Chứng nôn ói ở thai phụ là một dấu hiệu sớm giúp nhận biết có thai, thường xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Đây là tình trạng bình thường khi mang thai, có trên 50% số thai phụ mắc phải chứng “ốm nghén”, thường bắt đầu trước tuần thứ 6 và chấm dứt sau tuần thứ 12 của thai kỳ.
Triệu chứng này nếu diễn ra ở mức độ nhẹ hay trung bình, không cần điều trị. Tuy nhiên, một số ít trở nên nghiêm trọng với chứng nôn ói liên tục, kéo dài gây ra tình trạng mất nước, giảm cân ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi nên cần được điều trị ở bệnh viện.
“Ốm nghén” ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của thai phụ, gây ra lo lắng, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, suy nhược, ảnh hưởng đến công việc…
Nguyên nhân:
Hiện nay, y học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân chính xác gây ra chứng nôn ói ở thai phụ. Sự gia tăng các hoóc-môn estrogen và progesteron trong thời gian thai kỳ được xem là một yếu tố gây ra chứng nôn ói ở thai phụ. Ngoài ra, tác dụng phụ của một số loại thuốc (thuốc bổ sung vitamin, sắt hàm lượng cao…), tình trạng bệnh lý của thai phụ (viêm loét đường tiêu hóa), một số mùi thức ăn gây khó chịu... cũng là những yếu tố thuận lợi góp phần gây ra chứng nôn ói ở thai phụ.
Triệu chứng:
Các triệu chứng “nôn ói” có sự khác biệt ở từng thai phụ với các mức độ nhẹ, trung bình hay nghiêm trọng:
- Cảm giác buồn nôn và nôn thường xảy ra vào buổi sáng khi bụng đói nhưng đôi khi suốt cả ngày.
- Mệt mỏi, suy nhược.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Mất nước, giảm cân…
Thuốc điều trị:
Việc sử dụng thuốc chống nôn ói ở thai phụ cần hết sức thận trọng tránh những tác hại cho thai phụ và thai nhi.
Một số loại thuốc sau đây thường được sử dụng trong điều trị chứng nôn ói ở thai phụ:
Gừng (Zingiber officinale): một thảo dược có tác dụng chống co thắt đường tiêu hóa nên rất hiệu quả trong điều trị chứng nôn ói ở thai phụ.
Vitamin B6 (pyridoxin): mang lại hiệu quả cao khi kiểm soát buồn nôn và nôn ở thai phụ.
Magie: chất khoáng có tác dụng thư giãn thần kinh, giúp chống nôn ói ở thai phụ. Sự kết hợp magie và vitamin B6 làm tăng cường hiệu quả điều trị chứng nôn ói ở thai phụ.
Thuốc kháng histamin: việc sử dụng các thuốc kháng histamin cần hết sức thận trọng, chỉ nên sử dụng trong trường hợp nghiêm trọng và theo sự chỉ định của thầy thuốc.
Các thuốc kháng histamin promethazin, cyclizin, doxylamin thường được sử dụng trong điều trị chứng nôn ói ở thai phụ vì tương đối an toàn cho thai phụ và thai nhi.
Sự kết hợp giữa hai hoạt chất doxylamin-pyridoxin đã được FDA (Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ) chấp thuận là thuốc được chỉ định trong điều trị chứng nôn ói ở thai phụ.
Đối với chứng nôn ói ở thai phụ, ngoài việc điều trị bằng thuốc, việc áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc cũng mang lại hiệu quả cao như:
- Tránh để dạ dày trống bằng cách ăn những bữa ăn nhỏ và uống ít nước thường xuyên. Buổi sáng thức dậy nên ăn ít bánh ngọt khoảng 15 - 20 phút trước khi đứng dậy.
- Cần nghỉ ngơi, thư giãn.
- Nên uống các thuốc bổ sung vitamin, sắt sau bữa ăn và nên dùng với hàm lượng thấp.
- Tránh dùng các thức ăn có mùi khó chịu…
DS. MAI XUÂN DŨNG