Người mắc bệnh HAT thường bị các cơn hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế đột ngột như: đứng lên sau khi ngồi hay nằm một thời gian dài hoặc sau một bữa ăn…
Huyết áp (HA) là áp lực của máu lên thành động mạch và gồm có HA tâm thu (HA đo được khi tim co bóp máu đi) và HA tâm trương (HA đo được khi máu trở về tim).
HA của một người khỏe mạnh bình thường là 120/80mmHg (HA tâm thu/ HA tâm trương). Một người được cho là HAT khi huyết áp đo được < 90/60mmHg (huyết áp tâm thu < 90mmHg và huyết áp tâm trương < 60mmHg).
Nguyên nhân triệu chứng và biến chứng
Nguyên nhân:
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh HAT như:
Mang thai: trong thời kỳ mang thai, các mạch máu giãn nở nên làm áp lực của máu giảm xuống.
Bệnh lý: các bệnh về tim mạch như suy tim, hở van tim… khiến tim không bơm máu đủ cho cơ thể hay các bệnh về nội tiết tố như bệnh lý tuyến giáp, bệnh đái tháo đường… hoặc một số bệnh lý nhiễm khuẩn, dị ứng cũng là nguyên nhân gây ra HAT.
Rối loạn sinh lý: khi cơ thể mất nước, mất máu làm giảm thể tích và áp lực của máu.
Chế độ dinh dưỡng kém: cơ thể không được cung cấp đầy đủ sắt, vitamin B12, axít folic nên gây ra thiếu máu.
Thuốc: các thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc chống trầm cảm khi sử dụng trong thời gian dài sẽ gây ra HAT.
Triệu chứng
Người mắc bệnh HAT thường có các triệu chứng sau đây:
- Hoa mắt.
- Chóng mặt.
- Ngất xỉu.
- Mỏi mệt.
- Nhức đầu.
- Mờ mắt…
Biến chứng:
Bệnh HAT diễn ra trong thời gian dài, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy cho cơ thể, làm rối loạn các chức năng sinh hóa và dẫn đến các biến chứng như: đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não... đe dọa tới tính mạng!
Thuốc điều trị
Các thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh HAT gồm có:
Midodrin: có tác dụng giống thần kinh giao cảm, gây co mạch và làm tăng sức cản ngoại vi, gây tăng HA và thường được sử dụng ở dạng thuốc viên.
Cần lưu ý: không sử dụng thuốc này cho người nhịp tim chậm, thận ứ nước tiểu…
Heptaminol: có tác dụng co mạch gây tăng HA, sử dụng ở dạng muối hydrochlorid và thường được sử dụng ở dạng thuốc viên.
Cần lưu ý:
Không kết hợp heptaminol với nhóm thuốc ức chế enzym monoamine oxidase (IMAO) như: phenelzine, isocarboxazid... vì gây ra nguy cơ tăng huyết áp đột ngột.
Không sử dụng heptaminol cho người mắc bệnh cường giáp, phù não, động kinh…
Bổ sung vitamin B12, axít folic và sắt: ngăn ngừa tình trạng thiếu máu gây ra bệnh HAT và thường được sử dụng ở dạng thuốc viên, thuốc nước hay thuốc chích.
Fludrocortison: một corticosteroid có tác dụng giữ nước trong cơ thể và làm tăng thể tích máu, gây tăng HA thường được sử dụng ở dạng thuốc viên.
Cần lưu ý: không sử dụng thuốc này cho phụ nữ có thai hay đang cho con bú, người bị viêm loét dạ dày - tá tràng, đái tháo đường, lao tiến triển…
Các thuốc sử dụng trong điều trị bệnh HAT có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe, nên cần phải được chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc.
Ngoài việc điều trị bằng thuốc, người mắc bệnh HAT cần thực hiện phương pháp điều trị không dùng thuốc như:
Có thể tăng lượng muối trong khẩu phần
- Uống nhiều nước.
- Tăng lượng muối trong khẩu phần.
- Chế độ dinh dưỡng tốt, cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất.
- Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao như: đi bộ, bơi lội, tập dưỡng sinh…
- Đảm bảo thời gian ngủ và chế độ nghỉ ngơi, thư giãn…
Trong điều trị bệnh HAT, việc thay đổi lối sống, sinh hoạt, thực hiện phương pháp điều trị không dùng thuốc là hết sức quan trọng, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa những biến chứng xảy ra.
DS. MAI XUÂN DŨNG