Hà Nội

Thuốc điều trị lao màng bụng

15-12-2024 11:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Lao màng bụng là một thể lao ngoài phổi. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là từ 20 - 30 tuổi và ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.

1. Lao màng bụng là gì?

Lao màng bụng là tình trạng viêm phúc mạc lan tỏa do nhiễm Mycobacteria lao gây ra. Con đường lây nhiễm chính là lây lan trực tiếp các tổn thương lao trong ổ bụng và một số ít lây lan theo đường máu. Nguyên nhân là lao đường ruột, lao hạch mạc treo, lao vùng chậu nữ… lan đến phúc mạc, gây viêm phúc mạc khu trú hoặc lan tỏa. Một số ít trường hợp lây lan theo đường máu và có nhiều biến chứng như lao phổi, lao ruột.

Thông thường, bệnh khởi phát chậm, âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng và được phát hiện tình cờ do các cuộc phẫu thuật vùng bụng khác. Một số trường hợp khởi phát đột ngột, với biểu hiện chính là đau bụng cấp tính hoặc sốt cao đột ngột.

Thuốc điều trị lao màng bụng- Ảnh 1.

Lao màng bụng do nhiễm Mycobacteria lao gây ra.

2. Thuốc điều trị lao màng bụng

Nguyên tắc điều trị lao màng bụng là chẩn đoán sớm, điều trị triệt để, sử dụng thuốc hợp lý để tránh tái phát.

2.1. Điều trị dùng thuốc lao màng bụng

Điều trị thuốc kháng lao theo Chương trình Chống Lao Quốc gia với phác đồ 2RHZE/4RHE:

- Giai đoạn tấn công kéo dài 2 tháng, gồm 4 loại thuốc dùng hàng ngày: Isoniazid (H); rifampicin (R); pyrazinamid (Z); ethambutol (E).

- Giai đoạn duy trì kéo dài 4 tháng, gồm 3 loại thuốc dùng hàng ngày: Isoniazid (H); rifampicin (R); ethambutol (E).

Isoniazid

- Tác dụng: Là một kháng sinh chống vi khuẩn lao Mycobacteria, được sử dụng để phòng ngừa và điều trị bệnh lao hiệu quả.

- Tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc: Nhiễm độc thần kinh ngoại biên (các triệu chứng bao gồm tê, ngứa ran hoặc cảm giác nóng rát ở tay và chân); tổn thương gan; buồn nôn; nôn.

Rifampicin

- Tác dụng: Rifampicin cũng có hiệu quả chống lại hầu hết các chủng Mycobacteria. Khi dùng phối hợp với các thuốc chống lao khác có hiệu quả trong điều trị các thể bệnh lao, kể cả các trường hợp mới phát bệnh, tiến triển, mạn tính và kháng thuốc.

- Tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc: Các triệu chứng về đường tiêu hóa bao gồm chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy... Nếu các triệu chứng tổn thương gan xảy ra, như buồn nôn dai dẳng, nôn mửa, khó chịu hoặc vàng da (vàng da và lòng trắng mắt), hãy ngừng sử dụng và tìm tư vấn y tế ngay lập tức. Bệnh nhân nghiện rượu, điều trị lâu dài, đái tháo đường, suy gan cũng như phụ nữ có thai và cho con bú nên thận trọng khi sử dụng.

Pyrazinamid

- Tác dụng: Pyrazinamid được phối hợp với các thuốc chống lao khác. Ngoài ra, pyrazinamid còn được dùng trong phác đồ điều trị lao kháng thuốc.

- Tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc: Tổn thương gan; tăng axit uric máu có thể gây ra các cơn gout; buồn nôn; nôn; mất cảm giác ngon miệng. Không nên dùng cho những bệnh nhân bị cơn gút cấp tính và suy gan nặng.

Ethambutol

- Tác dụng: Được dùng phối hợp với các thuốc chống lao khác để ngăn chặn sự kháng thuốc.

- Tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc: Có thể gây ra các vấn đề về mắt hoặc thị lực như đau mắt, cản trở thị lực, mù màu, giảm thị lực hoặc mù lòa. Nếu có bất kỳ vấn đề về thị lực nào nên ngừng dùng thuốc và tìm tư vấn y tế ngay lập tức. Những thay đổi về thị lực có thể khó đánh giá ở bệnh nhân suy thận, bệnh gout, suy giảm thị lực, phụ nữ có thai, người già và trẻ em nên thận trọng khi sử dụng.

Thuốc điều trị lao màng bụng- Ảnh 2.

Người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để có phác đồ điều trị phù hợp.

2.2. Điều trị triệu chứng

- Giảm kích thích niêm mạc ruột, chống táo bón, chống tiêu chảy, tiết chế ăn uống, giàu chất đạm, giảm mỡ béo, nhiều vitamin, thức ăn mềm dễ tiêu.

- Theo dõi và phát hiện các trường hợp bán tắc hoặc tắc ruột, thủng ruột, lồng ruột để kịp thời can thiệp ngoại khoa.

- Xử lý cấp cứu khi báng bụng nhiều chèn ép gây khó thở, bệnh nhân cần được chọc tháo dịch giải áp.

Không dùng corticosteroid trong điều trị lao màng bụng vì có nguy cơ gây thủng ruột, tạo đường dò giữa các quai ruột, đường dò thành bụng.

3. Những điều người bệnh cần lưu ý

- Dùng thuốc đúng liều: Trong điều trị lao cần phối hợp nhiều loại thuốc một lúc. Người bệnh cần tuân thủ đúng liều lượng của mỗi loại thuốc theo bác sĩ chỉ định. Không được tự ý tăng/giảm liều vì nếu dùng liều quá thấp sẽ không có tác dụng và dễ tạo nên các chủng vi khuẩn lao kháng thuốc; khi dùng liều quá cao dễ gặp tác dụng phụ, tai biến do thuốc.

- Dùng thuốc đều đặn: Các loại thuốc cần được uống vào cùng một thời điểm nhất định trong ngày, xa bữa ăn để thuốc đạt hiệu quả tối ưu. Người bệnh cần chú ý tới thời điểm uống thuốc để đạt hiệu quả tối ưu.

- Dinh dưỡng hợp lý: Bệnh nhân bị lao màng bụng nên tăng cường dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý.

- Chú ý tác dụng phụ của thuốc: Trong quá trình điều trị, cần đặc biệt chú ý xem có dị ứng thuốc hay không, đồng thời phối hợp theo dõi tác dụng phụ của thuốc, kịp thời thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời.

Lao màng bụng có nguy hiểm?Lao màng bụng có nguy hiểm?

SKĐS - Lao màng bụng là tình trạng tổn thương viêm đặc hiệu của màng bụng thường là thứ phát sau ổ lao khác. Đa số các bệnh nhân bị lao màng bụng thường là trẻ tuổi.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Một số xét nghiệm chẩn đoán lao phổi phổ biến hiện nay | SKĐS


DS. Trần Phương Duy
Ý kiến của bạn