Có rất nhiều nguyên nhân gây khô mắt như: ô nhiễm không khí, thời tiết khô, thay đổi hormon khi về già hay rối loạn tiền mãn kinh ở nữ, dùng điều hòa nhiệt độ... Ở Mỹ, có 4,3 triệu người ở tuổi hơn 65 đang bị khô mắt. Nhiều nghiên cứu công bố tỷ lệ khô mắt là 14,6% ở lứa tuổi sau 60. Trong cộng đồng nói chung thì khô mắt có biểu hiện triệu chứng chiếm tỷ lệ 3,5%. Nữ giới do vấn đề rối loạn hormon sinh dục khi về già nên chịu tỷ lệ khô mắt lớn hơn nam giới. Khô mắt cũng hay gặp sau mổ đục thể thủy tinh, mổ LASIK...
Vậy khô mắt là gì?
Là rối loạn của phim nước mắt do thiếu hụt lượng nước mắt hoặc nước mắt bay hơi quá nhiều, có thể gây tổn thương cho bề mặt nhãn cầu vùng khe mi và kèm theo những triệu chứng khó chịu khác của mắt.
Triệu chứng của khô mắt không đặc hiệu. Nó là tổ hợp của những khó chịu bên ngoài của mắt: căng mắt/mệt mỏi; ngứa mắt, cảm giác rát bỏng; sợ ánh sáng; nhìn mờ thoáng qua; nặng mi và kích ứng mi.
Chẩn đoán khô mắt không khó bằng các phép nhận định film nước mắt định tính, định lượng. Cầu kỳ hơn, người ta đánh giá từng lớp của phim nước mắt, soi chụp lớp mỡ của film nước mắt và đánh giá tình trạng tuyến sụn mi - tuyến tiết mỡ cho film nước mắt...
Nguyên nhân của khô mắt được xếp thành 2 nhóm:
- Do tiêu hao nước mắt quá nhiều: hở mi do liệt dây VII, do chấn thương, do bỏng, lật mi...
- Do không sản xuất đủ nước mắt: Tất cả các lý do còn lại như tuổi già, thiếu hụt hormon, sau bỏng mắt, nhiễm độc thuốc, bệnh toàn thân...
Có nhiều nguyên nhân gây khô mắt nên việc dùng thuốc cần phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Nguyên tắc điều trị
Công thức chung phổ quát để điều trị khô mắt là: Bổ sung nước mắt (nước mắt nhân tạo, chất bôi trơn), lưu giữ nước mắt (nút điểm lệ, kính giữ ẩm, kính tiếp xúc), kích thích tạo nước mắt (dùng thuốc kích thích tạo nước mắt), dùng dịch sinh học thay thế nước mắt (huyết thanh tự thân, chuyển dịch tuyến nước bọt), điều trị chống viêm (với các thuốc như cyclosporine, cocticosteroid, tetracicline), bổ sung axit béo thiết yếu như omega-3 (khi cần thiết) và cải thiện môi trường (tránh khô nóng và dùng điều hòa quá mức, hạn chế sử dụng các loại màn hình điện tử...).
Một số lưu ý...
Ngoài một số phẫu thuật hay thủ thuật để hạn chế bay hơi hay tiêu hao nước mắt như cò mi, nút điểm lệ... hay việc đeo kính giữ ẩm thì việc dùng nước mắt nhân tạo và sản phẩm bôi trơn, làm ẩm mắt đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Mục đích dùng thuốc là để làm tăng sự dễ chịu, giảm khô và đỏ mắt, giảm hiện tượng thị lực dao động, làm loãng các chất thải chuyển hóa, rửa trôi các chất ô nhiễm và tác nhân dị ứng, bảo vệ bề mặt nhãn cầu và tăng thời gian đeo kính áp tròng.
Đối với khô mắt thể nhẹ, ngoài việc sử dụng nước muối sinh lý 0,9%, các bác sĩ có thể kê đơn các sản phẩm bôi trơn, làm ẩm bề mặt nhãn cầu. Có nhiều dòng sản phẩm như: các sản phẩm polyethylene glycol và propylene glycol; dẫn xuất cellulose; các sản phẩm chứa glycerin; sodium hyaluronate hay polyvinyl alcohol... Đối với các sản phẩm này, dạng đóng gói có thể là lọ hay dạng ống bẻ, công nghệ kín hay hở, thuốc nước hay dạng gel, mỡ để tra vào ban đêm... nên thầy thuốc và bệnh nhân có rất nhiều sự lựa chọn sao cho thuận tiện và phù hợp nhất.
Cần lưu ý các thuốc trên đều thuộc nhóm không cần kê đơn nhưng có bệnh nhân lại ưa loại này, không ưa loại kia; cũng có loại gây dị ứng phải dừng thuốc. Một số thuốc gây dính mi hay mờ thoáng qua gây hoảng hốt, khó chịu cho người dùng. Giá cả cũng khác biệt giữa nhà sản xuất trong nước hay nhập ngoại, hoạt chất gốc là gì.
Một vài loại khô mắt do những nguyên nhân đặc biệt người ta phải dùng đến nhóm steroid, huyết thanh tự thân hay thuốc điều hòa miễn dịch. Các bác sĩ mắt sẽ là người quyết định việc này, bệnh nhân không nên tự ý mua dùng.
Có rất nhiều loại thuốc được sử dụng trị khô mắt. Tuy nhiên, do có nhiều nguyên nhân gây khô mắt, thậm chí khô mắt là hậu quả của một bệnh hay một tình trạng y tế nào đó tại mắt hoặc toàn thân. Vì vậy, đối với những trường hợp này chỉ khi điều trị được nguyên nhân (cái gốc của bệnh) thì tình trạng khô mắt cũng sẽ được giải quyết.