Thuốc điều trị lao màng phổi

05-12-2024 11:02 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Bệnh lao màng phổi không quá nguy hiểm, nhưng vẫn có thể để lại những biến chứng nặng nề như tràn dịch, tràn khí màng phổi... Do đó, cần phát hiện kịp thời và có cách điều trị bệnh phù hợp càng sớm càng tốt.

Lao màng phổi chủ yếu là do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Những vi khuẩn này phát sinh thành bệnh nhờ các điều kiện thuận lợi như ở trẻ không được tiêm vaccine phòng tránh lao màng phổi BCG, hay trẻ bị lao sơ nhiễm nhưng phát hiện muộn và điều trị không đúng cách...

Ngoài ra, người tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với người bị lao phổi, bị chấn thương lồng ngực hoặc nhiễm lạnh đột ngột, mắc một số bệnh gây suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS... cũng rất dễ mắc lao.

Biểu hiện chủ yếu của lao màng phổi là tràn dịch màng phổi. Bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng phác đồ điều trị dài ngày, nhưng có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó, cần phát hiện kịp thời và có cách điều trị bệnh phù hợp càng sớm càng tốt.

1. Các thuốc điều trị lao màng phổi

Sau khi chẩn đoán bệnh lao màng phổi dựa bước tiếp theo là bắt đầu dùng thuốc chống lao.

1.1 Thuốc điều trị chống lao

Thuốc chống lao là trụ cột điều trị lao màng phổi. Các loại thuốc chống lao được chỉ định là isoniazid, rifampicin, ethambutol và pyrazinamid. Kết hợp bốn loại thuốc này được dùng trong 2 tháng, sau đó là 4 tháng isoniazid, rifampicin và ethambutol.

Điều trị lao màng phổi ở bệnh nhân HIV vẫn giống như ở bệnh nhân không nhiễm HIV.

Thuốc điều trị lao màng phổi- Ảnh 1.

Biểu hiện chủ yếu của lao màng phổi là tràn dịch màng phổi.

Nói chung, các bác sĩ sẽ điều chỉnh sự kết hợp thuốc, thời gian điều trị và liều lượng thuốc để đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng bệnh nhân. Các yếu tố cần xem xét bao gồm tình trạng bệnh lao, tuổi tác (ví dụ, trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú), sức khỏe tổng thể (ví dụ, người nhiễm HIV, người có bệnh thận hoặc gan ), dự kiến diễn biến của tình trạng kháng thuốc lao, kết quả xét nghiệm y tế (như xét nghiệm độ nhạy cảm với thuốc lao)...

Đáp ứng với điều trị được chỉ định bằng việc hết sốt, giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của ho, giảm mức độ nghiêm trọng của đau ngực, cải thiện cảm giác thèm ăn. Những thay đổi này thường được nhận thấy trong vòng 2 tuần điều trị. Việc hết dịch màng phổi xảy ra trong vòng 6 đến 12 tuần sau khi bắt đầu điều trị, tùy thuộc vào lượng dịch và các bệnh đi kèm.

Các tác dụng phụ của thuốc chống lao phải được chú ý trong quá trình điều trị, như thay đổi về thính giác, thị giác và chức năng gan, cần giảm bớt hoặc ngừng sử dụng tùy theo tình hình.

Nếu bệnh lao kháng thuốc, việc lựa chọn thuốc sẽ dựa trên mô hình kháng thuốc được xác định bằng phương pháp dựa trên PCR và kết quả nuôi cấy thử nghiệm độ nhạy thuốc (DST).

1.2 Thuốc chống viêm

Điều trị bằng corticosteroid không được khuyến cáo cho bệnh lao màng phổi, nhưng trong một số trường hợp, khi bệnh nhân gặp các triệu chứng nghiêm trọng như đau ngực, sốt hoặc khó thở, corticosteroid được chỉ định dùng. Nếu cần thiết, nên dùng cùng với thuốc chống lao với liều 0,5 - 0,75mg/kg cân nặng, sau đó giảm dần.

Thuốc điều trị lao màng phổi- Ảnh 2.

Thuốc chống lao là trụ cột điều trị lao màng phổi.

1.3 Chọc dò màng phổi

Chọc dò màng phổi có thể cần thiết ở những bệnh nhân có lượng dịch tràn nhiều và khó thở để làm giảm các triệu chứng. Khi chọc dò màng phổi được sử dụng kết hợp với thuốc chống lao và corticosteroid, các triệu chứng sẽ thuyên giảm nhanh hơn.

2. Những điều người bệnh lao màng phổi cần lưu ý

Lao màng phổi có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng phác đồ điều trị dài ngày. Tuy nhiên nếu không tuân thủ điều trị có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề như tràn dịch, tràn khí màng phổi, viêm phủ màng phổi, dày dính dịch nhiều ở màng phổi và ổ cặn màng phổi. Do đó, cần phát hiện kịp thời và có cách điều trị bệnh phù hợp.

Ngoài ra trong quá trình điều trị cần lưu ý:

- Thông báo cho bác sĩ về bệnh sử (bao gồm cả việc có nhiễm HIV hay không, trước đây đã từng điều trị bệnh lao hay chưa, có bị dị ứng với các loại thuốc, chất tạo màu hoặc chất bảo quản đã biết…).

- Thuốc chống lao có thể tương tác với các thuốc khác, hãy cho bác sĩ biết về các loại thuốc đang dùng, bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thuốc thảo dược hoặc thuốc bổ sung vitamin, để xác định loại thuốc chống lao nào có thể dùng một cách an toàn hoặc để thay đổi liều lượng thuốc.

- Một số loại thuốc có thể tương tác với nhau khi ăn một số loại thực phẩm, uống rượu hoặc hút thuốc.

- Thông báo cho bác sĩ nếu đang mang thai hoặc đang cho con bú vì một số loại thuốc chống lao đường uống không nên dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

- Làm theo hướng dẫn của bác sĩ để tái khám định kỳ.

- Một số loại thuốc chống lao có thể ảnh hưởng đến các xét nghiệm y tế, nếu đang dùng thuốc chống lao, nên thông báo cho bác sĩ biết.

Những điều cần biết về lao màng phổiNhững điều cần biết về lao màng phổi

SKĐS - Bệnh lao màng phổi đứng hàng đầu trong các bệnh lao ngoài phổi và thường thứ phát sau lao phổi. Bệnh lao màng phổi tuy không còn là nan y nhưng nếu người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ có thể dẫn đến tình trạng lao đa kháng thuốc.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Một số xét nghiệm chẩn đoán lao phổi phổ biến hiện nay | SKĐS



DS. Lê Thanh Hòa
Ý kiến của bạn