Hà Nội

Thuốc điều trị đau do viêm khớp ngón tay

16-09-2022 10:30 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm khớp ngón tay là bệnh khá thường gặp, đặc biệt ở phụ nữ tuổi trên 40. Bệnh do nhiều nguyên nhân, cần điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm như biến dạng khớp, cứng khớp…

Viêm khớp ngón tay là do tình trạng sụn tại đầu xương khớp ngón tay bị thoái hóa, mòn… dẫn đến tổn thương khô khớp, xương mọc trồi ra, gây đau…

Có nhiều nguyên nhân gây viêm khớp ngón tay như: Lão hóa, chấn thương... Ngoài ra các yếu tố nguy cơ gây viêm khớp ngón tay như: Thừa cân, béo phì, khớp bị biến dạng, những hoạt động gây áp lực lên ngón tay...

Thuốc điều trị đau do viêm khớp ngón tay - Ảnh 1.

Vị trí viêm ở các khớp ngón tay, bàn tay.

Một số thuốc có thể dùng để trị đau do viêm khớp ngón tay:

1.Thuốc kháng viêm giảm đau không steroid (NSAIDs)

Các NSAIDs như diclofenac, ibuprofen... được chỉ định khá rộng rãi do thuốc có tác dụng chống viêm tốt, từ đó giảm đau. Tuy nhiên thuốc có khá nhiều tác dụng phụ, đặc biệt trên đường tiêu hóa: Gây viêm, loét, xuất huyết dạ dày...

Một số NSAIDs mới, ít gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa hơn như celecoxib, etoricoxib... nhưng các NSAIDs này lại có nguy cơ gây tim mạch nhiều hơn. Do đó để dùng thuốc nào phù hợp, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh cụ thể, các bệnh lý mắc kèm của từng bệnh nhân sẽ cân nhắc giữa lợi và hại của thuốc để kê đơn.

2. Các thuốc kháng viêm steroid

Là thuốc kháng viêm mạnh, chỉ định khi tình trạng viêm khớp nặng hơn khi dùng các NSAID không hiệu quả. Các steroid (corticosteroid) như prednisolon có tác dụng giảm viêm mạnh, giảm đau và làm chậm tổn thương khớp.

Bác sĩ có thể chỉ định tiêm vào khớp ngón tay (hay còn gọi là tiêm nội khớp), thuốc có tác dụng từ vài tháng, có thể là 1 năm.

Thuốc điều trị đau do viêm khớp ngón tay - Ảnh 2.

Các ngón tay có biểu hiện đau nhức, nhất là vào buổi sáng hoặc khi bị áp lực lên ngón tay.

Tuy nhiên, thủ thuật tiêm nội khớp khá phức tạp và nguy cơ nhiễm trùng khớp cao. Hơn nữa tiêm corticosteroid cũng gây ra các tác dụng phụ không muốn nghiêm trọng khác.

Nếu lạm dụng và tiêm không đúng cách, có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề như: Nhiễm trùng khớp, hoại tử xương, thủng gân, teo da, teo cơ... Do đó, chỉ định tiêm nội khớp cần rất thận trọng, cân nhắc giữa lợi và hại. Khi thực hiện thủ thuật cần được tiến hành bởi bác sĩ chuyên khoa xương khớp có kinh nghiệm, thực hiện tại phòng khám vô khuẩn tuyệt đối. Khi đã có chỉ định tiêm corticosteroid, cần thực hiện đúng thời gian của liệu trình.

3.Một số sản phẩm bổ sung

Các chế phẩm bổ sung như glucosamin, chondroitin, collagen… được dùng nhằm hỗ trợ điều trị và cải thiện thoái hóa khớp.

Hiện các sản phẩm này được bán khá nhiều trên thị trường với chất lượng và giá cả rất khác nhau. Do đó khi dùng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và mua sản phẩm ở nơi tin cậy, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...

Mời độc giả xem thêm video:

Hãy là người bệnh thông thái khi gặp phải các bệnh lý về ung bướu có nguy cơ dẫn đến ung thư

ThS.Nguyễn Thu Hiền
Ý kiến của bạn