Thuốc điều trị Hội chứng Antiphospholipid

24-11-2024 06:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hội chứng kháng phospholipid hay còn gọi là Hội chứng Antiphospholipid (APS) là bệnh tự miễn, gây ra các cục máu đông, dẫn đến các triệu chứng như nhồi máu phổi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim...

1. Hội chứng Antiphospholipid là gì?

Các chất được gọi là phospholipid có trong máu rất cần thiết để máu đông lại. Ở bệnh nhân mắc Hội chứng Antiphospholipid cơ thể nhầm lẫn phospholipid hoặc protein liên kết với phospholipid là chất lạ và hình thành kháng thể chống lại chúng. Phản ứng này là sự nhầm lẫn của hệ thống miễn dịch, được gọi là quá trình tự miễn dịch.

Các kháng thể này được gọi là APLA. Sự hiện diện của chúng có thể dẫn đến cục máu đông và/hoặc sảy thai ở phụ nữ mang thai.

Tuy nhiên, ở một số người, chúng không gây ra bất kỳ vấn đề nào. Chỉ khi một người bị cục máu đông hoặc sảy thai và xét nghiệm APLA có kết quả dương tính nhiều hơn một lần, được đo cách nhau ít nhất 6 tuần, thì mới xác định người đó mắc Hội chứng Antiphospholipid.

Đông máu (làm đặc máu) là một chức năng bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, cục máu đông hình thành bên trong mạch máu, rất nguy hiểm và tình trạng đông máu quá mức liên quan đến APS có thể gây ra các vấn đề sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng.

Thuốc điều trị Hội chứng Antiphospholipid- Ảnh 1.

Hội chứng Antiphospholipid (APS) là bệnh tự miễn, gây ra các cục máu đông trong lòng mạch.

Tùy thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng bởi cục máu đông và mức độ tắc nghẽn lưu lượng máu đến cơ quan đó, Hội chứng Antiphospholipid nếu không được điều trị có thể dẫn đến tổn thương cơ quan vĩnh viễn hoặc tử vong.

Các biến chứng bao gồm:

  • Suy thận
  • Đột quỵ
  • Vấn đề về tim mạch
  • Vấn đề về phổi
  • Biến chứng thai kỳ bao gồm: Sảy thai, thai chết lưu, sinh non...

2. Thuốc điều trị Hội chứng Antiphospholipid

Phần lớn các bệnh nhân APS được chẩn đoán sau các biến cố tắc mạch hoặc thai sản, chính vì thế, điều trị chủ yếu là dự phòng tắc mạch, hoặc dự phòng biến cố thai sản. Việc điều trị bệnh nhân mắc hội chứng này nên cần cá nhân hóa, dựa trên các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân và các tình trạng bệnh lý mắc kèm nếu có.

Những bệnh nhân không triệu chứng (không có tiền sử cục máu đông, sảy thai hoặc các vấn đề khác được liệt kê ở trên) không cần điều trị cụ thể. Đôi khi có thể cân nhắc dùng thuốc aspirin liều thấp cho những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao (ví dụ, ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp và đái tháo đường).

Bệnh nhân APS có tiền sử cục máu đông thường được đưa vào phác đồ dài hạn, sử dụng thuốc chống đông máu (thường gọi là thuốc làm loãng máu) như aspirin, warfarin hoặc heparin.

Các loại thuốc khác được sử dụng để điều trị APS, bao gồm:

- Hydroxychloroquine: Hydroxychloroquine hiện đã được sử dụng để điều trị các tình trạng tự miễn dịch trong nhiều năm. Nhiều bệnh nhân APS được kê đơn thuốc này cho kết quả tích cực, nhưng có thể mất đến 2 hoặc 3 tháng trước khi có thể cảm nhận được tác dụng của hydroxychloroquine.

- Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG): Được hình thành bằng cách tập hợp các globulin (kháng thể) từ người hiến tặng khỏe mạnh, IVIG có thể trung hòa một số kháng thể có hại và đã được sử dụng trong nhiều bệnh tự miễn với hiệu quả khác nhau.

- Vitamin D: Cũng như các bệnh tự miễn khác như bệnh đa xơ cứng, lupus, tình trạng thiếu hụt vitamin D rất phổ biến ở những bệnh nhân APS. Tác động của việc thiếu vitamin D đối với việc đông máu vẫn đang được xem xét kỹ lưỡng, nhưng vì vitamin D có nhiều lợi ích, nên thường được khuyến nghị ở bệnh nhân đã kiểm tra nồng độ vitamin D và bổ sung nếu cần thiết.

Thuốc điều trị Hội chứng Antiphospholipid- Ảnh 2.

Bệnh nhân APS có tiền sử cục máu đông thường được đưa vào phác đồ sử dụng thuốc chống đông máu trong thời gian dài.

3. Một số lưu ý cho người mắc Hội chứng Antiphospholipid

Người bệnh cần thay đổi lối sống để ngăn ngừa cục máu đông. Nếu hút thuốc, hãy lập kế hoạch bỏ thuốc; duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên.

Một số loại thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormone (HRT) có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Nếu bạn bị APS và đang dùng thuốc tránh thai hoặc HRT, bác sĩ có thể khuyên bạn nên ngừng hoặc thay đổi các loại thuốc này để ngăn ngừa cục máu đông.

Những bệnh nhân dùng thuốc làm loãng máu trong thời gian dài phải thường xuyên được bác sĩ theo dõi, kiểm tra.

Một số thuốc làm loãng máu, như warfarin không an toàn khi mang thai. Nếu đang mang thai hoặc đang cố gắng mang thai, hãy trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn điều trị an toàn.

6 biện pháp giúp ngăn ngừa cục máu đông6 biện pháp giúp ngăn ngừa cục máu đông

SKĐS - Đông máu là một chức năng bình thường giúp cơ thể không bị mất máu quá nhiều khi bị chấn thương hoặc khi có vết thương. Tuy nhiên, khi những cục máu đông hình thành có thể gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng cho sức khỏe.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Đau thắt ngực có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim | SKĐS


DS. Nguyễn Quốc Hòa
Ý kiến của bạn