Giời leo (Zona thần kinh) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus varicella zoster (VZV) tiềm ẩn trong cơ thể tái phát. Người có sức đề kháng kém bị nhiễm VZV lần đầu, biểu hiện lâm sàng là thủy đậu. Sau đó, virus ẩn nấp trong các tế bào thần kinh của hạch rễ lưng tủy sống, dưới sự kích thích của nhiều tác nhân khác nhau, sẽ được kích hoạt trở lại, gây phát ban và viêm dây thần kinh.
Triệu chứng chính của bệnh là các đám mụn nước, phân bố thành từng đám dọc theo một bên của dây thần kinh ngoại biên. Ngoài tổn thương da, bệnh nhân thường kèm theo đau dây thần kinh. Một số bệnh nhân có thể thấy ngứa ran, rát và các bất thường về cảm giác và thậm chí đau dữ dội.
Các yếu tố nguy cơ thường gặp của bệnh bao gồm: Tuổi cao, suy giảm miễn dịch, bệnh hệ thống, điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch lâu dài… Làm việc quá sức, căng thẳng tinh thần cao cũng là những nguyên nhân phổ biến.
1. Nguyên tắc điều trị zona thần kinh
- Nguyên tắc điều trị chung là nghỉ ngơi, bảo vệ tổn thương da, tránh ma sát và kích thích bên ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em và phụ nữ mang thai có sức đề kháng thấp.
- Nguyên tắc điều trị toàn thân: Sử dụng thuốc kháng virus, giảm đau, chống viêm, rút ngắn thời gian diễn biến của bệnh, bảo vệ tại chỗ và ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp.
2. Các thuốc điều trị bệnh zona thần kinh
Khi được chẩn đoán mắc bệnh, người bệnh cần áp dụng điều trị bằng thuốc sớm và hợp lý dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để giảm triệu chứng, thuyên giảm tình trạng, hạn chế xảy ra biến chứng.
2.1 Điều trị nguyên nhân: Thuốc kháng virus
Các thuốc kháng virus phổ biến là acyclovir, valacyclovir và famciclovir...
- Tác dụng: Thuốc kháng virus đẩy nhanh quá trình chữa lành các tổn thương da và làm giảm mức độ nghiêm trọng cũng như thời gian của bệnh. Bệnh nhân nên bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng virus trong vòng 72 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng để có thể tối đa hóa tác dụng của thuốc. Quá trình điều trị sẽ kéo dài từ 7 đến 10 ngày hoặc cho đến khi vết thương đóng vảy.
- Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, mệt mỏi… Trường hợp nặng có thể bao gồm Lú lẫn, co giật, hôn mê, ảo giác, đau cơ…
- Chống chỉ định: Người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Người bệnh thận hoặc tiền sử bệnh thận, cần thông báo với bác sĩ để điều chỉnh liều lượng phù hợp.
2.2 Điều trị triệu chứng: Thuốc giảm đau
Do là tình trạng viêm cấp tính của rễ thần kinh ngoại biên do virus gây ra nên đau dây thần kinh là một trong những triệu chứng lâm sàng chính của bệnh. Cơn đau có thể xuất hiện trước hoặc cùng với phát ban, càng lớn tuổi thì cơn đau càng dữ dội.
Để đối phó với triệu chứng đau, nên dùng thuốc giảm đau và giảm tổn thương dây thần kinh. Trường hợp mức độ đau nhẹ có thể dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid như ibuprofen, naproxen. Trong trường hợp đau nặng có thể dùng thuốc giảm đau tác dụng mạnh opioid như oxycodone, hydrocodone.
Lưu ý, các thuốc giảm đau opioid có thể gây nghiện, nên người bệnh cần thận trọng khi sử dụng và chỉ nên dùng thuốc trong thời gian ngắn.
- Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc giảm đau là rối loạn tiêu hoá, khó tiêu, ợ chua thậm chí là loét tiêu hoá; tổn thương gan, thận; buồn ngủ, gây nghiện…
- Chống chỉ định: Người đang bị loét dạ dày tiến triển, suy gan, suy thận, người dị ứng với một trong các thành phần của thuốc thì không được dùng. Phụ nữ mang thai cần thông báo với bác sĩ.
Thuốc giảm đau nên được sử dụng sớm dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt nếu sử dụng trong vòng 7 ngày kể từ khi bùng phát có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc biến chứng đau thần kinh sau zona (là một trong những di chứng chính của bệnh, nhưng đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh).
2.3 Các thuốc khác
Đối với chứng đau thần kinh sau zona, có thể cần kết hợp thuốc giảm đau và thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptyline) hoặc thuốc chống co giật (như gabapentin, pregabalin). Nếu mụn nước của bệnh nhân loét và gây nhiễm trùng, sẽ sử dụng kháng sinh nếu cần thiết.
3. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị zona thần kinh
Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị zona thần kinh, để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh các tác dụng phụ không mong muốn, cần lưu ý:
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: Luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc. Đọc kỹ thông tin hướng dẫn sử dụng và liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ câu hỏi nào.
- Liều lượng: Sử dụng đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý thay đổi liều lượng hoặc dừng sử dụng thuốc trừ khi được khuyến nghị của bác sĩ.
- Thời gian sử dụng: Uống thuốc đều đặn vào cùng một thời điểm mỗi ngày và trong thời gian đã được chỉ định. Đừng bỏ sót bất kỳ liều nào.
- Tác dụng phụ: Theo dõi cẩn thận các tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc và báo cáo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ biểu hiện nào không bình thường.
- Tương tác thuốc: Thảo luận với bác sĩ về bất kỳ tương tác nào giữa thuốc điều trị bệnh và các loại thuốc hoặc thực phẩm khác đang sử dụng.
- Thực hiện các biện pháp bổ trợ: Ngoài việc sử dụng thuốc, cũng nên tuân thủ các biện pháp bổ trợ như tăng cường chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, duy trì vệ sinh cá nhân và vùng da bị tổn thương sạch sẽ, khô ráo. Thực hiện tiêm phòng vaccine để phòng ngừa bệnh.