Hà Nội

Thuốc điều trị gút và những điều cần biết

08-10-2021 07:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Chưa có phương pháp trị triệt để bệnh gút (gout), nhưng các cơn đau có thể được ngăn ngừa hiệu quả bằng việc kiểm soát chế độ ăn uống và dùng thuốc hợp lý. Dưới đây là những điều cần người bệnh cần biết về thuốc điều trị gút.

Thuốc trị bệnh gout: Những điều cần biết - Ảnh 1.

Bệnh gout là một dạng viêm khớp thường gặp do rối loạn chuyển hóa purin.

Tại sao gọi bệnh gút là "bệnh của người giàu"?

Bệnh gout (gút) là một dạng viêm khớp thường gặp do rối loạn chuyển hóa purin. Sự xáo trộn như vậy làm tăng nồng độ axit uric trong máu, dẫn đến tích tụ urat và do đó gây viêm và đau khớp. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến biến dạng các khớp. Ngoài các khớp, urat quá mức có thể tích tụ ở các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như thận, và gây ra các tổn thương. Bệnh gút có liên quan đến các yếu tố di truyền, nhưng cũng có thể dễ dàng khởi phát do ăn quá nhiều. Vì vậy, bệnh gút còn được gọi là "bệnh của người giàu".

Phân loại thuốc chữa bệnh gút

Thuốc là một phần điển hình của kế hoạch điều trị bệnh gút. Một số loại thuốc có thể giúp giảm các triệu chứng của cơn gút, trong khi những loại khác giúp ngăn ngừa các cơn đau gút tấn công. Một số loại thuốc cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến bệnh gút như sỏi thận. 

Khi nói đến việc dùng thuốc điều trị bệnh gút, sẽ khác nhau ở từng người bệnh cụ thể, chỉ qua thăm khám trực tiếp các bác sĩ chuyên khoa mới quyết định được. Bác sĩ sẽ giúp người bệnh xây dựng kế hoạch điều trị bệnh. Một kế hoạch điều trị hiệu quả phải bao gồm sự kết hợp của các phương pháp điều trị như thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống.

Thuốc chữa bệnh gút có thể được phân thành hai loại, cấp tính và mãn tính:

Thuốc điều trị cấp tính: Thuốc có thể nhanh chóng làm giảm cơn đau khớp cấp tính và giảm sưng để khớp vận động bình thường. Các ví dụ phổ biến là NSAID và colchicine.

Thuốc điều trị mãn tính: Thuốc giúp ngăn chặn cơn gút tấn công bằng cách đẩy nhanh quá trình đào thải axit uric và cân bằng mức axit uric trong máu, như allopurinol.

Hầu hết các loại thuốc này chỉ có thể được bán theo đơn của bác sĩ tại các quầy thuốc đã đăng ký. Để tránh nguy hiểm, hãy hạn chế việc tự mua thuốc bừa bãi trước khi đi khám bệnh.

Các thuốc điều trị cơn đau gút cấp tính

Một cơn gút có thể xảy ra mà không có dấu hiệu báo trước, nhưng uống thuốc khi có dấu hiệu đau và viêm đầu tiên có thể giúp giảm các triệu chứng và thời gian của cơn đau. Dưới đây là 3 loại thuốc phổ biến được sử dụng để điều trị cơn gút cấp tính (bùng phát).

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): 

NSAID là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho cơn gút cấp tính. Thuốc giúp giảm đau và viêm do các tinh thể axit uric gây ra. Tuy nhiên, không làm ảnh hưởng đến lượng axit uric trong cơ thể.

Có thể dùng các thuốc NSAID không kê đơn (OTC), như naproxen và NSAIDs theo toa, như indomethacin và sulindac, để ngăn cơn cấp tính. Cũng như các loại thuốc khác, NSAID có thể có tác dụng phụ. Phổ biến nhất là các vấn đề về đường tiêu hóa như loét và xuất huyết dạ dày.

Corticosteroid:

 Nếu NSAID và colchicine không hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn corticosteroid ở dạng viên hoặc tiêm vào khớp bị ảnh hưởng để giúp giảm đau và viêm. Prednisone là một loại corticosteroid phổ biến được kê đơn cho cơn gút. Trong vòng vài giờ sau khi dùng thuốc này, có thể nhận cơn đau thuyên giảm. Corticosteroid có thể có nhiều tác dụng phụ, vì vậy khi sử dụng cần được bác sĩ kê đơn để xem thuốc có phải là một lựa chọn phù hợp hay không.

Colchicine:

 Là thuốc chống viêm uống theo toa, được kê đơn để điều trị gout và các loại viêm khớp liên quan đến tinh thể khác. Colchicine có thể là lựa chọn đầu tiên để điều trị cơn gút cấp và giảm bớt các triệu chứng nếu trong vòng 36 giờ kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.

Colchicine cũng có thể được kê đơn với liều lượng thấp hơn như một loại thuốc phòng ngừa để giảm khả năng bùng phát trong tương lai. Colchicine không làm giảm mức urat trong cơ thể, vì vậy nó thực sự không phải là giải pháp lâu dài để điều trị viêm khớp do gút. Ngoài ra, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ dữ dội như tiêu chảy nặng, buồn nôn, nôn mửa và đau quặn bụng.

Nếu cơn gút chỉ giới hạn ở một hoặc hai khớp và cơn đau ở mức độ nhẹ đến trung bình, người bệnh có thể chỉ cần một trong những loại thuốc trên để kiểm soát tình trạng viêm. Tuy nhiên, nếu cơn đau nghiêm trọng và nếu một hoặc nhiều khớp lớn hơn (không chỉ ở ngón chân), lúc này, có thể cần kết hợp các phương pháp điều trị để kiểm soát.

Ngoài ra, nếu một loại thuốc không đủ hiệu quả để điều trị các triệu chứng của đợt gút cấp tính, bác sĩ có thể kê đơn một loại thuốc khác hoặc thử kết hợp các loại thuốc, vì vậy chỉ có bác sĩ mới quyết định lựa chọn nào là tốt nhất cho người bệnh. 

Thuốc trị bệnh gout: Những điều cần biết - Ảnh 3.

Tăng nồng độ axit uric trong máu, dẫn đến tích tụ urat và do đó gây viêm và đau khớp.

Các thuốc để ngăn ngừa cơn gút tấn công 

Không phải ai bị một cơn gút cấp hoặc nhận được chẩn đoán bệnh gút đều cần dùng thuốc lâu dài để kiểm soát bệnh. Trong một số trường hợp, có thể điều trị ngắn hạn để kiểm soát tình trạng viêm đồng thời với việc thực hiện các thay đổi đối với chế độ ăn uống và lối sống sẽ giúp kiểm soát nồng độ axit uric và ngăn ngừa các cuộc tấn công trong tương lai. Tuy nhiên, nếu các cơn bùng phát trở nên thường xuyên hơn, có thể sẽ cần thêm một loại thuốc để kiểm soát nồng độ urat, cụ thể với các dấu hiệu sau:

- Nếu có hai hoặc nhiều đợt bùng phát cơn gút cấp mỗi năm.

- Nếu các đợt bùng phát nghiêm trọng đến mức không thể làm việc hoặc thực hiện các công việc hàng ngày.

- Nếu bác sĩ xác định đã bị tổn thương khớp khi chụp X-quang hoặc các chẩn đoán hình ảnh khác.

- Nếu có hạt tophi, hoặc các tinh thể axit uric cứng, vón cục có thể làm hỏng khớp.

- Nếu bị tổn thương thận, sỏi thận hoặc bài tiết một lượng cao axit uric trong nước tiểu. 

Axit uric cao hoặc tăng axit uric máu là nguyên nhân gây ra gút và có một số loại thuốc được sử dụng để giúp giảm mức "urat huyết thanh" này. Đây còn được gọi là liệu pháp hạ urat (ULT). Loại thuốc mà bác sĩ có thể kê đơn để kiểm soát mức axit uric:

- Thuốc ức chế xanthine oxidase (XOI): Những loại thuốc này được sử dụng để làm giảm axit uric trong máu như allupurinol và fubuxistat.

- Thuốc tăng thải acid uric qua nước tiểu: Những loại thuốc này có tác dụng giúp thận lọc ra acid uric hiệu quả hơn.

- Enzyme phân hủy axit uric: Thuốc được sử dụng khi các cách khác để giảm urat không thành công hoặc không phù hợp.

Thuốc trị bệnh gout: Những điều cần biết - Ảnh 4.

Hạt tophi, hoặc các tinh thể axit uric cứng, vón cục có thể làm hỏng khớp.

Những lưu ý khi dùng thuốc

Thuốc điều trị bệnh gút cấp tính thường gây ảnh hưởng đến dạ dày và do đó tốt nhất nên uống sau bữa ăn hoặc cùng với thuốc kháng axit.

Thuốc điều trị bệnh gút mãn tính hầu hết đều an toàn. Trong một số trường hợp hiếm hoi, bệnh nhân xuất hiện các phản ứng dị ứng như phát ban trên da, ngứa ngáy, buồn nôn, nhức đầu, đau bụng và mệt mỏi sau khi dùng thuốc. Nếu các tác dụng phụ vẫn tiếp diễn hoặc có nghi ngờ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức.

Thuốc điều trị gút cấp tính thường chỉ được dùng trong một thời gian trong khi thuốc điều trị bệnh gút mãn tính phải dùng lâu dài. Không ngừng thuốc trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.

Uống theo liều lượng quy định trong những khoảng thời gian cố định. Nếu bỏ lỡ một liều, hãy uống càng sớm càng tốt trừ khi gần đến thời gian cho liều kế tiếp theo lịch trình. Trong trường hợp đó, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo theo chỉ dẫn. Không dùng liều gấp đôi.

Dược sĩ Vũ Thuỳ Dương
Bệnh gút không thể chỉ được điều trị bằng thuốc. Muốn đạt được hiệu quả điều trị cần kết hợp với lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh.

Làm gì để hạn chế cơn đau do gút?

Người bệnh nên tránh những thực phẩm sau trong cuộc sống hàng ngày để ngăn chặn cơn đau bùng phát:

- Bỏ thuốc lá và rượu.

- Không ăn nội tạng động vật như não, gan, thận, tim và lách…

- Không ăn hải sản như cá mòi, trứng cá và động vật có vỏ như sò điệp và trai.

- Không ăn quá nhiều thịt, gia cầm và cá.

- Hạn chế ăn đậu, nấm, súp lơ, rau bina và măng tây tươi.

- Người bệnh cũng nên uống nhiều nước (ít nhất hai lít mỗi ngày) để giúp loại bỏ axit uric quá mức ra khỏi cơ thể.

Bệnh gút cấp tính cần điều trị bằng thuốc (thuốc chống viêm không steroid, corticosteroid hoặc colchicine). Kết quả tối ưu đạt được nếu bắt đầu điều trị bằng dược phẩm càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 12 đến 24 giờ sau khi bắt đầu đau.

Sau đợt bùng phát bệnh gút đầu tiên, bệnh nhân cần thực hành thay đổi lối sống.

Điều trị không dùng thuốc có thể được khuyến nghị đồng thời.

Nên bắt đầu điều trị lâu dài (không sớm hơn 2 tuần sau khi bùng phát cơn đau cấp tính) nếu có các triệu chứng sau: Có hơn 2 đợt bùng phát mỗi năm; có tổn thương thận và sỏi niệu; tăng thải quá mức axit uric; có hạt Tophi.

Mời độc giả xem thêm video:

Hạnh phúc của bác sĩ khi thấy F0 liên tục khỏi bệnh COVID-19

DS. Vũ Thùy Dương
Ý kiến của bạn