Thuốc điều trị chứng khô mắt

16-04-2020 13:55 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Khô mắt là tình trạng thiếu hụt lớp màng nước mắt, có thể dẫn đến tổn thương bề mặt nhãn cầu, gây khó chịu mắt. Vậy có thuốc nào để điều trị tình trạng này...Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ khô mắt mà có nhiều cách điều trị khác nhau...

Nước mắt nhân tạo

Người dùng có thể tự sử dụng trong trường hợp khô mắt nhẹ đến trung bình không có tổn thương giác mạc. Nước mắt nhân tạo giúp cấp ẩm, làm trơn bề mặt mắt và pha loãng các cytokin gây viêm. Trong trường hợp giảm tiết nước mắt nghiêm trọng, cần sử dụng các loại nước mắt có độ nhớt cao như gel hoặc thuốc mỡ để kéo dài thời gian bảo vệ. Thuốc mỡ có tác dụng rất dài nhưng thường gây khó nhìn, thường dành riêng để cấp ẩm cho mắt khi ngủ vào ban đêm. Thuốc nhỏ mắt thường sử dụng 4 lần/ ngày, có thể nhiều hơn nếu cần thiết. Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt trên 6 lần/ ngày, nên chọn loại không chứa chất bảo quản. Tránh thuốc nhỏ mắt chứa các chất gây co mạch như: naphazolin, tetrahdrozolin, phenylephrin và oxymetazolin.

Vitamin

Uống dầu cá hoặc các sản phẩm chứa nhiều acid béo omega 3 (acid eicosapentaenoic, acid linoleic) giúp giảm viêm, giảm kích ứng mắt. Ngoài ra, thuốc nhỏ mắt chứa thành phần vitamin A cũng cho thấy tác dụng trong việc bảo vệ lớp màng lipid, giảm bốc hơi nước mắt. Trường hợp khô mắt gây khó chịu kéo dài, bệnh nhân cần tới khám bác sĩ nhãn khoa và có thể được kê đơn sử dụng thêm một số loại thuốc sau:

Các thuốc chống viêm

Một mặt, chứng khô mắt thường gây viêm, mặt khác, viêm bề mặt nhãn cầu cũng cản trở hình thành lớp nước mắt khỏe mạnh. Nhiều thuốc chống viêm corticoid và không corticoid (NSAID) được sử dụng nhỏ mắt chống khô mắt. Corticoid có tác dụng chống viêm mạnh, đã được sử dụng thành công trong việc điều trị các bệnh lý biểu mô giác mạc do khô mắt trong một số thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên corticoid đặc biệt nguy hiểm khi sử dụng kéo dài (trên 10 ngày, hoặc lặp lại nhiều lần) do có thể gây glôcôm và dẫn đến mù lòa, do đó cần rất thận trọng và có chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc.

Một thuốc nhỏ mắt kháng viêm không steroid tiêu biểu là diclofenac, có thể dùng với thời gian dài hơn. Lifitegrast (xiidra) cũng là một thuốc nhỏ mắt mới được FDA phê duyệt, tác dụng lên quá trình viêm và hiệu quả trong điều trị khô mắt.

Kháng sinh

Vi khuẩn có thể phân hủy lớp lipid bảo vệ màng nước mắt, gây khô mắt nhanh. Ngoài tác dụng chống nhiễm khuẩn, các tetracyclin còn có tác dụng chống viêm, do đó hiệu quả trong việc điều trị tình trạng viêm, khô mắt.

Các tetracyclin cũng ức chế tạo mạch giúp ích trong điều trị rosacea mắt (tình trạng viêm gây mẩn đỏ, rát và ngứa mắt).Doxycyclin, một dẫn xuất tetracyclin tác dụng kéo dài, có tác dụng điều trị rosacea và loét giác mạc không nhiễm trùng ngay cả khi dùng liều dưới mức liều diệt khuẩn. Doxycyclin giúp giảm phân giải lớp nhầy của nước mắt, đồng thời chống tăng sản xuất các yếu tố gây viêm do khô mắt.Thuốc cũng cải thiện độ đồng đều và chức năng chắn của bề mặt giác mạc. Chỉ sử dụng kháng sinh trong vòng 7-10 ngày.

Khi có biểu hiện khô mắt, cần đi khám sớm để được điều trị kịp thời.

Khi có biểu hiện khô mắt, cần đi khám sớm để được điều trị kịp thời.

Các chất ức chế miễn dịch

Đối với các bệnh lý nặng hơn, các chất điều hòa miễn dịch tại chỗ như thuốc nhỏ mắt cyclosporin A (CsA) có thể cần thiết. CsA giúp cải thiện dấu hiệu và triệu chứng khô mắt nhờ giảm xâm nhập tế bào lympho T vào kết mạc, giảm nồng độ cytokin gây viêm trong nước mắt.

Thuốc nhỏ mắt tự huyết tương

Trong các trường hợp khô mắt đặc biệt nghiêm trọng không đáp ứng với các loại nước mắt nhân tạo bình thường, sử dụng tự huyết tương để nhỏ mắt giúp cải thiện khô mắt sau điều trị 4-6 tuần. Tự huyết tương được điều chế bằng cách ly tâm máu tĩnh mạch của chính người bệnh và hòa lãng với dung dịch muối đẳng trương. Các yếu tố tăng trưởng trong tự huyết tương giúp làm lành biểu mô.

Thủ thuật nhãn khoa

Khô mắt nặng với các biến chứng màng sừng có thể cần các thủ thuật như nút lỗ thoát nước mắt... Trong trường hợp khô mắt thứ phát rất nặng do bệnh lý bề mặt nhãn cầu (như do bỏng hóa chất, hội chứng Stevens-Johnson, hay bệnh bọng nước tự miễn pempigus gây sẹo nhãn cầu), có thể cần sử dụng đến cấy giác mạc bằng màng ối, khâu cò mi, cấy ghép giác mạc, ghép tế bào gốc rìa giác mạc, hay thậm chí sử dụng các thiết bị cấy ghép nhãn khoa như kính áp tròng củng mạc cứng để giúp hồi phục thị giác. Với trường hợp khô mắt rất nghiêm trọng, có thể can thiệp phẫu thuật để điều trị các nguyên nhân đặc hiệu.

Biện pháp không dùng thuốc

Bệnh nhân khô mắt có thể đặt máy cấp ẩm trong phòng để tăng độ ẩm không khí, giữ cho nước mắt chậm bốc hơi để mắt được dễ chịu hơn. Đeo kính tránh bụi hoặc sử dụng máy lọc khí nhằm tránh kích ứng mắt. Nên tránh xa các nguồn dị ứng và khói thuốc. Trong khi đọc sách hoặc xem tivi, nên chú ý nháy mắt thường xuyên, tạm dừng sau mỗi 5-10 phút, nhắm mắt trong vòng 10 giây để mắt nghỉ, được cấp ẩm và dễ chịu hơn.

Đặt gạc vừa ấm lên mi mắt và mát xa mi mắt nhẹ nhàng kèm theo rửa mi giúp tăng độ dày lớp lipid của nước mắt, đặc biệt trên bệnh nhân có bệnh lý tuyến sụn mi, rosacea mắt hoặc viêm mi mắt. Nhiệt độ trong gạc ấm và mát xa giúp dầu trong tuyến nhờn chảy ra dễ dàng hơn, rửa mi giúp loại bỏ các vi khuẩn có thể phân hủy lipid.


DS. Đoàn Thị Thảo
Ý kiến của bạn