Thuốc điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ em

28-08-2024 09:30 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tại các nước đang phát triển, viêm phổi ở trẻ em được chia thành 3 mức độ: viêm phổi rất nặng, viêm phổi nặng, viêm phổi không nặng. Viêm phổi ở trẻ em chủ yếu được điều trị bằng kháng sinh và 1 số biện pháp hỗ trợ điều trị khác.

1. Điều trị viêm phổi ở trẻ em bằng kháng sinh

1.1. Viêm phổi ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tháng

Viêm phổi ở các trẻ này cần phải điều trị tại bệnh viện. Bệnh có thể diễn biến nặng lên rất nhanh, khó tiên lượng và cần phải theo dõi chặt chẽ.

Nguyên nhân chủ yếu do các loại vi khuẩn Gram (-), tụ cầu, liên cầu nhóm B.... Còn phế cầu và H. influenzae thì ít gặp hơn. Dùng: Benzyl Penicillin 50.000 đv/kg, tiêm tĩnh mạch (TM) × 4 lần/ngày; Hoặc Ampicillin 50mg/kg × 4 lần/ngày kết hợp với Gentamicin, tiêm TM 7,5mg/kg/ngày; Hoặc amikacin 15mg/kg dùng 1 lần/ngày.

Một đợt dùng từ 5-10 ngày. Nếu không đáp ứng hoặc với các trường hợp viêm phổi rất nặng thì dùng Cefotaxime 50mg/kg, tiêm TM × 3 lần/ngày; Hoặc Ceftriaxone 50mg/kg, tiêm TM × 2 lần/ngày.

1.2. Viêm phổi ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi

Nguyên nhân chủ yếu do các loại vi khuẩn như phế cầu, H. influenzae và M. catarrhalis còn các vi khuẩn khác như tụ cầu hoặc vi khuẩn Gram (-) thì ít gặp hơn.

- Viêm phổi: (không nặng, chỉ có ho và thở nhanh). Điều trị ngoại trú bằng: Amoxycillin 75mg/kg/ngày uống chia 3 lần; Hoặc 100mg/kg/ngày chia 2 lần/ngày.

Theo dõi sau 2-3 ngày. Nếu đỡ thì tiếp tục điều trị cho đủ từ 5-7 ngày. Nếu không đỡ hoặc nặng thêm thì điều trị như viêm phổi nặng. Nếu địa phương nào có tỷ lệ H. influenzae và B. Catarrhalis sinh beta-lactamase cao thì có thể thay bằng amoxy/clavulanic.

viêm phổi

Tại các nước đang phát triển, viêm phổi ở trẻ em được chia thành 3 mức độ: viêm phổi rất nặng, viêm phổi nặng, viêm phổi không nặng. Ảnh minh họa.

- Viêm phổi nặng (có khó thở, co rút lồng ngực): Điều trị tại bệnh viện. Dùng: Benzyl Penicillin 50.000 đv/kg, tiêm TM × 4 lần/ngày hoặc Ampicillin 50mg/kg × 4 lần/ngày. Theo dõi sau 2-3 ngày. Nếu đỡ thì tiếp tục điều trị cho đủ từ 5-10 ngày. Nếu không đỡ hoặc nặng thêm thì điều trị như viêm phổi rất nặng.

- Viêm phổi rất nặng (có khó thở, co rút lồng ngực, tím tái, li bì ...). Điều trị tại bệnh viện. Dùng: Benzyl Penicillin 50.000 đv/kg, tiêm TM × 4 lần/ngày phối hợp với Gentamicin 7,5mg/kg/ngày; Hoặc amikacin 15mg/kg/ngày, dùng 1lần/ngày; Hoặc Ampicillin 50mg/kg × 4 lần/ngày kết hợp với Gentamicin 7mg/kg/ngày, tiêm TM dùng 1lần/ngày. Nếu không đỡ hãy đổi đổi sang Cefuroxime 100-150 mg/kg/ngày, tiêm TM chia 3 lần.

- Nếu nghi ngờ viêm phổi do tụ cầu, hãy dùng: Oxacillin 100mg/kg/ngày, tiêm TM chia 3-4 lần. Nếu không có Oxacillin thì thay bằng Cephalothin 100mg/kg/ngày, tiêm TM chia 3-4 lần; Hoặc Vancomycin 20mg/kg/lần × 3 lần/ngày, tiêm TM trong 30 phút.

1.3. Viêm phổi ở trẻ trên 5 tuổi

Nguyên nhân thường do phế cầu hoặc H. influenzae...Dùng từ 7-10 ngày: Benzyl Penicillin 50.000 đv/kg, tiêm TM × 4 lần/ngày; Hoặc Cephalothin 50-100mg/kg/ngày, tiêm TM chia 3-4 lần; Hoặc Cefuroxime 50-75 mg/kg/ngày, tiêm TM chia 3 lần; Hoặc Ceftriaxone 50-100mg/kg/ngày, tiêm TM chia 1-2 lần.

Nếu ở nơi nào tỷ lệ H. influenzae sinh beta-lactamase cao thì có thể thay bằng Amoxy/clavulanic hoặc Ampicillin/Sulbactam, tiêm TM.

1.4 . Viêm phổi không điển hình

Nguyên nhân thường do Mycoplasma, Chlamydia, Legionella hoặc Ricketsia... Hãy dùng: Azithromycin 10mg/kg/ngày × 5 ngày hoặc Clarithromycin 7,5mg/kg/lần × 2 lần/ngày. Dùng trong 10 ngày.

Thuốc điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ em- Ảnh 3.

Viêm phổi không nặng có thể điều trị ngoại trú tại nhà bằng kháng sinh uống. Ảnh minh họa.

2. Các điều trị hỗ trợ khác

Ngoài việc sử dụng kháng sinh, bệnh viêm phổi ở trẻ em còn được điều trị bằng các biện pháp hỗ trợ sau:

  • Dinh dưỡng: Cung cấp đủ nước cho bé thông qua sữa, nước uống trực tiếp, súp…
  • Theo dõi tình trạng đi tiểu của bé để xem cung cấp nước có đủ không. Nếu bé tiểu ít, nước tiểu vàng có thể là do cung cấp thiếu nước.
  • Vệ sinh mũi: Thường các trẻ viêm phổi cũng có viêm hô hấp trên kèm theo. Có thể vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Có thể dùng dạng xịt phun sương, lấy nhầy mũi bằng bấc sâu kèn.
  • Hạ sốt: Nếu bé sốt trên 38 độ C mà có biểu hiện khó chịu, quấy thì có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường paracetamol. Cần sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất.
  • Giảm ho an toàn: Các loại siro ho thảo dược không có chống chỉ định, có thể giúp bé dễ chịu hơn.
  • Làm ẩm không khí trong phòng hỗ trợ niêm mạc hô hấp. Tránh nằm máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp.
  • Tái khám mỗi ngày hoặc mỗi 2 ngày theo chỉ định của bác sĩ.

3. Lưu ý dùng thuốc khi điều trị viêm phổi ở trẻ em

Chỉ có viêm phổi rất nặng và viêm phổi nặng là phải cho nhập viện điều trị bằng kháng sinh tiêm. Còn viêm phổi không nặng thì có thể điều trị ngoại trú tại nhà bằng kháng sinh uống.

Viêm phổi do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, nhiều nhất là vi khuẩn, sau đó đến virus, ký sinh trùng, nấm và một số nguyên nhân hiếm gặp khác... Về lý thuyết nếu viêm phổi do virus đơn thuần thì kháng sinh sẽ không có tác dụng.

Tuy vậy cho đến nay rất khó có thể biết được chính xác trường hợp nào là do virus đơn thuần hay do vi khuẩn hoặc có sự kết hợp giữa virus với vi khuẩn. Kể cả việc dựa vào lâm sàng, Xquang và xét nghiệm khác.

Một cách lý tưởng là mỗi bệnh nhân viêm phổi vào viện đều được cấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ. Sau khi có kết quả xét nghiệm này, thầy thuốc lâm sàng dựa vào đó để chọn kháng sinh thích hợp cho bệnh nhân. Tuy vậy trong đa số các trường hợp không cho phép người thầy thuốc lâm sàng làm được theo quy trình này vì những lý do sau:

  • Cấy dịch chọc hút qua thành ngực hoặc hút qua nội khí quản thường khó thực hiện và có nhiều tai biến nguy hiểm. Chính vì vậy, chỉ có thể làm được trên một số ít bệnh nhân ở các cơ sở nghiên cứu lớn.
  • Cấy máu cho kết quả dương tính thấp.
  • Cấy dịch tỵ hầu dễ thực hiện hơn nhưng tính đặc hiệu thấp.
  • Không phải cơ sở y tế nào cũng có khả năng cấy được vi khuẩn.
  • Tình trạng bệnh nhân vào viện nặng không cho phép chờ đợi kết quả cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ.

Vì những lý do trên các thầy thuốc cần phải tiên đoán vi khuẩn gây bệnh. Dựa vào các hoàn cảnh lâm sàng cụ thể để lựa chọn kháng sinh điều trị phù hợp.

Xem thêm bài viết được quan tâm:
Viêm phổi ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền, cách điều trị và phòng bệnhViêm phổi ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Tại Việt Nam, theo thống kê tại các cơ sở y tế cho thấy, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em là nguyên nhân cao nhất đến khám bệnh và vào điều trị tại các bệnh viện. Tử vong do viêm phổi ở trẻ em cũng đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong.


PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng
Nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn