Hội chứng ruột kích thích có thể gây ra sự khó chịu và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hằng ngày của bệnh nhân. Nếu được điều trị đúng cách và kiểm soát các triệu chứng, bệnh nhân có cuộc sống bình thường và không gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
1. Các thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích
Mặc dù không có thuốc chữa dứt điểm bệnh, nhưng có nhiều loại thuốc điều trị các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Dùng thuốc nào, phụ thuộc vào triệu chứng chính của bệnh là tiêu chảy hay táo bón, đau nhiều hay ít, các vấn đề tâm sinh lý, xã hội kèm theo...
Nguyên tắc chung, chỉ dùng thuốc khi các phương pháp không dùng thuốc như thay đổi chế độ ăn, cải thiện lối sống… không mang lại hiệu quả. Chỉ dùng thuốc sau khi được bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa khám, làm các xét nghiệm và kê đơn thuốc. Bệnh nhân không tự ý sử dụng các thuốc điều trị táo bón, tiêu chảy hoặc áp dụng đơn thuốc của người khác cho mình.
- Thuốc kháng cholinergic: Bao gồm dicyclomine, hyoscyamine và dầu bao gói bạc hà, có tác dụng ngăn chặn sự kích thích của hệ thần kinh đối với đường tiêu hóa. Từ đó giúp giảm chứng co rút nghiêm trọng và các cơn co thắt không đều của đại tràng. Các thuốc này rất hiệu quả khi sử dụng để phòng ngừa triệu chứng bệnh khởi phát.
Các tác dụng phụ thường gặp như: Khô miệng/mắt, mờ mắt.
- Thuốc trị tiêu chảy: Điển hình như loperamide hoặc diphenoxylate-atropine có thể giúp làm chậm sự di chuyển của phân qua đường tiêu hóa. Các thuốc này hiệu quả với bệnh nhân hội chứng ruột kích thích có triệu chứng tiêu chảy là chủ yếu.
Các thuốc này chỉ nên sử dụng khi cần thiết, không nên dùng liên tục. Dùng nhiều hơn liều chỉ định có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về tim ở một số người.
- Thuốc chống trầm cảm: Bao gồm amitriptyline, imipramine, desipramine, nortriptyline có thể được kê đơn để kiểm soát cơn đau. Các thuốc này mặc dù chủ yếu được sử dụng để điều trị trầm cảm, nhưng có tác dụng giảm đau ở những bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, liều thuốc dùng trong trường hợp này thường thấp hơn nhiều so với liều được sử dụng để điều trị trầm cảm và chủ yếu chỉ định trong trường hợp bị tiêu chảy. Bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi khi mới bắt đầu dùng thuốc.
- Thuốc chống lo âu: Các thuốc như diazepam, lorazepam, clonazepam có thể được bác sĩ kê đơn cho trường hợp lo âu ngắn hạn làm gia tăng triệu chứng hội chứng ruột kích thích. Các thuốc này chỉ nên dùng trong thời gian ngắn, theo chỉ định của bác sĩ. Nếu lạm dụng thuốc có nguy cơ cao gây lệ thuộc thuốc.
2. Liệu pháp tâm lý điều trị hội chứng ruột kích thích
Căng thẳng quá mức có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Do đó bệnh nhân có thể cởi mở thảo luận với bác sĩ về các vấn đề sức khỏe, các căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày cũng như tâm sinh lý mình đang gặp phải.
Thực tế lâm sàng cho thấy khá nhiều bệnh nhân kiểm soát được bệnh khi sử dụng liệu pháp tâm lý.
3. Lưu ý chung khi điều trị hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích rất khó để điều trị dứt điểm mà chỉ có thể giúp giảm các triệu chứng. Bệnh nhân cần gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được khám và tư vấn dùng thuốc an toàn và hiệu quả nhất. Không tự tìm hiểu và tự mua thuốc dùng tại nhà.
Mục tiêu điều trị là giảm thiểu tối đa nguy cơ tái phát. Do đó bệnh nhân cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Không tự ý ngừng thuốc hoặc đổi sang loại thuốc khác.
Trường hợp đã dùng thuốc đúng chỉ định nhưng không cải thiện triệu chứng thì cần liên hệ với bác sĩ điều trị để được khám lại.
Mỗi loại thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích đều có thể gây ra tác dụng phụ với các mức độ khác nhau. Bệnh nhân không nên tự ý thay đổi loại thuốc hoặc liều thuốc khi gặp phải tác dụng phụ. Cần thông báo cho bác sĩ khi gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào.
Mỗi loại thuốc lại phù hợp với từng triệu chứng của hội chứng ruột kích thích khác nhau trên mỗi bệnh nhân. Do đó, không nên dùng đơn thuốc của người khác cùng có bệnh giống mình.
Thời gian đáp ứng với thuốc điều trị phụ thuộc nhiều yếu tố như: Thể trạng của người bệnh, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, các bệnh lý mắc kèm… Do đo, người bệnh cần theo dõi tiến triển của sức khỏe trong quá trình điều trị để kịp thời phát hiện bất thường, trao đổi với bác sĩ để đánh giá đáp ứng với thuốc.
Ngoài việc dùng thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập là những yếu tố cực kỳ quan trọng trong điều trị hội chứng ruột kích thích. Bệnh nhân cần nghiêm túc thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt theo chỉ định của bác sĩ/ chuyên gia dinh dưỡng để việc điều trị đạt hiệu quả tốt hơn.
Mời độc giả xem thêm video:
Những bệnh lý về đường tiêu hóa thường gặp trong dịp Tết.