Bệnh gút trước đây gọi là bệnh của nhà giàu vì hay gặp ở người có mức sống cao. Tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao gấp 10 lần so với nữ giới, lứa tuổi thường từ trên 35. Mặc dù chưa có thuốc đặc trị để chữa dứt điểm nên người bệnh thường xuyên phải dùng thuốc để giảm đau, giảm viêm, giảm biến chứng để điều trị, nhất là trong đợt cấp.
Các loại thuốc dùng cho người bệnh gút
Bệnh gút xảy ra do rối loạn chuyển hóa acid uric trong cơ thể, đặc trưng là có những đợt viêm khớp cấp và có hiện tượng lắng đọng natri urat trong các tổ chức, đặc biệt ở khớp, thận và tổ chức dưới da, gây sưng, đau và có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tàn phế. Tăng acid uric máu có thể do dùng nhiều thức ăn có chứa nhiều purin, tăng giáng hóa nucleoprotein tế bào, tăng tổng hợp purin nội sinh hoặc do giảm đào thải acid uric niệu (giảm độ lọc cầu thận, giảm bài tiết của ống thận) hoặc có thể giảm phân hủy acid uric do vi khuẩn trong phân hoặc có thể do cả ba nguyên nhân. Gút có thể là cấp tính hoặc mạn tính kéo dài nhiều tháng, nhiều năm. Mỗi một năm có thể có vài ba đợt gút cấp (có thể nhiều hơn). Vì vậy, thuốc dùng để điều trị bệnh gút nhằm mục đích làm giảm đau, giảm viêm, từ đó giảm biến chứng và các thuốc làm tăng đào thải acid uric niệu để tránh tái phát, corticoid.
Lưu ý ngộ độc thuốc colchicin khi dùng liều cao.
Những lưu ý cần thiết cho người bệnh
Không lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm: Khi bị cơn gút cấp, người bệnh thường có biểu hiện bị đau tại các khớp bị bệnh nên việc sử dụng thuốc giảm đau kê đơn và không kê đơn khá phổ biến. Loại thuốc thường dùng nhất là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen, diclofenac và naproxen. Loại thuốc này hoạt động thông qua cơ chế ức chế tổng hợp prostaglandin có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày nên việc lạm dụng sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị bào mỏng gây viêm, thậm chí chảy máu dạ dày - tá tràng. Ngoài ra, đối với người đã và đang bị hen có thể gây khởi phát cơn hen. Thuốc acetaminophen (paracetamol) tuy tác dụng chống viêm không đáng kể, nhưng lại có tác dụng hạ sốt và giảm đau rất tốt, nên có thể được sử dụng trong điều trị gút khi không có các loại thuốc khác.
Không dùng liều cao để tránh ngộ độc: Loại thuốc được sử dụng nhiều nhất trong điều trị gút là colchicine, nhất là khi dùng loại NSAID không có tác dụng. Mặc dù colchicine không phải là thuốc giảm đau, nhưng được phân loại như một loại thuốc chống bệnh gút. Thuốc thường được sử dụng với liều lượng nhỏ hơn để điều trị bệnh gút mạn tính. Tuy nhiên thuốc có các tác dụng phụ như buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy hoặc nếu dùng liều cao sẽ gây ngộ độc phải cấp cứu, nhất là loại tiêm tĩnh mạch (hiện nay trên thế giới không dùng loại tiêm tĩnh mạch nữa). Colchicine không dùng cho bệnh nhân rối loạn chức năng gan, tắc mật, suy thận và các bệnh đường tiêu hóa.
Không dùng nhiều corticoid: Thuốc corticoid có thể sử dụng để điều trị bệnh gút (loại uống như prednisolon, dexamerhason hoặc tiêm như solumedrol...) làm giảm viêm nhanh nhưng hết thuốc gút có thể tái phát. Mặt khác thuốc có thể làm tăng acid uric máu, ảnh hưởng đến dạ dày - tá tràng, thậm chí gây xuất huyết, thủng hoặc giữ nước gây phù hoặc dùng nhiều sẽ bị loãng xương...
Cảnh giác hiện tượng dị ứng: Để hạn chế gút tái phát, có thể sử dụng thuốc làm giảm sinh tổng hợp acid uric, thường dùng là allopurinol. Thuốc có tác dụng ức chế men xanthin-oxydase là men giáng hóa hypoxanthin thành xanthin và xanthin thành acid uric và làm giảm cả sinh tổng hợp purin. Tuy vậy, allopurinol có thể gây dị ứng dạng mề đay (phù, ngứa hoặc nặng hơn), rối loạn tiêu hóa, đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ nhưng suy thận có thể dùng được thuốc này. Do vậy, khi được chỉ định dùng thuốc, người bệnh nên thông báo với bác sĩ tình trạng cụ thể của mình như có tiền sử dị ứng với allopurinol hay các thuốc đang sử dụng, kể cả vitamin để được cân nhắc lợi ích tốt nhất trong điều trị.
Theo dõi sát nồng độ acid uric máu và acid uric niệu: Bên cạnh các loại thuốc trên, người bệnh gút nên uống thuốc làm tăng đào thải acid uric niệu, đó là benziodoron kèm theo uống nước bicarbonat (uống theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh). Người bệnh cũng có thể dùng thuốc làm tiêu acid uric trong máu là uricozym. Đây là loại men urat-oxydase có tác dụng làm giáng hóa acid uric thành allantoin, chất này được hòa tan gấp 10 lần so với acid uric và được dễ dàng đào thải ra ngoài qua thận. Uricozym làm giảm acid uric rất mạnh, vì vậy trong quá trình dùng các thuốc này, cần theo dõi nồng độ acid uric máu và lượng acid uric niệu để điều chỉnh liều duy trì (giữ nồng độ trong máu dưới 60mg/l).
Một số lưu ý khác
Bệnh gút rất dễ tái phát, thường liên quan đến chế độ ăn nhiều phủ tạng động vật, hải sản và uống rượu bia, vì vậy nên ăn uống hợp lý. Thuốc điều trị gút có nhiều loại, cơ chế tác dụng có khác nhau nhưng điểm đáng lưu ý là thuốc có nhiều tác dụng phụ, thậm chí phải cấp cứu (ngộ độc colchicine). Vì vậy, khi có nghi ngờ bị gút nên được khám bệnh để xác định và điều trị đúng, không nên tự chẩn đoán và tự mua thuốc điều trị sẽ gặp nguy hiểm.