Thuốc điều trị HIV làm tăng nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở trẻ

19-07-2018 13:46 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Thuốc dolutegravir là một chất ức chế integrase được chỉ định kết hợp với các thuốc kháng virut khác để điều trị HIV ở người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em trên 6 tuổi.

Tuy nhiên, gần đây Cơ quản Quản lý dược phẩm Anh (MHRA) đã cảnh báo thuốc có thể làm tăng nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở trẻ sinh ra từ những phụ nữ dùng dolutegravir tại thời điểm thụ thai.

Để đưa ra khuyến cáo này, MHRA đã dựa trên nghiên cứu do Cơ quan Thuốc châu Âu thực hiện thông qua việc xem xét trẻ sơ sinh được sinh ra từ hơn 11 ngàn phụ nữ nhiễm HIV ở Botswana. Kết quả khảo sát cho thấy, 0,9% trẻ sơ sinh (4 trong số 426) mẹ có thai trong khi dùng dolutegravir có khuyết tật ống thần kinh, so với 0,1% trẻ sơ sinh (14/11,173) có mẹ uống thuốc trị HIV khác. Không có trường hợp nào được báo cáo ở trẻ sinh ra từ những phụ nữ bắt đầu dùng dolutegravir trong thời gian mang thai. Do đó, MHRA khuyến cáo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe không kê toa dolutegravir cho phụ nữ đang cố gắng mang thai; thực hiện xét nghiệm thai kỳ trước khi bắt đầu dùng dolutegravir; tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về việc sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong suốt quá trình điều trị bằng dolutegravir. Nếu mang thai được xác nhận trong tam cá nguyệt đầu tiên với một người phụ nữ đang dùng dolutegravir thì cần chuyển sang điều trị thay thế trừ khi không có lựa chọn phù hợp. Bên cạnh đó, cần tư vấn cho bất kỳ phụ nữ nào đang dùng dolutegravir để điều trị HIV thì không tự ý ngừng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị.

Ngoài ra, một thông điệp về chăm sóc sức khỏe phụ nữ đã được gửi trực tiếp đến các chuyên gia chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV và cho các nhóm bệnh nhân ở Vương quốc Anh để tư vấn về các khuyến nghị này. Cơ quan Thuốc châu Âu cũng đã đưa ra thông tin cần thiết cho người bệnh là nữ về nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở trẻ để họ có lựa chọn và quyết định cũng như tham vấn bác sĩ khi muốn sinh con.


Bảo Châu (Theo MHRA)
Ý kiến của bạn