1. Hẹp ống sống là gì?
Ống sống là ống ở cột sống thắt lưng chứa tủy sống và dây thần kinh. Hẹp ống sống là hiện tượng thu hẹp thành trong của ống sống, gây chèn ép tủy sống và dây thần kinh.
Hẹp ống sống có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào dọc theo toàn bộ cột sống, nhưng vị trí phổ biến nhất là cột sống thắt lưng và cột sống cổ, được gọi lần lượt là hẹp ống sống thắt lưng và hẹp ống sống cổ.
Hẹp ống sống tiến triển chậm, đôi khi các triệu chứng không rõ ràng. Những triệu chứng này thường khó phát hiện ở giai đoạn đầu nhưng dần dần trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.
Thông thường, các triệu chứng rõ ràng hoặc dễ nhận thấy nhất là đau, tê ở lưng, chi trước, chi sau tùy thuộc vào loại hẹp ống sống.
2. Điều trị hẹp ống sống như thế nào?
Các phương pháp điều trị cụ thể cho chứng hẹp ống sống phụ thuộc vào loại, mức độ nghiêm trọng, vị trí của cơn đau cột sống. Các triệu chứng nhẹ có thể được điều trị bằng các phương pháp tự chăm sóc, trong khi các triệu chứng vừa phải có thể cần vật lý trị liệu, dùng thuốc. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn cần điều trị bằng phẫu thuật. Một số lựa chọn điều trị phổ biến cho bệnh hẹp ống sống bao gồm:
- Vật lý trị liệu: Việc chăm sóc ban đầu phổ biến nhất để điều trị chứng hẹp cột sống là vật lý trị liệu. Vật lý trị liệu tập trung vào việc tăng cường cơ lưng, cải thiện sức mạnh cơ cốt lõi, cải thiện tư thế. Bằng cách hỗ trợ cột sống tốt hơn, các triệu chứng dây thần kinh bị chèn ép thường được cải thiện.
- Điều trị bằng thuốc: Các loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), tiêm steroid (corticosteroid) để giảm đau, giảm viêm...
- Phẫu thuật: Nếu tất cả các phương pháp điều trị trên không làm giảm triệu chứng, hoặc những trường hợp hẹp ống sống nghiêm trọng cần phẫu thuật.
3. Thuốc điều trị hẹp ống sống
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hẹp ống sống thắt lưng hoặc cổ, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc và/hoặc tiêm tủy sống trị liệu như một phần của kế hoạch điều trị không phẫu thuật. Các thuốc này giúp kiểm soát tình trạng viêm, đau, các triệu chứng khác do dây thần kinh bị chèn ép.
- Paracetamol: Paracetamol/acetaminophen là thuốc giảm đau nhẹ có tác dụng hiệp đồng với các thuốc khác. Thuốc tương đối an toàn nhưng cần đúng liều lượng. Nếu acetaminophen đã kiểm soát được cơn đau thì không cần điều trị thêm.
- Thuốc chống viêm không steroid: Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường được sử dụng bao gồm ibuprofen, naproxen và aspirin giúp giảm đau liên quan đến hẹp ống sống. Bằng cách giảm viêm, những loại thuốc này có thể làm giảm sự chèn ép dây thần kinh.
NSAID nên được sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ vì tác dụng phụ thường gặp, đặc biệt ở người cao tuổi. Các vấn đề về đường tiêu hóa là tác dụng phụ thường gặp nhất. Ngoài ra, sử dụng NSAID lâu dài có thể gây ra các biến chứng liên quan đến tim mạch.
- Thuốc giảm đau opioid: Oxycodone và hydrocodone có chứa codeine có thể giảm cơn đau tạm thời, ngắn hạn. Nhưng cân nhắc thận trọng khi sử dụng để điều trị lâu dài vì có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Thuốc chặn tín hiệu đau bằng cách tác động đến các xung thần kinh trong não và tủy sống. Do đó, buồn ngủ, cảm thấy mệt mỏi, uể oải, chóng mặt, lú lẫn là những tác dụng phụ phổ biến nhất của những loại thuốc này.
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm như amitriptyline có thể được kê đơn để làm giảm cơn đau mạn tính.
- Thuốc chống co giật: Một số loại thuốc chống co giật như gabapentin và pregabalin đôi khi được kê đơn để làm giảm cơn đau do dây thần kinh bị tổn thương gây ra. Gabapentin ít có khả năng gây ra tình trạng phụ thuộc, nhưng quá liều gây nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.
- Thuốc giãn cơ: Thuốc giúp thư giãn các cơ và hiệu quả hơn khi sử dụng kết hợp với vật lý trị liệu. Tác dụng phụ chính là yếu cơ và buồn ngủ.
- Tiêm steroid ngoài màng cứng: Các mũi tiêm này giúp giảm viêm, giảm đau tạm thời bằng cách đưa steroid trực tiếp vào vùng bị ảnh hưởng xung quanh dây thần kinh cột sống. Tuy nhiên, vì steroid có thể làm tổn thương xương và các mô lân cận theo thời gian nên thường chỉ tiêm một số lượng hạn chế (thường là 3-4 mũi tiêm mỗi năm).
4. Lưu ý người bệnh
Các loại thuốc trên làm giảm các triệu chứng hẹp ống sống có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên thuốc chỉ làm giảm triệu chứng hẹp ống sống chứ không chữa khỏi triệt để bệnh. Một số loại thuốc này có tác dụng giảm đau mạnh nhưng thường đi kèm với các tác dụng phụ nghiêm trọng, có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Hơn nữa hiệu quả sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây chèn ép thần kinh, khả năng đáp ứng của bệnh nhân với thuốc.
Vì vậy, điều cần thiết là phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để xác định phác đồ điều trị phù hợp nhất dựa trên các triệu chứng, phản ứng của bệnh nhân với phương pháp điều trị.
Nhìn chung, một phương pháp tiếp cận toàn diện kết hợp các liệu pháp bảo tồn và can thiệp có thể tối đa hóa kết quả cho bệnh nhân bị hẹp ống sống.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Cơn đai cổ vai gáy cảnh báo bệnh gì? | SKĐS