1. Mối nguy khi mắc hồng ban nút
Hồng ban nút là một loại viêm mô mỡ dưới da, có thể xảy ra ở mọi dân tộc, giới tính và độ tuổi, nhưng phổ biến nhất ở phụ nữ từ 25 đến 40. Tỷ lệ mắc ở phụ nữ gấp 3–6 lần so với nam giới. Mặc dù một tỷ lệ lớn bệnh nhân mắc không rõ nguyên nhân, nhưng đây có thể là dấu hiệu đầu tiên của một bệnh toàn thân ở một số bệnh nhân.
Hồng ban nút là phản ứng quá mẫn không rõ nguyên nhân ở 55% các trường hợp, có thể là dấu hiệu của một số bệnh nhiễm trùng, nhạy cảm với thuốc hoặc mang thai.
Hồng ban nút biểu hiện bằng các nốt ban đỏ dưới da, thường gặp ở cẳng chân trước, đầu gối, cánh tay và hiếm khi ở mặt và cổ. Đường kính nốt ban 3–20 cm, phát ban trong một đến vài tuần, kèm theo sốt và đau khớp. Ở 50% trường hợp, mắt cá chân bị sưng và đau trong vài tuần.
Bệnh gây ảnh hưởng đến đầu gối và các khớp khác. Hồng ban nút có thể kéo dài hoặc tái phát, thậm chí có thể trở thành mạn tính và bùng phát từng đợt, nhưng không gây sẹo vĩnh viễn.
2. Các thuốc điều trị hồng ban nút
Tùy theo tình trạng bệnh có các lựa chọn dùng thuốc khác nhau:
2.1. Thuốc giảm đau chống viêm không steroid
Tác dụng: Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) là liệu pháp điều trị đầu tay phổ biến nhất cho hồng ban nút nhẹ. Các thuốc NSAID có sẵn và dễ sử dụng như ibuprofen, indomethacin, naproxen...
Tác dụng phụ của NSAID thường gặp ở đường tiêu hóa (ợ nóng, đau, buồn nôn, viêm loét dạ dày) hoặc phát ban da. Cần thận trọng khi sử dụng ở những bệnh nhân mắc bệnh viêm ruột, vì những loại thuốc này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
2.2. Kali iodide
Tác dụng: Kali iodide có hiệu quả hơn trong việc làm giảm triệu chứng nếu bắt đầu dùng ngay khi xuất hiện ban đỏ dạng nốt.
Tác dụng phụ: Liệu pháp kali iodide thường được dung nạp tốt. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau dạ dày.
Lưu ý: Cần thận trọng khi sử dụng kali iodide cho những bệnh nhân mắc bệnh lao. Các triệu chứng ngộ độc iod hoặc kali có thể xuất hiện khi sử dụng kéo dài. Suy giáp và cường giáp cũng có thể xảy ra. Thuốc chống chỉ định trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú.
2.3. Corticosteroid
Tác dụng: Thuốc corticosteroid được sử dụng cho bệnh nhân hồng ban nút không đáp ứng với NSAID và kali iodide hoặc xuất hiện các triệu chứng suy nhược nghiêm trọng cần cải thiện nhanh chóng. Có thể dùng prednisolone, triamcinolone acetonide...
Lưu ý: Cần loại trừ nhiễm trùng tiềm ẩn hoặc bệnh ác tính trước khi sử dụng corticosteroid. Bệnh nhân mắc bệnh lao không nên được điều trị bằng corticosteroid toàn thân.
Đối với những trường hợp hồng ban nút bị tái phát nhiều lần hoặc mắc bệnh lao không đáp ứng đủ với NSAID có ther dùng dapsone, colchicine và hydroxychloroquine.
- Colchicine: Colchicine có hiệu quả trong các trường hợp liên quan đến hội chứng Behçet. Thuốc giúp chống viêm, giảm đau.
Tác dụng phụ thường gặp là tiêu chảy, đau bụng và buồn nôn và các tác dụng phụ ít phổ biến hơn là bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh cơ và ức chế tủy xương.
- Dapsone: Được sử dụng thận trọng do các tác dụng phụ tiềm ẩn của nó, bao gồm tăng methemoglobin huyết, tan máu, mất bạch cầu hạt và bệnh thần kinh vận động ngoại biên.
Lưu ý: Dapsone nên tránh dùng ở những bệnh nhân bị dị ứng với sulfone hoặc những bệnh nhân mắc bệnh tim phổi nặng.
- Hydroxychloroquine: Thuốc có thể hữu ích đặc biệt đối với hồng ban nút mạn tính hoặc tái phát liên quan đến bệnh viêm ruột.
Tác dụng phụ đáng lo ngại nhất của hydroxychloroquine là tổn thương mắt. Thuốc có thể gây bệnh võng mạc không hồi phục và thay đổi thị lực. Cần phải kiểm tra nhãn khoa ban đầu và định kỳ khi sử dụng lâu dài.
3. Lưu ý khi điều trị
Để việc điều trị an toàn, hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ:
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Trong thời gian dùng thuốc, nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
- Nên nâng cao chân khi nằm, không tạo áp lực, đè vật nặng lên chân/vùng khớp có hồng ban nút.
- Có thể chườm lạnh tại chỗ có vết tổn thương.
Do nhiều trường hợp không có nguyên nhân rõ ràng nên rất khó để ngăn ngừa tất cả các trường hợp hồng ban nút. Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ bùng phát bằng cách thực hiện các biện pháp sau:
- Tránh tiếp xúc với người bị bệnh.
- Thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ đối với bất kỳ tình trạng bệnh lý nào mắc phải.
- Nếu có thể, hãy tránh dùng thuốc gây ban đỏ dạng nút.
- Nên có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Nếu mắc bệnh viêm ruột, không ăn những thực phẩm khiến các triệu chứng bùng phát.
- Khi mắc bệnh hồng ban nút, nâng cao chi, sử dụng vớ nén hoặc băng để giúp giảm sưng và đau, nghỉ ngơi, tránh các hoạt động mạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hệ lụy khi lạm dụng thuốc gảm đau.