Thuốc điều trị Hội chứng Goodpasture

28-04-2025 09:08 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Hội chứng Goodpasture là một bệnh hiếm nhưng nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị tổn thương phổi, suy thận, thậm chí tử vong.

Hội chứng Goodpasture: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhHội chứng Goodpasture: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Hội chứng Goodpasture là một bệnh tự miễn hiếm gặp, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các mô của màng đáy cầu thận và phổi.

Hội chứng Goodpasture là một bệnh tự miễn hiếm gặp, đặc trưng bởi sự tấn công của kháng thể vào các mô phổi và thận. Các triệu chứng bao gồm khó thở và ho ra máu. Với tiến triển nhanh và dễ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời, hội chứng này đòi hỏi các chiến lược điều trị khẩn cấp và bài bản, kết hợp giữa chuyên môn cao, phác đồ chuẩn và sự phối hợp đa ngành.

Điều trị Hội chứng Goodpasture có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

1. Các thuốc trong điều trị Hội chứng Goodpasture

1.1. Thay huyết tương

Tác dụng: Đây là phương pháp rút bỏ kháng thể gây hại ra khỏi máu. Huyết tương của bệnh nhân - nơi chứa kháng thể anti-GBM- được thay thế bằng dung dịch albumin hoặc huyết tương tươi đông lạnh.

Thông thường, thay huyết tương được thực hiện mỗi ngày hoặc cách ngày trong 2–3 tuần, cho đến khi kháng thể không còn phát hiện trong máu. Đây là bước giúp "dập lửa" ngay lập tức, đặc biệt trong các tình huống nguy cấp như xuất huyết phổi.

Tác dụng phụ bao gồm: Nhiễm trùng, rối loạn đông máu, phản ứng dị ứng, hạ huyết áp, mệt mỏi…

1.2. Thuốc chống viêm corticosteroid

Tác dụng: Các thuốc corticosteroid như prednisone có tác dụng làm giảm phản ứng viêm và tổn thương mô phổi và thận, giảm mức độ kháng thể tấn công vào các mô, phục hồi chức năng của phổi và thận, giảm triệu chứng như ho, khó thở, và suy thận.

Tác dụng phụ: Corticosteroid có thể gây ra một số tác dụng phụ như tăng cân, loãng xương, tăng huyết áp, tăng đường huyết, rối loạn giấc ngủ, lo lắng, trầm cảm, mỏng da, đục thủy tinh thể…

Thuốc điều trị Hội chứng Goodpasture- Ảnh 2.

Điều trị Hội chứng Goodpasture có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

1.3. Thuốc ức chế miễn dịch

Tác dụng: Thuốc ức chế miễn dịch có tác dụng ngăn hệ thống miễn dịch tấn công các mô của người bệnh, giảm phản ứng viêm, tổn thương mô, kiểm soát bệnh, phục hồi chức năng của các cơ quan bị ảnh hưởng.

Thuốc thường dùng: Cyclophosphamide (ngăn tế bào miễn dịch tạo ra kháng thể mới).

Tác dụng phụ: Tăng nguy cơ nhiễm trùng, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, suy thận, tăng men gan, tăng nguy cơ ung thư…

Trong một số trường hợp, bệnh nhân không đáp ứng với phác đồ kinh điển hoặc không thể dùng cyclophosphamide (do độc tính) có thể dùng rituximab.

Ngoài ra, có thể dùng thuốc hạ huyết áp khi bệnh nhân có tăng huyết áp như một biến chứng của bệnh thận. Trong trường hợp đó, thuốc hạ huyết áp có thể được sử dụng để kiểm soát huyết áp và giảm tổn thương thận. Lưu ý, việc sử dụng thuốc hạ huyết áp trong Hội chứng Goodpasture cần được bác sĩ chuyên khoa quyết định và theo dõi chặt chẽ.

2. Ghép thận

Ghép thận là giải pháp cho bệnh nhân mất chức năng thận hoàn toàn. Nếu tổn thương thận không hồi phục, bệnh nhân cần lọc máu lâu dài hoặc ghép thận. Ghép thận chỉ được thực hiện khi kháng thể anti-GBM không còn phát hiện trong máu ít nhất 6–12 tháng để tránh nguy cơ tái phát làm hỏng thận ghép. Nếu ghép đúng thời điểm, tỷ lệ thành công cao và bệnh hiếm khi tái phát.

3. Lưu ý khi điều trị Hội chứng Goodpasture

Hội chứng Goodpasture có thể khởi phát đột ngột nhưng hậu quả kéo dài suốt đời. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu như ho ra máu, phù, tiểu ít, sụt cân không rõ nguyên nhân... và nhanh chóng đến bệnh viện là chìa khóa sống còn.

Dưới đây là một số lưu ý cho bệnh nhân khi điều trị Hội chứng Goodpasture:

- Tuân thủ điều trị: Bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị được chỉ định bởi bác sĩ, bao gồm cả việc sử dụng thuốc và các biện pháp điều trị khác.

- Kiểm soát triệu chứng: Bệnh nhân cần chú ý đến các triệu chứng của bệnh như ho, khó thở, mệt mỏi và thông báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ thay đổi nào.

- Theo dõi chức năng thận: Do hội chứng Goodpasture có thể gây tổn thương thận nghiêm trọng, bệnh nhân cần thường xuyên kiểm tra chức năng thận và điều chỉnh điều trị nếu cần.

- Quản lý tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc dùng để điều trị hội chứng Goodpasture có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ về bất kỳ tác dụng phụ nào họ gặp phải.

- Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi: Bệnh nhân nên duy trì một chế độ ăn uống cân đối và nghỉ ngơi đầy đủ để hỗ trợ quá trình điều trị.

- Tập thể dục: Tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, nhưng bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào.

- Tránh nhiễm trùng: Do hệ miễn dịch bị ảnh hưởng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm trùng và giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt.

- Theo dõi và quản lý tâm lý: Hội chứng Goodpasture có thể gây ra căng thẳng và lo lắng. Bệnh nhân nên tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý nếu cần.

- Khám sức khỏe định kỳ: Bệnh nhân cần thường xuyên đến khám bác sĩ để theo dõi tiến triển của bệnh và điều chỉnh điều trị.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tổn thương thận do tự ý điều trị nhiễm trùng tiết niệu tại nhà.



BS. Nguyễn Huy Hoàng
Ý kiến của bạn