loãng xương.

Cơ chế cơ bản giải thích cách alendronate có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa glucose hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường vẫn chưa rõ ràng. Một giả thuyết cho thấy alendronate có thể ngăn chặn sự phát triển của kháng insulin bằng cách giảm mức độ căng thẳng oxy hóa và viêm mức độ thấp. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh giả thuyết này.

Đái tháo đường loại 2 là một tình trạng kéo dài suốt đời, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như đột quỵ, tim mạch, mù lòa và cắt cụt chi...

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Tư liệu đặc biệt- Theo chân bác sĩ cấp cứu ca F0 nguy kịch tại nhà, cấp tốc chuyển về bệnh viện dã chiến


Lê Minh
Ý kiến của bạn