DS. Bùi Văn Uy
Bé gái trước 8 tuổi (hoặc bé trai trước 9-9,5 tuổi) có các biểu hiện không bình thường ở bộ phận sinh dục (vú, âm vật to lên), thì có thể nghĩ đến dậy thì sớm. Hiện tuổi dậy thì bình thường thấp hơn trước đây, nên có nước đề nghị xem xét dậy thì sớm ở tuổi nhỏ hơn (Mỹ: dưới 7 tuổi với bé gái).
Người mẹ có thể nhận thấy một số biểu hiện dậy thì sớm ở bé gái như tốc độ tăng chiều cao nhanh, biểu mô âm đạo phát triển nhanh, mô vú có thể phát triển sớm (do sự hoạt động mạnh của estrogen), âm vật to (do hoạt động mạnh của androgen). Tuy nhiên không nên đánh giá bằng cảm tính mà nên đưa bé đến các cơ sở y tế có điều kiện làm được các xét nghiệm cao để có thể chẩn đoán và có phương pháp điều trị hiệu quả.
Dùng thuốc điều trị dậy thì sớm
Ngoài các biện pháp điều trị bằng thuốc, bé gái dậy thì sớm cần được hạn chế các sang chấn tâm lý. |
- Progesteron: Thuốc ít cải thiện hormon, chiều cao nhưng có ích là hạn chế kinh nguyệt sớm. Hay dùng là các progestin tổng hợp như medroxyprogesteron acetat, cyproteron acetat. Medroxyprogesteron ức chế tuyến yên tiết ra hormon sinh dục rõ rệt nên làm cho sự phát triển sinh dục giảm (bầu vú nhỏ lại, hết kinh nguyệt). Nhưng medroxyprogesteron không làm tăng nhanh sự trưởng thành của xương và ức chế dậy thì sớm. Nếu dùng medroxyprogesteron thì phải dùng trong một thời gian khá dài liều từ 10-20mg (theo chỉ dẫn của thầy thuốc với từng trường hợp cụ thể).
- Triptorelin, leucoprorelin: Thuốc lúc đầu kích thích tiết gonadotropin về sau sẽ điều hòa và giảm các tác động của gonadotropin, do thế sẽ làm giảm các hormon gây dậy thì sớm, kết quả là làm giảm các biểu hiện kinh nguyệt, giảm tốc độ tiến triển dậy thì sớm trong năm điều trị đầu tiên. Thuốc có hiệu quả trong việc cải thiện chiều cao, càng tốt hơn khi dùng phối hợp với hormon tăng trưởng (GH (=Growth Hormon) Thuốc sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến tử cung sau này. Triptorelin còn dùng trong ung thư tuyến tiền liệt di căn; leucoprorelin dùng điều trị ung thư vú di căn lệ thuộc estrogen, cả hai đều dùng trong các rối loạn hormon khác. Các tờ hướng dẫn thường chú ý giới thiệu kỹ cách dùng trong các trường hợp này. Không nên tự ý dùng vì dễ nhầm lẫn. Liều lượng do thầy thuốc quyết định, thay đổi tùy trường hợp (ví dụ với dậy thì sớm có thể dùng leucoprorelin: 3,7mg và lặp lại sau 4 tuần, nếu thể trọng dưới 20kg chỉ dùng 1,88mg).
- Hormon tuyến giáp: Trường hợp dậy thì sớm do suy tuyến giáp thì bổ sung hormon tuyến giáp. Khi bị dậy thì sớm do suy tuyến giáp có biểu hiện chảy sữa và tăng prolactin máu. Sau khi bổ sung hormon tuyến giáp, các biểu hiện này mất đi.
Việc dùng hormon như trên chỉ mới giải quyết phần ngọn nhằm giảm bớt các biểu hiện, làm chậm lại dậy thì sớm chứ không chữa được. Khi dùng các loại hormon này phải thận trọng theo đúng chỉ định và chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa (loại nào, liều lượng ra sao, dùng trong bao lâu). Phụ huynh không nên tự ý sử dụng cho con mình.
Một số phương pháp khác
Liệu pháp ngoại khoa: Dậy thì sớm có khi do các khối u (ở vùng hạ đồi, tuyến yên, não, tuyến tùng...). Nếu khối u nhỏ không xâm lấn các vùng chung quanh hoặc các vùng tối quan trọng của não thì có thể phẫu thuật. Trường hợp không phẫu thuật được thì xạ trị, tuy xạ trị cho hiệu quả kém. Nếu xác định rõ dậy thì sớm do u buồng trứng hay thượng thận thì phải phẫu thuật cắt bỏ, hiệu quả khá cao.
Liệu pháp tâm lý: Những bé gái dậy thì sớm có sự trưởng thành về trí tuệ, hành vi tâm lí như những trẻ cùng lứa tuổi thực của chúng, không có các hoạt động tình dục khác giới sớm hay hoạt động tình dục bất thường. Không nên quá lo lắng, có các thái độ đề phòng quá đáng gây cho bé tâm lí bất lợi. Các bé dậy thì sớm cũng phát triển bình thường về mặt trí tuệ như các trẻ khác, nhiều bé còn có chỉ số IQ cao.
Tuy nhiên, có một số trẻ dậy thì sớm thì không cao bằng trẻ khác. Bình thường, chiều cao ở tuổi dậy thì ( chiều cao khởi điểm) thấp thì chiều cao ở tuổi hết tăng chiều cao (chiều cao cuối cùng) cũng sẽ thấp. Nhưng từ khi dậy thì cho đến lúc hết tuổi tăng chiều cao là khoảng thời khá dài. Lúc này nếu có những tác động thích hợp thì chiều cao cũng có thể được cải thiện.
Có một số bé gái gặp một số khó khăn liên quan đến tuổi và sự trưởng thành (như ít giao tiếp, trầm cảm hay hiếu động). Cần tạo cho bé cuộc sống hoà đồng với trẻ cùng tuổi, nhằm hạn chế các sang chấn về mặt tâm lí.
Đa số dậy thì sớm ở bé gái thường lành tính, không cần điều trị, trong khi hơn 50% dậy thì sớm ở bé trai có liên quan đến bệnh lí. Có khi gặp một số biểu hiện của dậy thì trước tuổi cũng chưa hẳn là đã bị dậy thì sớm. Thêm nữa, dậy thì sớm có trường hợp tiến triển nhưng có trường hợp ngưng lại hoặc thậm chí quay trở về trạng thái ban đầu và quá trình dậy thì sẽ tiếp tục về sau (dậy thì chậm). Không vội dùng thuốc khi chưa có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.