Hà Nội

Thuốc điều trị Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp

20-11-2024 06:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây hạ natri máu, nếu không được chẩn đoán và điều trị có thể gây nguy hiểm.

1. Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp là gì?

Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp (SIADH) là tình trạng cơ thể sản xuất quá nhiều hormone kháng bài niệu (ADH). Hormone kháng bài niệu có tác dụng duy trì huyết áp, thể tích máu và hàm lượng nước trong mô, bằng cách kiểm soát lượng nước, do đó kiểm soát nồng độ nước tiểu được thận bài tiết.

Ở người mắc Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp, hormone kháng bài niệu bị dư thừa được giải phóng khi không cần thiết, gây ra tình trạng suy giảm khả năng bài tiết nước qua nước tiểu, làm mất cân bằng muối trong cơ thể, dẫn đến tình trạng hạ natri máu.

Hạ natri máu có thể là cấp tính (phát triển trong vòng 48 giờ) hoặc mạn tính (phát triển trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần). Hạ natri máu cấp tính nguy hiểm hơn nhiều vì nó phát triển quá nhanh khiến các tế bào não không có đủ thời gian để điều chỉnh phù hợp.

Nguyên nhân là do:

- Bệnh lý hệ thần kinh trung ương (chấn thương, xuất huyết, khối u, phẫu thuật, viêm, viêm màng não).

- Bệnh phổi (viêm phổi, lao, tràn mủ màng phổi, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, tràn khí màng phổi).

- Bệnh ung thư (phổi, thận, tiêu hóa, tuyến tiền liệt, tuyến tụy, khối u mô liên kết, u tuyến ức, thần kinh nội tiết, u lympho).

- Nhiễm HIV.

- Dùng thuốc (desmopressin, thuốc chống viêm không steroid - NSAID, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc -SSRI, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc gây độc tế bào) và lạm dụng chất gây nghiện (ma tuý).

- Buồn nôn nghiêm trọng và nguyên nhân vô căn.

Thuốc điều trị Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp- Ảnh 1.

Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể là nguyên nhân gây Hội chứng SIADH.

Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp là hội chứng tự hạn chế, chiến lược điều trị đầu tiên là điều chỉnh theo cơ chế bệnh sinh của bệnh cơ bản. Tuy nhiên, kế hoạch điều trị tức thì sẽ dựa trên tình trạng hạ natri máu và các hội chứng đi kèm.

2. Các phương pháp điều trị Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp

  1. Các lựa chọn điều trị Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp phụ thuộc vào:
  • Tuổi tác, sức khỏe và tiền sử bệnh tật của bệnh nhân.
  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng hạ natri máu.
  • Khả năng chịu đựng của bệnh nhân đối với thuốc, quy trình và liệu pháp.
  • Diễn biến dự đoán của bệnh.

Các lựa chọn điều trị bao gồm:

- Hạn chế chất lỏng: Hạn chế lượng chất lỏng đưa vào là phương pháp điều trị đầu tay cho SIADH ở những bệnh nhân không bị giảm thể tích máu. Hạn chế lượng nước đưa vào ở mức 500 ml - 1.000ml/ngày, thường được khuyến nghị cho nhiều bệnh nhân.

- Truyền dịch muối: Nếu hạ natri máu cấp tính, nghiêm trọng, đe dọa tính mạng (thay đổi trạng thái tinh thần, co giật hoặc hôn mê) trong đó nồng độ natri huyết thanh thường giảm <120 đến 125 mmol/L trong <48 giờ, cần sử dụng dung dịch muối ưu trương (muối 3% tiêm tĩnh mạch ) cho đến khi các triệu chứng thần kinh trở lại và đạt được mức natri an toàn. Nồng độ natri nên được theo dõi sau mỗi 1 đến 2 giờ.

Thuốc điều trị Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp- Ảnh 2.

Trong tình trạng hạ natri máu cấp tính, cần sử dụng dung dịch muối ưu trương.

- Thuốc demeclocycline: Trong tình trạng hạ natri máu nhẹ đến trung bình, khi việc hạn chế chất lỏng đã được chứng minh là không hiệu quả hoặc ở bệnh nhân không thể/không muốn tuân thủ, có thể bổ sung thuốc lợi tiểu quai để tăng bài tiết nước tiểu.

Nếu bệnh nhân SIADH không thể tuân thủ chế độ hạn chế nước có thể sử dụng demeclocycline. Thuốc ức chế tác dụng của ADH trên thận, cải thiện nồng độ natri máu. Tác dụng phụ chủ yếu là nhiễm độc thận, vì vậy chức năng thận phải được theo dõi chặt, đặc biệt ở những bệnh nhân bị xơ gan.

- Thuốc đối kháng thụ thể vasopressin: Do vai trò của nồng độ vasopressin quá mức trong bệnh sinh của hầu hết các loại SIADH, thuốc đối kháng thụ thể vasopressin đã được phát triển, với mục tiêu ngăn ngừa hấp thụ nước quá mức, gây ra hạ natri máu. Conivaptan là thuốc đối kháng thụ thể vasopressin không chọn lọc chỉ dùng đường tĩnh mạch, tolvaptan dùng đường uống.

Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc bao gồm khô miệng, khát nước nhiều hơn và đi tiểu nhiều hơn...

3. Lưu ý ở người bệnh mắc Hội chứng tiết hormone kháng bài niệu không phù hợp

- Cần thay đổi lối sống và theo dõi thường xuyên nồng độ natri huyết thanh, chức năng thận để điều chỉnh kế hoạch điều trị và ngăn ngừa biến chứng.

- Theo dõi lượng chất lỏng nạp vào là rất quan trọng quá trình điều trị SIADH tại nhà. Thực phẩm có hàm lượng nước cao, như súp, trái cây và rau, nên được tiêu thụ ở mức độ vừa phải khi cần quản lý chất lỏng để tránh uống quá nhiều nước. Rượu và caffeine có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng hạ natri máu cần hạn chế để tránh các biến chứng tiềm ẩn.

- Việc tích hợp các chiến lược quản lý này có thể giúp bệnh nhân mắc SIADH kiểm soát tình trạng bệnh của mình một cách hiệu quả.

Chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn… cảnh giác với hạ natri máuChán ăn, mệt mỏi, buồn nôn… cảnh giác với hạ natri máu

SKĐS - Hạ natri máu là rối loạn điện giải thường gặp trên lâm sàng với các triệu chứng không điển hình. Khá nhiều người bệnh chỉ có biểu hiện chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn… nên thường hay chủ quan, khi các biểu hiện nặng xuất hiện cơn co giật thì mới nhập viện.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Sau khi tập luyện thể dục hãy tránh xa các loại nước này.


DS. Lê Thanh Hoà
Ý kiến của bạn